Theo đó, ông Đ.K (52 tuổi, trú tại xã Pờ Tó, H.Ia Pa, Gia Lai) bị chó cắn vào ngày 21.11 khi đang nằm ngủ say ở nhà sàn. Vết cắn vào miệng ông K. gây chảy máu.
Ông K. đã được nhân viên của Trạm y tế xã Pờ Tó và công an tuyên truyền đi tiêm phòng dại nhưng ông không nghe theo. Còn con chó sau khi cắn ông K. cũng đi đâu không rõ nên người nhà không biết được tình trạng của con vật sau khi cắn người.
Ngày 26.12, ông K. có nhiều biểu hiện của bệnh dại như sợ gió, sợ nước, lên cơn sốt… Người nhà đã đưa ông K. đến Trung tâm Y tế H.Ia Pa và được chẩn đoán là nhiều khả năng bị bệnh dại. Sau đó, ông K. được chuyển đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Gia Lai cứu chữa. Do bệnh trở nặng nên đến chiều cùng ngày ông K. đã tử vong.
Trường hợp tử vong còn lại là ông N.T.K (63 tuổi, trú tại P.Trà Bá, TP.Pleiku). Cách đây khoảng 2 tháng, trong khi đuổi đánh một con chó lạ đang lục bới rác, ông N.T.K đã bị nó cắn vào tay gây thương tích nhẹ. Ông N.T.K đã rửa vết thương nhưng không tiêm huyết thanh kháng dại và vắc xin phòng dại.
Sáng 24.12, ông N.T.K có những triệu chứng của bệnh dại. Người thân đã đưa ông đến khám và nhập viện điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Gia Lai. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán ông bị bệnh dại. Cùng ngày, người thân đã chuyển viện, đưa ông N.T.K vào TP.HCM để điều trị. Sau khi lấy mẫu xét nghiệm, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới (TP.HCM) cho kết quả ông bị dương tính với vi rút dại. Sau đó, ông N.T.K được người nhà đưa về và tối 26.12 đã tử vong.
Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Gia Lai, từ đầu năm 2024 đến nay, tỉnh này đã có 9 trường hợp tử vong do bệnh dại. Lượng chó thả rông nhiều, không được tiêm phòng dại đầy đủ và người bị chó dại cắn chủ quan, không tiêm huyết thanh kháng dại và vắc xin phòng dại, không theo dõi được con chó sau khi cắn người, là những nguyên nhân khiến Gia Lai trở thành một trong những tỉnh có nhiều người tử vong do bệnh dại so với toàn quốc.
Bình luận (0)