Đánh bại võ sĩ tây
Nhà của cố võ sư Hà Trọng Sơn ở thôn An Hòa 1, xã Phước An (H.Tuy Phước, Bình Định). Từ ngày ông mất, ngôi nhà này phải đóng cửa, giao lại cho người con gái là Hà Thị Phi (62 tuổi) trông coi. Những người con của ông gồm: Hà Thị Trinh, Hà Thị Phi, Hà Văn Mao, Hà Văn Đằng, Hà Nhất Linh, Hà Thị Minh Nguyệt đều biết võ, từng tham gia thi đấu hoặc dạy võ. Tuy nhiên, hiện các con của võ sư Hà Trọng Sơn không còn theo nghiệp võ mà đi làm ăn xa.
Theo bà Phi, ông Hà Trọng Sơn đam mê võ thuật từ nhỏ. Năm 8 tuổi, ông được những người anh trong họ hàng như Hà Cảnh, Hà Tùng, Hà Để dạy võ nghệ. Sau đó, ông theo học rất nhiều võ sư khác, trong đó có võ sư Lâm Đắc Đạo (người miền Bắc vào Bình Định lập nghiệp) và ông Beo (người gốc Hoa, sống ở vùng An Khê, Gia Lai). Năm 17 tuổi, ông Sơn được một sĩ quan người Pháp là đồn trưởng đồn Mang Cá (ở Huế) dạy đấu quyền anh...
Năm 1943, tại Đại hội quyền thuật Đông Dương tổ chức ở Nha Trang, ông Hà Trọng Sơn đã giành chiến thắng trước võ sĩ nổi tiếng của Pháp là F.Nicolai và võ sĩ Tiết Mãnh, vốn là tay đấm lừng danh của Đông Dương lúc bấy giờ. Tháng 10.1944, tại hội thi võ thuật Đông Dương tổ chức tại Đà Nẵng, ông Sơn có trận đấu chung kết với một võ sĩ người Pháp là Esperpaire, một tay đấm bất bại cho đến thời điểm đó. Võ sĩ Esperpaire cao, to, nặng hơn ông Sơn rất nhiều nên khi vào trận đấu, nhiều võ sư người VN rất lo lắng. Sau khoảng 5 phút thăm dò, võ sĩ người Pháp ra đòn tấn công rất mạnh hòng hạ gục ông Sơn. Tuy nhiên, bằng sự linh hoạt, ông Sơn né tránh hết các đòn đánh của đối phương. Khi trận đấu được hơn 20 phút thì Hà Trọng Sơn bất ngờ tung đòn hiểm, Esperpaire dính đòn, đổ gục trên sàn đấu.
|
Đấu với các cao thủ miền Nam
Võ sư Trần Can (86 tuổi, ở xã Phước An, H.Tuy Phước, Bình Định), học trò của võ sư Hà Trọng Sơn, kể: Năm 1948, võ sư Hà Trọng Sơn thủ đài tại Bình Định, lần lượt đánh bại các danh thủ hàng đầu như: Trịnh Thiếu Anh, Trung Anh, Bảo Trung Phong... Thời điểm này, ở miền Nam có 3 tay đấm rất nổi tiếng là Huỳnh Tiền, Minh Cảnh, Minh Sang thì võ sư Hà Trọng Sơn đã thượng đài thi đấu với 2 người là Huỳnh Tiền và Minh Cảnh.
Năm 1950, tại hội chợ ở Đà Nẵng, ông Sơn thách đấu với võ sư Huỳnh Tiền, người được mệnh danh “Đệ nhất anh hùng miền Đông” hay còn gọi là “cáo già miền Nam”. Tuy là cao thủ nhưng võ sư Huỳnh Tiền rất mê tín, mỗi khi lên đài, ông thường ngậm thẻ có hình ông Phật để phù hộ giành chiến thắng. Trận này, ông Sơn đã hạ đo ván võ sư Huỳnh Tiền. Từ đó, Hà Trọng Sơn được báo chí ca ngợi và mệnh danh là Hùm xám miền Trung. Sau này, võ sư Hà Trọng Sơn còn đấu với võ sư Huỳnh Tiền nhiều trận, thắng bại đều có nhưng hai người đã trở thành bạn thân.
Cũng trong giai đoạn này, võ sư Minh Cảnh là nhà vô địch Đông Dương về quyền thuật, được mệnh danh là Võ vương Minh Cảnh. Võ sư Hà Trọng Sơn và võ sư Minh Cảnh nhận lời thượng đài với nhau một lần tại Phan Rí (Bình Thuận). Lúc đó, ông Sơn cao gần 1,76 m, nặng 78 kg, còn ông Cảnh thấp hơn nhiều và chỉ có 54 kg nhưng hai bên vẫn nhận lời thi đấu. “Vào trận, thầy Minh Cảnh dùng đòn tay liên tục tấn công vào mặt thầy Sơn. Sau này, thầy Sơn có nói với tôi là đòn tay mặt của thầy Cảnh mạnh như búa bổ. Còn thầy Sơn cũng đánh trúng mặt thầy Cảnh hai lần. Tuy nhiên, trận đấu này phải hoãn giữa chừng do gặp mưa”, võ sư Trần Can nhớ lại.
Võ sư Hà Trọng Sơn còn đánh hòa với võ sĩ Kid Demsey, người giữ chức vô địch Đông Dương nhiều năm liền, đánh bại võ sĩ Ku Xam Thum (người Việt, gốc Thái Lan) vào năm 1960 tại Bồng Sơn (Bình Định)... “Trận thượng đài cuối cùng của cha tôi là với võ sư Phan Huệ (ở Hà Nội). Sau năm 1975, nghe danh cha tôi, võ sư Phan Huệ tìm đến thách đấu. Trận đấu diễn ra tại Trường hát Sùng Nhơn ở Quy Nhơn. Thượng đài chưa đầy một phút, võ sư Phan Huệ dính đòn của cha tôi nên xin thua. Trước trận đấu, ban tổ chức hứa là trả tiền thi đấu rất cao nhưng sau đó họ nuốt lời, không chịu trả và nói rằng: Đánh thắng nhanh như vậy thì lấy tiền làm gì!”, bà Phi kể.
Bảo vệ bản sắc võ Việt
Trong sách Võ cổ truyền Bình Định (xuất bản năm 2004), tác giả Lê Thì, nguyên Giám đốc Sở Thể dục - Thể thao Bình Định, cho rằng bài roi Ngũ Môn phá trận và bài Mai Hoa kiếm pháp là hai môn gia truyền của võ sư nổi tiếng Hà Trọng Sơn. Lúc sinh thời, võ sư Hà Trọng Sơn thường hạ đối thủ bằng các đòn như: thử trước đánh sau, đánh lật sườn, gióng trảo bấu vai lật đầu tháo khớp (đề khí thiết công phục lôi hổ giáng)... Năm 1954, võ sư Hà Trọng Sơn cùng các võ sư khác đã nghiên cứu, rút tỉa những thế kiếm bí truyền từ các bài kiếm pháp độc đáo của dân tộc, xây dựng thành bài kiếm mang tên “Mười hai” nổi tiếng, huấn luyện cho lực lượng vũ trang, dân quân du kích khi tập kết ra miền Bắc.
|
Bình luận (0)