Reuters hôm qua đưa tin trong cuộc họp báo ở Geneva (Thụy Sĩ) ngày 30.4, tiến sĩ Trương Văn Thanh (Wenqing Zhang), đứng đầu Chương trình Cúm toàn cầu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nói rằng với tình trạng vi rút cúm gia cầm H5N1 lây lan khắp thế giới do các loài chim di cư, "chắc chắn có nguy cơ bò ở các quốc gia khác bị nhiễm bệnh".
Tình trạng bùng phát dịch ở Mỹ
Bà Trương đưa cảnh báo trên sau khi giới chức Mỹ xác nhận vi rút cúm gia cầm H5N1 đã lây cho 34 đàn bò sữa trong 9 bang kể từ cuối tháng 3. Trong tháng trước, giới chức Mỹ thông báo một người ở bang Texas (Mỹ) đã mắc cúm gia cầm sau khi tiếp xúc với bò sữa. Đây có thể là ca nhiễm H5N1 đầu tiên ở người do tiếp xúc với động vật có vú bị nhiễm bệnh, theo WHO.
Khi được các phóng viên yêu cầu đánh giá tính minh bạch của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (USCDC) về đợt bùng phát dịch cho đến nay, bà Trương cho hay WHO đã nhận được thông tin cập nhật thường xuyên và ca ngợi quyết định của USCDC sớm chia sẻ trình tự di truyền của H5N1. Mỹ hiện là quốc gia duy nhất trên thế giới có bò sữa bị nhiễm H5N1, theo AFP.
Dù H5N1 được cho là không có khả năng lây lan qua sữa, bà Trương lặp lại lời khuyên của WHO là chỉ dùng sữa tiệt trùng. Cơ quan Quản lý Dược và Thực phẩm Mỹ (FDA) ngày 26.4 khẳng định sữa được bán tại các cửa hàng ở Mỹ là "an toàn" vì quá trình tiệt trùng có thể tiêu diệt H5N1 một cách hiệu quả, theo AFP. Trước đó, WHO ngày 19.4 cho hay H5N1 "được phát hiện có trong sữa tươi", nhưng các chuyên gia vẫn đang điều tra xem vi rút này có thể sống sót trong sữa tươi được bao lâu.
Mối lo ngại lớn
Bà Trương còn nhắc lại rằng WHO xem nguy cơ sức khỏe cộng đồng nói chung do vi rút cúm gia cầm H5N1 gây ra hiện nay là ở mức thấp, nhưng kêu gọi cảnh giác, đặc biệt là ở những công nhân nông trại.
"Việc lấy mẫu liên tục cho thấy sữa tươi từ những con bò bị nhiễm bệnh có thể chứa vi rút còn sống, nên tình trạng này có thể gây ra mối đe dọa, đặc biệt là đối với công nhân nông trại", WHO nhấn mạnh.
Trước đó, WHO đã cảnh báo về tình trạng lây lan ngày càng tăng của H5N1 sang các loài mới, bao gồm cả con người. "Tất nhiên, mối lo ngại lớn nhất là khi lây nhiễm cho vịt, gà và sau đó là các loài động vật có vú, loại vi rút đó hiện đã tiến hóa và phát triển khả năng lây nhiễm sang người và sau đó là khả năng truyền từ người sang người một cách nghiêm trọng", nhà khoa học trưởng Jeremy Farrar của WHO phát biểu tại Geneva vào ngày 18.4.
Ông Farrar cho biết thêm trong hàng trăm trường hợp con người bị nhiễm H5N1 do tiếp xúc với động vật, "tỷ lệ tử vong là cực kỳ cao". Từ đầu năm 2023 đến ngày 1.4.2024, WHO đã ghi nhận 463 trường hợp tử vong trong số 889 ca nhiễm ở người tại 23 quốc gia, đưa tỷ lệ tử vong trong các ca bệnh lên 52%.
Cho đến nay vẫn chưa có bằng chứng nào cho thấy H5N1 lây lan từ người sang người, nhưng các nhà khoa học lo ngại một đột biến trong vi rút này có thể khiến nó lây truyền từ người sang người, theo AFP.
Mèo chết sau khi uống sữa tươi từ bò nhiễm H5N1
Đài CBS hôm qua đưa tin các nhà khoa học báo cáo rằng hơn một nửa số mèo nhà xung quanh trang trại bò sữa đầu tiên ở bang Texas (Mỹ) có kết quả xét nghiệm dương tính với H5N1 trong tháng 3 đã chết sau khi uống sữa tươi từ những con bò bị nhiễm.
"Những con mèo được phát hiện đã chết mà không có dấu hiệu bị thương rõ ràng và nằm trong số 24 con mèo nhà đã được cho uống sữa từ những con bò bị bệnh", các nhà khoa học cho hay trong báo cáo được đăng trên chuyên san Bệnh truyền nhiễm mới nổi của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ ngày 30.4.
Số mèo nói trên đã được cho uống sữa tươi từ bò bị nhiễm vi rút cúm gia cầm có nguy cơ gây bệnh cao, còn được gọi là HPAI H5N1. Kết quả xét nghiệm mẫu được thu thập từ não và phổi của những con mèo chết cho thấy "lượng vi rút cao".
Bình luận (0)