Angola vừa thông báo sẽ rời Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), trong bối cảnh nước này và nhóm không thể thống nhất hạn ngạch sản xuất dầu. Quyết định trên đã kết thúc 16 năm gắn bó của quốc gia châu Phi với OPEC, Reuters đưa tin.
Giải thích về nguyên nhân rời đi, trong thông báo ngày 21.12, Bộ trưởng Dầu mỏ Diamantino Azevedo của Angola nói việc ở lại OPEC "không phục vụ lợi ích của nước này".
Phát biểu của ông Azevedo cũng xác nhận các đồn đoán trước đó của truyền thông trong nước. Tuy nhiên, ông không cung cấp thêm thông tin chi tiết.
Angola, quốc gia nhập OPEC năm 2007, sản xuất khoảng 1,1 triệu thùng dầu mỗi ngày, so với 28 triệu thùng/ngày của toàn nhóm. Sự ra đi của nước này là một trở ngại đối với OPEC và các đồng minh, trong đó có việc khuyến khích các thành viên đồng lòng cắt giảm sản lượng để hỗ trợ giá dầu.
Tháng trước, ông Azevedo đã phản đối quyết định của OPEC liên quan việc cắt giảm hạn ngạch sản xuất cho năm 2024. Hãng Bloomberg dẫn lời ông Estevao Pedro, đại diện của Angola tại OPEC, nói rằng nước này không hài lòng với mục tiêu năm 2024 và không có kế hoạch bám sát kế hoạch.
Những bất đồng về hạn ngạch trước đó đã khiến cuộc họp của nhóm sản xuất dầu OPEC+ (Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ cùng các đồng minh) bị trì hoãn.
Sự ra đi của Angola sẽ thu hẹp số thành viên của OPEC xuống còn 12 quốc gia. "Đó không phải là một quyết định được đưa ra một cách nhẹ nhàng. Thời điểm đã đến", ông Azevedo nói sau cuộc họp nội các.
Một số thành viên khác đã rời nhóm trong những năm gần đây vì nhiều lý do khác nhau như Qatar, Indonesia và gần đây nhất là Ecuador. OPEC, có trụ sở tại Vienna, không bình luận về diễn biến mới nhất.
Bình luận (0)