Không thuận lợi nhưng quá hay
Olympic Tokyo 2020 là đại hội diễn ra trong bối cảnh không thuận lợi. Sau khi bị hoãn 1 năm vì đại dịch Covid-19, mọi chuẩn bị của nước chủ nhà bị đảo lộn. Tưởng như mọi thứ sẽ yên ổn vào mùa hè này thì sát ngày tranh tài, Tokyo lại đối mặt với nhiều cơn bùng phát dịch khiến giải đấu lớn nhất hành tinh phải diễn ra trong tình trạng không khán giả, cận kề khai mạc mà nguy cơ hoãn hoặc hủy Olympic vẫn tiềm ẩn rủi ro, thêm vào đó người dân Nhật lại phản ứng mạnh ngay bên ngoài sân vận động chính khiến cho biết bao tâm trạng bất an, lúng túng xuất hiện. Khi đó chỉ cần thêm vài ca dương tính trong làng Olympic hoặc một số rắc rối nảy sinh thì xem như Olympic phá sản.
Thế nhưng bằng nỗ lực của Ủy ban Olympic quốc tế, ban tổ chức nước chủ nhà và sự hợp tác chặt chẽ của tất cả đoàn vận động viên (VĐV) của 206 quốc gia và vùng lãnh thổ, các lực lượng tham gia đại hội, mọi thứ đã được giải quyết trên tinh thần “kiên quyết chống dịch, chấp nhận sống chung với dịch, nhưng vẫn tổ chức thi đấu một cách bài bản, khoa học”. Thành công của buổi lễ khai mạc, những cuộc thi đấu diễn ra suốt 2 tuần qua một cách rộn ràng, tâm lý phấn chấn dần lên của các đoàn tham dự và nhiều kết quả đầy cảm xúc mang lại... đã biến Olympic 2020 trở thành một đại hội giàu kịch tính, ấn tượng và vô cùng khó quên.
Nói đến Olympic là phải nói đến môn thể thao nữ hoàng. Hàng loạt kỷ lục thế giới, hàng chục kỷ lục Olympic và châu lục nối nhau xuất hiện. Hiếm khi thế giới được xem một giải điền kinh đỉnh cao hay như giải này. Càng đáng lưu ý: đây là lần đầu tiên sau hơn chục năm, điền kinh thế giới bước vào thời kỳ hậu Usain Bolt. Đường chạy tốc độ nam thật sự “hoang vắng” sau khi Bolt giải nghệ. May thay, điền kinh không chỉ gồm những cuộc đua tốc độ nam. Elaine Thompson-Herah phá kỷ lục Olympic của huyền thoại Florence Griffith-Joyner, trong khi Jamaica chiến thắng tuyệt đối (lãnh trọn bộ huy chương), trong đợt chạy chung kết 100 m nữ hay nhất từ trước đến nay (có đến 6 VĐV chạy dưới 11 giây). Sydney McLaughlin (Mỹ, 400 m rào nữ); Yulimar Rojas (Venezuela, nhảy 3 bước nữ); Karsten Warholm (Na Uy, 400 m rào nam) đều phá kỷ lục thế giới, ở những cuộc thi hết sức hấp dẫn. Dĩ nhiên cũng có ý kiến cho rằng đường chạy Mondotrack WS, có độ đàn hồi tuyệt vời giúp các VĐV… dễ phá kỷ lục! Nhưng đó chưa phải là nguyên nhân chính dẫn đến thành tích quá tốt trong môn điền kinh. Nguyên nhân chính vẫn là do các VĐV chơi đầy cố gắng.
|
Cảm xúc và tranh cãi
Có rất nhiều cảm xúc ở Olympic lần này với nụ cười chiến thắng, những đau đớn do chấn thương cũng như những giọt nước mắt tiếc nuối. Hình ảnh của tuyển thủ Nhật Bản Kubo ôm mặt khóc sau khi vuột HCĐ bóng đá nam hay khóe mắt đọng nước của nữ VĐV bắn súng người Bulgaria khi mất HCV trong tích tắc sẽ còn đọng lại rất lâu trong mắt mọi người. Nhưng ấn tượng nhất chính là chuyện 2 anh chàng nhảy cao ôm chầm lấy nhau đầy hạnh phúc sau khi cùng đoạt HCV.
Cả hai cùng chinh phục mức xà 2 m 37, ở những mức xà trước đó, họ đều có số lần nhảy bằng nhau. Theo thông lệ, hai VĐV nhảy cao Mutaz Essa Barshim (Qatar) và Gianmarco Tamberi (Ý) sẽ phải thi đấu tiếp để xác định người chiến thắng. “Chúng tôi có thể có hai HCV?”, Barshim khẽ hỏi. Ngay khi nghe được chữ “có thể” từ phía trọng tài, Barshim đã quay sang đối thủ, cũng là người bạn thân Gianmarco Tamberi: “Bạn ơi, đây là lịch sử”. Họ ôm chầm lấy nhau. Và đó là một trong những hình ảnh đáng nhớ nhất tại Olympic kỳ này.
Quá xúc động, hy hữu, khi hai đối thủ thuộc hai nước khác nhau lại hạnh phúc ôm nhau và chia sẻ vinh quang đoạt HCV Olympic? Ứng với mỗi người suy nghĩ như thế, luôn có một người ở thái cực ngược lại. Thể thao là phải có đủ vinh quang, đau đớn, kịch tính. Phải phân thắng bại đến cùng. Hãy thử hình dung kịch bản tương tự giữa Anh và Ý ở trận chung kết EURO 2020: họ đều… không dám đá luân lưu 11 m và đề nghị cùng lãnh cúp? Không bao giờ, đơn giản là không được phép. Phải có một kẻ thất bại - suy cho cùng thì đây chỉ là trò chơi thôi mà! Giả sử Tamberi và Barshim chấp nhận thành tích đồng HCB, họ mới thật sự đáng khen. Đằng này, trao hai HCV cho hai kẻ không dám thi đấu tiếp, là quá bất công với các đối thủ cạnh tranh và có điều gì đó rất… phản thể thao.
Cũng không công bằng khi VĐV chuyển giới (nam trở thành nữ) Laurel Hubbard của New Zealand được tranh tài ở môn cử tạ. Ở một mức độ nhẹ hơn là cầu thủ Quinn trong đội hình vô địch bóng đá nữ của Canada (nhẹ hơn bởi bóng đá là môn đồng đội). Đây sẽ tiếp tục là những tranh cãi để giới quản lý thể thao xem lại vấn đề luật lệ, sau khi Olympic 2020 khép lại.
|
Khoảnh khắc tuổi teen và thất bại nhớ đời
Tại Olympic 2020 chứng kiến lần đầu tiên trong lịch sử 3 VĐV nhỏ tuổi nhất đứng trên bục nhận huy chương trong môn trượt ván là các nữ VĐV Momiji Nishiya (Nhật Bản), Rayssa Leal (Brazil) đều mới 13 tuổi và Funa Nakayama (16 tuổi). Hay như nữ VĐV Sky Brown cũng 13 tuổi của Anh giành HCĐ khi chỉ 1 năm trước em gặp tai nạn nghiêm trọng trong tập luyện. Cô gái 14 tuổi Hongchan Quan giành HCV cho Trung Quốc ở môn nhảy cầu; Kim Je-deok, cung thủ đến từ Hàn Quốc giành HCV môn bắn cung khi mới 17 tuổi. Ngoài ra kình ngư 17 tuổi Lydia Jacoby của Mỹ xuất sắc đánh bại đàn chị Lilly King để chiến thắng bơi 100 m ếch… Có thể nói rất nhiều khoảnh khắc cảm xúc mà nhiều gương mặt tuổi teen mang lại trên đất Nhật Bản.
Một sự kiện khác cũng mang lại nhiều suy nghĩ, đó là trường hợp nữ VĐV thể dục dụng cụ Simone Biles (Mỹ). Tại Rio 2016, Simone Biles ở tuổi 19 trở thành nữ hoàng ở Olympic khi đoạt 4 HCV. Tuy nhiên, tại Tokyo 2020 vì những vấn đề về sức khỏe và tinh thần trong cuộc sống khiến nữ VĐV này đột ngột rút lui 5/6 nội dung vào chung kết. Sự kiện này gây tranh cãi suốt một tuần diễn ra Olympic và sau đó cô trở lại thi đấu nội dung cầu thăng bằng và đoạt HCĐ. Bên cạnh đó thất bại của nữ hoàng tennis Naomi Osaka (Nhật Bản) rồi cả tay vợt số 1 thế giới Novak Djokovic đều là những thất bại nổi tiếng nhất tại Olympic kỳ này. Điều này cho thấy thể thao không chỉ có chuyện thắng/thua thuần túy. Thất bại của Biles cho thấy siêu sao rút cuộc cũng rất đời thường.
Olympic đã kết thúc một cách “xuôi chèo mát mái”. Và dù vẫn có những cuộc tranh tài bị hoãn hoặc hủy do VĐV dương tính, thì Olympic 2020 nhìn chung đã diễn ra trọn vẹn, kết thúc tốt đẹp. Thành công từ những ấn tượng, cảm xúc chiến thắng lẫn thất bại của những cuộc thi đấu, của công tác tổ chức, điều hành tại Tokyo 2020 đáng được xem là một bài học chung cho cả thế giới.
|
Hẹn gặp tại Paris 2024
Tối qua, Olympic đã bế mạc sau 16 ngày tranh tài sôi nổi, hào hứng. Dù Trung Quốc dẫn đầu liên tục từ nhiều ngày thi đấu nhưng giờ chót chiến thắng trên bảng tổng sắp cuối cùng đã thuộc về đoàn Mỹ nhờ thành tích giành 8 HCV ở 2 ngày cuối, đặc biệt ở các môn bóng chuyền nữ và bóng rổ nam, nữ trong khi Trung Quốc chỉ có thêm 2 HCV. Nhờ vậy Mỹ có 39 HCV hơn đối thủ 1 HCV. Dù về nhì nhưng với 38 HCV, Trung Quốc cũng cải thiện đáng kể so với tại Rio 2016 chỉ đoạt 26 HCV. Chủ nhà Nhật Bản xếp thứ 3 với 27 HCV. Tại lễ bế mạc, cờ đăng cai Olympic lần tới cũng đã trao cho Paris (Pháp) vào năm 2024.
Về thành tích cá nhân, nữ kình ngư Emma Mc Keon của Úc giành tổng cộng 7 huy chương gồm 4 HCV và 3 HCĐ, kế đến là Caeleb Dressel giành 5 HCV, Kaylee Mc Keown của bơi lội Úc giành 4 huy chương (3 HCV, 1 HCĐ), 2 kình ngư Zhang Tufei của Trung Quốc và Ledecky Kathleen của Mỹ cũng 4 huy chương (2 HCV, 2 HCB), Hàn Quốc có An San giành 3 HCV bắn cung nữ..
Giang Lao
|
Elaine Thompson-Herah đi vào lịch sử
Olympic 2020 chứng kiến nhiều cuộc đổi ngôi ở hai môn thi đấu danh giá nhất là điền kinh và bơi lội sau khi 2 huyền thoại Usain Bolt và Michael Phelps đều đã giải nghệ. Tuy nhiên, nếu bơi lội Michael Phelps thực sự có được truyền nhân của mình là kình ngư Caeleb Dressel (Mỹ) nối ngôi khi đoạt 5 HCV, và sở hữu nhiều kỷ lục nhất gồm phá 4 kỷ lục Olympic và 2 kỷ lục thế giới thì ở môn điền kinh, 2 thành tích tốt nhất 100 m thuộc về VĐV Marcell Jacobs (Ý) và 200 m của Andre De Grasse (Canada) chưa thể sánh vai với huyền thoại Usain Bolt.
VĐV Jamaica Elaine Thompson-Herah với 3 HCV các nội dung nước rút 100 m, 200 m và 4x100 m tiếp sức đã trở thành nữ VĐV đầu tiên đoạt HCV cả hai nội dung nước rút trong 2 kỳ Olympic liên tiếp, cũng như là nữ VĐV lập hat-trick HCV điền kinh tại 1 kỳ Olympic lần đầu tiên sau 33 năm kể từ khi huyền thoại Florence Griffith-Joyner (Mỹ) thực hiện được ở Seoul 1988. Điền kinh Mỹ dù vẫn dẫn đầu bảng tổng sắp như tại Rio 2016, nhưng thất vọng là các cự ly ngắn nước rút không có một VĐV nào giành được HCV. Giang Lao
|
Bình luận (0)