Tranh cãi xung quanh linh vật SEA Games 31

16/09/2020 08:56 GMT+7

Như Thanh Niên đã đưa tin, tác phẩm sao la đang chiếm ưu thế và có khả năng giành chiến thắng chung cuộc tại cuộc thi sáng tác biểu tượng vui (linh vật) cho SEA Games 31, đại hội thể thao lớn nhất khu vực do Việt Nam đăng cai lần thứ 2 vào cuối năm 2021.

Tuy nhiên, thời gian qua đã có nhiều tranh luận trái chiều về biểu tượng SEA Games 31. Vì vậy chúng tôi đã ghi nhận ý kiến của ban tổ chức cũng như của giới chuyên môn về vấn đề này.

Ba con vật lọt vào chung khảo: sao la, nghê cười, hổ

Ảnh: Quỳnh Mai

Vừa phải đẹp vừa phải dễ sản xuất

Có 3 tác phẩm lọt vào chung khảo cuộc thi sáng tác linh vật của SEA Games 31 gồm nghê cười, sao la và hổ. Trả lời câu hỏi của Báo Thanh Niên về việc cuộc thi đã diễn ra như thế nào và tại sao sao la đang dẫn đầu cuộc đua, bà Lê Thị Hoàng Yến, Phó tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, cho hay: “Cuộc thi sáng tác biểu trưng, biểu tượng vui, khẩu hiệu và bài hát của SEA Games 31 và Para Games do Bộ VH-TT-DL, Tổng cục TDTT, Ủy ban Olympic VN phát động đã nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân yêu thích thể thao trên cả nước.
Bầu chọn
Theo bạn, linh vật của SEA Games 31 nên là gì?
Tiêu chí của biểu tượng vui là một hoặc nhiều con vật của đất nước VN, được nhân cách hóa, có hình dáng vui nhộn, được sử dụng tuyên truyền quảng bá sự kiện, làm quà tặng trong đại hội. Mẫu biểu tượng vui phải bảo đảm tính thẩm mỹ, khoa học, thuận lợi cho việc sử dụng, làm hiện vật bằng vật liệu bông (thú nhồi bông) cũng như việc vẽ cách điệu biểu tượng vui các môn thể thao tại đại hội”.

Tiêu chí của biểu tượng vui là một hoặc nhiều con vật của đất nước VN, được nhân cách hóa, có hình dáng vui nhộn, được sử dụng tuyên truyền quảng bá sự kiện, làm quà tặng trong đại hội

Bà Lê Thị Hoàng Yến, Phó tổng cục trưởng Tổng cục TDTT

Bà Yến nói tiếp: “Do đối tượng dự thi được mở rộng nên số tác giả tham gia hết sức đa dạng về lứa tuổi và nhiều người trong số đó không phải là các họa sĩ hay nhà thiết kế chuyên nghiệp. Về biểu tượng vui, Ban tổ chức đã nhận được đăng ký của 557 mẫu và căn cứ vào thể lệ cuộc thi, Hội đồng ban giám khảo đã tiến hành chấm thi một cách kỹ lưỡng ở vòng loại, vòng chung khảo để lựa chọn ra những tác phẩm tiêu biểu nhất. Phần thi biểu tượng vui, ở vòng chung khảo, Hội đồng ban giám khảo đã lựa chọn
3 mẫu biểu tượng vui. Trong đó sao la được đánh giá cao hơn cả bởi theo các ý kiến của nhiều họa sĩ, biểu trưng linh vật sao la đảm bảo được các tiêu chí về bố cục, tính thẩm mỹ và ý nghĩa. Sao la là một trong những loài thú hiếm nhất trên thế giới, sinh sống trong núi rừng VN và Lào”. Được biết, so với bản vẽ ban đầu, sao la của vòng chung kết được tác giả chỉnh sửa lại theo đề nghị của Ban tổ chức, để làm sao nét mặt vui tươi hơn, hình dáng cũng ngộ nghĩnh hơn. Tác phẩm dự thi ở vòng loại hơi khô cứng về nét vẽ.
Tranh cãi xung quanh linh vật SEA Games 31

Sao la là một trong những loài thú quý hiếm nhất trên thế giới, được xếp hạng bảo tồn nguy cấp trong sách đỏ VN

Ảnh: REUTERS

Sao la gợi cảm giác về ông già Noel !

Với 3 biểu tượng vui gồm sao la, nghê cười và hổ, chúng tôi đã tham khảo quan điểm của giới chuyên môn. Nhà thiết kế Huy Biển, người từng được mời tham gia dự án thiết kế của UNESCO, chia sẻ: “Theo tôi, tạo hình của linh vật nghê cười và hổ ổn hơn, cả về phần đầu và phần thân. Linh vật sao la có phần đầu ổn nhưng phần thân lại không mang tính thể thao lắm do sao la hơi thiếu sự năng động và thanh thoát.
Cả ba tạo hình linh vật này với công nghệ hiện nay đều có thể sản xuất được. Tuy nhiên, con nghê và con hổ để làm quà tặng sẽ đẹp hơn dù đẹp xấu sẽ tùy theo quan điểm mỗi người. Song tôi thấy nghê và hổ có tạo hình thanh thoát, bố cục chính phụ rõ ràng hơn, nhìn vào tinh thần của 2 con vật đó là ra luôn tinh thần thể thao. Con nghê khi sản xuất quà tặng sẽ phức tạp hơn 2 con còn lại vì có nhiều họa tiết. Với hổ, vì cách tạo hình đơn giản nên khi thay trang phục của các môn thể thao vào đều rất dễ và đẹp. Còn nghê thì hơi bị hạn chế vì có nhiều đường nét quá”.
Bà Chu Thị Kim Ngân, giảng viên bộ môn đồ họa - Khoa Nội thất và Mỹ thuật công nghiệp - Đại học Kiến trúc Hà Nội, nhận xét: “Sao la còn được gọi là kỳ lân châu Á nên ý nghĩa của linh vật rất hay rồi. Tuy nhiên về tạo hình tôi cảm thấy hơi yếu bởi người thiết kế sử dụng nguyên tắc mảng để tạo thành hình. Hình vẽ linh vật sao la hơi giống các hình trong sách của thiếu nhi. Phương án nghê cười, tôi thấy thích hơn vì người vẽ đã sử dụng được ngôn ngữ nét và mảng vốn là ngôn ngữ đặc trưng của đồ họa. Các nét khắc của linh vật này đặc trưng của tranh dân gian. Hình vẽ nghê cười cũng chắc khỏe, thể thao...”.
Cũng theo bà Kim Ngân: “Màu sắc cho biểu tượng sao la hơi nhiều quá. Nét vẽ sao la hơi tự nhiên chủ nghĩa với các nét vẽ bị đều khô cứng. Trang phục sao la cũng gợi cảm giác về ông già Noel. Khi in ấn, việc linh vật có nhiều màu sẽ tốn tiền in hơn, in ra cũng khó đẹp hơn và khó đều nhau. Đồ họa hiện đại càng đơn giản màu và vẫn đẹp mới hiệu quả. Bản vẽ sao la mới ở tỷ lệ thu nhỏ mà đã quá nhiều chỗ vẽ bị vấp. Nói cách khác nếu so sánh với hình chuột Mickey với hình vẽ bàn tay rất mượt mà trong khi bàn tay sao la lại bị gãy khúc. Một thiết kế chuẩn tỷ lệ thường có hình tròn mượt và dứt khoát. Cơ bản, nếu chọn sao la sẽ rất khó cho việc làm quà tặng. Những đoạn in nhiều màu giờ công nghệ làm được hết nhưng chi phí đội giá cực cao. Tốt nhất là nên chọn mẫu đẹp, kinh phí sản xuất lại ít thì mới hiệu quả. Trong số mẫu này, nếu theo tiêu chí sản xuất hiệu quả thì tốt nhất là mẫu nghê cười, với tạo hình rất thể thao và đây cũng là con vật quen thuộc với người dân”.

“Nên tiếp tục chọn trâu”

Nhà báo Nguyễn Lưu nói: “Tôi còn nhớ khi chuẩn bị cho SEA Games 22 năm 2003 do VN đăng cai, đã có ý kiến khác nhau về biểu tượng vui. Có người đề xuất rồng vàng, có người đề xuất rùa, người khác lại đề xuất chú tễu. Tôi đã mạnh dạn đề xuất trâu và rất vui vì ngành thể thao đã chọn trâu làm biểu tượng vui cho kỳ đại hội này. Tôi muốn Ban tổ chức nên xem xét kỹ, cân nhắc và nên tiếp tục chọn trâu vì trâu luôn gắn liền với nền văn minh lúa nước ở VN nói riêng và Đông Nam Á nói chung. Con trâu cũng vừa thể hiện sức mạnh thể lực, sự chắc chắn mà cũng thể hiện trí tuệ, sự hiền hòa về tính cách. Hình tượng sao la tôi nghĩ không phù hợp bởi hơi xa lạ với người VN. Trong khi con trâu đã quá gắn bó. Việc chọn lại trâu cũng tạo ra sự thú vị. Tương tự như nhắc đến nước Pháp, người ta thường nhắc đến biểu tượng là chú gà trống Gô-loa, hay nước Anh với biểu tượng là chú sư tử”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.