Duyên, đương tạo kỳ tích ?
Hoàng Thị Duyên gần như không được biết đến cho đến ngày cô gái dân tộc Giáy quê Lào Cai giành HCB giải vô địch thế giới 2018. Điều đáng ngợi khen là ở giải đấu tầm cỡ này, Duyên được xếp ở nhóm B - nhóm không có cửa tranh huy chương - nhưng cô đã tạo nên một chiến tích rực rỡ cho cử tạ Việt Nam. Đến cuối năm 2019, Duyên giành HCV hạng cân 59 kg nữ tại SEA Games 30 và tiếp tục chói sáng ở Cúp cử tạ thế giới vào tháng 1.2020 khi đoạt trọn bộ 3 HCV hạng cân 59 kg (cử đẩy, cử giật và tổng cử). Ngay trước thềm Olympic Tokyo, ban huấn luyện bộ môn tuyển cử tạ Việt Nam đứng trước lựa chọn khó khăn giữa Hoàng Thị Duyên với Vương Thị Huyền cho 1 suất duy nhất của cử tạ nữ Việt Nam tham dự Thế vận hội. Cuối cùng Duyên được chọn vì cơ hội cạnh tranh huy chương cao hơn so với đàn chị.
Ở hạng cân 59 kg nữ tranh tài ngày 27.7, Hoàng Thị Duyên sáng cửa đoạt HCĐ bởi thành tích hiện tại của cô (223 kg) chỉ xếp dưới Kuo Hsing-chun (Đài Loan, 247 kg), Andoh Mikiko (Nhật Bản, 225 kg). Ban huấn luyện dự báo cạnh tranh quyết liệt tấm HCĐ với Duyên có những VĐV sau: Dora Meiriama (Pháp), Maria Alexandra (Ecuado), Guryeva Polina (Turkmenistan). Đây là những VĐV đăng ký thành tích khởi điểm cao hơn so với Hoàng Thị Duyên ở Olympic.
Dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng lớn đến sự chuẩn bị của Hoàng Thị Duyên khi cô phải cách ly hơn 40 ngày từ khoảng cuối tháng 4 vừa qua sau khi trở về từ giải vô địch châu Á tại Uzbekistan, cũng là vòng loại Olympic Tokyo. Gần 2 tháng qua là thời gian Duyên phải chạy đua trong tập luyện nhằm có được phong độ tốt ở Olympic. Nữ đô cử 25 tuổi không sợ khó, chẳng ngại khổ, bởi ngay từ những ngày đầu đến với cử tạ, mỗi ngày cô đã phải đi bộ 6 km từ nhà đến nơi tập rồi quay về nhưng chẳng nản chí.
Sát ngày tranh tài (hạng 59 kg nữ thi đấu ngày 27.7), Hoàng Thị Duyên nhận được sự quan tâm lớn của bạn bè, đồng đội, nhưng tin nhắn khiến cô xúc động nhất vẫn là từ mẹ mình. “Dành cả tuổi thanh xuân để thực hiện giấc mơ của mình, con hãy cố gắng. Bố mẹ mong con gái thi đấu may mắn”, mẹ Duyên nhắn nhủ từ quê nhà. Cô gái coi lời nhắn của mẹ là nguồn động viên tinh thần vô giá, càng thắp lên niềm khát khao mang vinh quang về cho Tổ quốc ngay lần đầu được góp mặt ở đấu trường danh giá nhất hành tinh.
Cách đây 1 ngày, bằng sự tự tin, chủ động tấn công mạnh mẽ, Nguyễn Văn Đương đã giành thắng lợi đầy ấn tượng trước VĐV đẳng cấp thế giới Aliyev Tayfur (Azerbaijan) ở trận đầu tiên hạng cân 57 kg tại Olympic 2020.
Trưởng bộ môn quyền Anh Tổng cục TDTT Vũ Ngọc Thịnh chia sẻ: “Ở vòng 1/8 ngày 28.7, Văn Đương chạm trán với nhà đương kim vô địch ASIAD Erdenebat Tsendbaatar (Mông Cổ). Chúng tôi có xem qua trận đấu của võ sĩ này ở vòng đầu: trình độ không hơn đối thủ mà Đương vừa thắng. Ban huấn luyện sẽ có đấu pháp hợp lý để Đương có thể giành kết quả tốt nhất”. Nếu thi đấu với ý chí quật cường, chiến thuật hợp lý như trận ra quân, chàng trai 25 tuổi quê Bắc Giang có thể làm nên chuyện. 33 năm kể từ ngày võ sĩ Đặng Hiếu Hiền (48 kg) có chiến thắng ở vòng 1 môn quyền anh Olympic 1988, Văn Đương mới lặp lại thành tích này và anh đứng trước cơ hội làm nên lịch sử cho quyền anh Việt Nam.
Bơi lội, điền kinh cố gắng tạo khác biệt
Thành tích tốt nhất của bơi lội Việt Nam tại Olympic là vị trí thứ 9 của Nguyễn Thị Ánh Viên ở Thế vận hội 2016 nội dung 400 m hỗn hợp nữ (cô không lọt vào chung kết). Sau 5 năm, Nguyễn Huy Hoàng được đặt niềm tin sẽ có mặt ở top 8 tranh huy chương Olympic 2020 (Hoàng đạt chuẩn A Olympic hai nội dung). Vòng loại nội dung 800 m tự do nam (thi đấu ngày 27.7) có tổng cộng 32 VĐV tham dự, chia thành 5 nhóm và chỉ lấy 8 VĐV vào chung kết. Huy Hoàng được bố trí ở đường bơi số 5 nhóm thi đấu số 2. Chỉ số của chàng trai sinh năm 2000 ở nội dung 800 m tự do nam là 7 phút 52 giây 74, ghi được tại giải vô địch thế giới vào năm 2017. Nếu về nhất hoặc nhì nhóm 2, cơ hội lọt vào top 8 của Hoàng là khá cao. Tương tự, ở nội dung 1.500 m nam (thi đấu ngày 30.7) có 29 VĐV chia thành 4 nhóm, lấy 8 VĐV vào chung kết. Hoàng ở nhóm 3, đường bơi số 8 và thành tích tốt nhất của anh tính đến hiện tại là 14 phút 58 giây 14 (thành tích giúp anh giành HCV SEA Games 30). Chỉ số của Hoàng thấp nhất nhóm 3 nên chỉ hy vọng anh tự tin gây bất ngờ.
Ở môn điền kinh, hiện Liên đoàn Điền kinh thế giới mới chỉ thông báo sơ bộ sẽ có 40 VĐV tham dự nội dung 400 m rào nữ chứ chưa phân nhóm nên Quách Thị Lan chưa rõ sẽ nằm cùng nhóm với những đối thủ nào. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng thư ký Liên đoàn Điền kinh Việt Nam (VAF), cho hay Lan là VĐV gốc Á duy nhất trong số 40 VĐV (có VĐV Bahrain nhưng là nhập tịch). Ban tổ chức sẽ chia thành 8 đợt chạy để lấy 24 VĐV vào bán kết. Điền kinh Việt Nam chưa từng có mặt ở bán kết nên mục tiêu của Lan là lọt vào bán kết với tư cách là đương kim vô địch châu Á. VAF sẽ thưởng 20 triệu đồng nếu Lan vào bán kết, thưởng thêm 30 triệu đồng nếu cô gái sinh năm 1995 vào được chung kết.
Lịch thi đấu đoàn Việt Nam hôm nay 26.7
10 giờ: Nguyễn Thùy Linh đấu lượt trận thứ 2 vòng bảng đơn nữ môn cầu lông, gặp tay vợt số 1 TG Tai Tzu-ying (Đài Loan).
17 giờ: Nguyễn Thị Ánh Viên sẽ thi đấu nội dung 200 m tự do nữ. Nội dung này có 29 VĐV tham dự (chia thành 4 nhóm) và Viên có thành tích thấp nhất với thông số 2 phút 00 giây 75 nên khó có cơ hội lọt vào top 8 tranh huy chương.
|
Thạch Kim Tuấn gây thất vọng
Được kỳ vọng mang về huy chương cho đoàn thể thao Việt Nam ở ngày thi đấu hôm qua nhưng VĐV cử tạ Thạch Kim Tuấn thi đấu không như mong đợi. Ở phần thi cử giật, lực sĩ Việt Nam chỉ đạt thành tích 126 kg sau 3 lần cử (2 lần thất bại), xếp hạng 8/9 VĐV tranh tài chung kết nhóm A hạng cân 61 kg. Sang cử đẩy, tuyển thủ của TP.HCM thất bại cả 3 lần (2 lần 150 kg, 1 lần 153 kg) nên không được xếp hạng chung cuộc. Kim Tuấn chưa cho thấy sự tự tin ngay từ những mức tạ thấp ở lần cử đầu tiên. Anh cũng có dấu hiệu bị chấn thương vai, phải nhờ bác sĩ băng bó. Ở giải vô địch châu Á năm ngoái, Kim Tuấn cũng thất bại ở 3 lần cử đẩy. Thành tích của Tuấn sa sút trong những năm trở lại đây cùng với ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 khiến anh không có được sự chuẩn bị tốt nhất. Như vậy Kim Tuấn lỡ hẹn với tấm huy chương Olympic mà anh còn thiếu trong bộ sưu tập các huy chương gồm thế giới, châu Á, Đông Nam Á.
Ở môn quyền anh, tay đấm Nguyễn Thị Tâm thi đấu đầy tự tin trước võ sĩ kỳ cựu Krasteva Stoyka Zhelyazkova (Bulgaria) nhưng để thua đáng tiếc với tỷ số sát nút 2-3, dừng chân ở vòng 1/16 hạng cân 51 kg. Ở môn judo, không có gì bất ngờ khi VĐV đã từng 2 lần vô địch châu Âu, 2 lần giành HCB và 1 HCĐ giải thế giới Chitu Andreea (Rumania) đã dễ dàng đánh bại VĐV Nguyễn Thanh Thủy ở hạng cân dưới 52 kg nữ bằng điểm ippon. Còn ở môn đua thuyền rowing nội dung hạng nhẹ chèo đôi nữ, Lường Thị Thảo và Đinh Thị Hảo về đích thứ 5 vòng thi repechage với thành tích 7 phút 53 giây 69. Hai cô gái Việt Nam sẽ còn thi chung kết C vào ngày 27.7 để phân hạng. Tay vợt cầu lông Nguyễn Tiến Minh (hạng 60 TG) cũng thua 0-2 (13/ 21, 13/21) trước tay vợt hạng 3 TG Anders Antonsen (Đan Mạch), khó vượt qua vòng bảng.
Quỳnh Anh - Trung Ninh
|
Bình luận (0)