Trang tin khoa học Gentside dẫn lời nhà khoa học Noel Dimarcq, Giám đốc Phòng Thí nghiệm hệ thống tham khảo không - thời gian tại Paris (Pháp), thông báo rằng phút cuối cùng của ngày 30-6-2012 sẽ có 61 giây. Ông Dimarcq giải thích: “Hiện nay thời gian được xác lập, định nghĩa và đo lường nhờ vào các đồng hồ nguyên tử vận hành một cách vô cùng ổn định song song với thời gian thiên văn. Điều đó cho phép chúng ta chắc chắn rằng mọi người trên trái đất có chung thang thời gian”.
Định nghĩa hiện đại về giây
Thời gian Nguyên tử Quốc tế (TAI) được xem là chuẩn thời gian có độ chính xác cực cao do Văn phòng Quốc tế về trọng lượng và đo lường ghi nhận vào năm 1967, căn cứ trên chỉ số của đồng hồ nguyên tử vận hành phù hợp với sự xác định đơn vị giây theo hệ thống đơn vị quốc tế. Theo đó, các nhà khoa học xác định 1 giây tương đương với thời lượng 9.192.631.770 lần dao động bức xạ điện từ phát ra từ nguyên tử Cesium 133 khi nó thay đổi trạng thái giữa 2 mức năng lượng cơ bản.
|
TAI cũng có cơ sở từ Giờ phối hợp quốc tế (UTC), vốn được đặt trên chuẩn cũ là giờ Greenwich (GMT) do Hải quân Anh đặt ra từ thế kỷ XIX và sau đó được đổi thành giờ quốc tế (UT). Tuy nhiên, UT bị xem là không chính xác vì hệ thống này định nghĩa một ngày là thời gian trái đất quay quanh trục của chính nó một lần. Trên thực tế, tốc độ này không cố định và độ dài ngày của UT không phải lúc nào cũng như nhau. Để giải quyết vấn đề này, người ta chuyển sang dùng TAI một cách phổ biến từ giữa thập niên 1980 đến nay.
Đồng hồ nguyên tử
|
Ông Dimarcq cho rằng trước năm 1972, việc kiểm tra thời gian phải nhờ vào thiên văn học, theo đó, người ta phải quan sát vị trí một ngôi sao, mặt trời hay thiên thể nào đó. Hiện nay, các nhà khoa học căn cứ vào chỉ số của đồng hồ nguyên tử.
Hiện có hơn 340 đồng hồ nguyên tử được đặt tại khoảng 50 phòng thí nghiệm trên thế giới. Phần chính của đồng hồ nguyên tử là một máy cộng hưởng vi sóng với độ chính xác có giá trị khoảng 10-14 tức chênh lệch khoảng 1 giây sau 3 triệu năm.
Về nguyên tắc, đồng hồ nguyên tử là đồng hồ điều chỉnh thời gian theo trạng thái dao động của nguyên tử. Tần số dao động của nguyên tử là không đổi và có thể đo được vì vậy đồng hồ điện tử là loại đồng hồ chính xác nhất cho tới nay. Nó giúp phối hợp và xác định các múi giờ theo những hệ thống lịch khác nhau. Ngoài ra, đồng hồ nguyên tử còn được dùng trong công nghệ chế tạo tên lửa, máy bay không người lái và đặc biệt là để đo thời gian trong nhiều ngành khoa học, xác định khoảng cách trên vệ tinh hoặc trong các hệ thống định vị như GPS, GLONASS hay Galil.
Theo Trúc Lâm / Người Lao Động
>> Đồng hồ sinh học của cơ thể
>> Để dễ thụ thai cần điều chỉnh đồng hồ sinh học hợp lý
>> Sáng mai VN chứng kiến sự kiện thiên văn thế kỷ
>> Nhiều hiện tượng thiên văn kỳ thú
>> Kính thiên văn mạnh nhất thế giới
Bình luận (0)