Hiện có nhiều doanh nghiệp, trường học và nhà hảo tâm nỗ lực khuyến khích giới trẻ tiếp cận sách nhiều hơn.
Nhà sách được cải tạo từ hầm xe - Ảnh: Đăng Nguyên |
Mới đây, hầm để xe của Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM được cải tạo thành một trung tâm sách đại học. Hầm xe trước đó có diện tích 400 m2, hiện dùng để khoảng 2.000 nhan đề giáo trình và 1.000 nhan đề sách tham khảo, văn học, chính trị…
Nơi đây kỳ vọng sẽ là một không gian sinh hoạt học thuật. Diễn đàn học thuật, trao đổi sách, giới thiệu, ra mắt sách sẽ được tổ chức thường xuyên. Ngay ngày ra mắt, nhà nghiên cứu Bùi Văn Nam Sơn đã có một buổi nói chuyện triết học tại đây.
Nhà sách có bàn, ghế rộng rãi, thoải mái cho những người đến nghiên cứu và đọc sách. Ngày 3.12, khi chúng tôi đến đây, có khá nhiều sinh viên đang ngồi chăm chú đọc sách.
Ra mắt từ tháng 4.2015, quảng trường sách (BookSquare) tại Hà Nội đang thu hút được lượng người đông đảo, đặc biệt là trẻ em dưới 17 tuổi. Ở đây có rất nhiều hoạt động như: những ngôi nhà sách, trình diễn robot, lớp học làm bánh, trung tâm mỹ thuật, quảng trường tri thức…
Các đầu sách được lựa chọn rất kỹ trước khi đưa vào khu trưng bày với nhiều mảng về khoa học, lịch sử, văn học, danh nhân và tủ sách tham khảo về rất nhiều lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa...
Cuối tháng 10 vừa qua, S.hub - một không gian học thuật, đọc sách cho giới trẻ rất hiện đại vừa được khánh thành tại Thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM. Hình ảnh về một thư viện cũ kỹ đã biến mất, thay vào đó là những dãy bàn ghế mới toanh, sạch sẽ, màn hình ti vi lớn, internet nhanh, thiết kế hiện đại...
Nhà văn trẻ Nguyễn Thiên Ngân khi đến với S.hub đã viết: “Nếu đến thư viện trung tâm TP.HCM bây giờ, bạn sẽ thấy một sự chuyển mình đáng kể. Sảnh thư viện giờ đã trở thành một không gian chia sẻ tri thức và ý tưởng. Thiết bị hiện đại, bàn ghế thoải mái, sách mới cập nhật theo chủ đề, nhiều talk show rất hay và hoàn toàn miễn phí!”.
Đề nghị mỗi trường phổ thông có phòng tư vấn tâm lý
Theo Bộ GD-ĐT, việc tư vấn tâm lý chưa được triển khai sâu rộng tại các cơ sở giáo dục, nhất là ở các trường THCS và THPT do chưa có phòng tư vấn tâm lý, chưa có cán bộ biên chế chuyên trách, công tác tư vấn thiếu hấp dẫn... Công tác phối hợp nhà trường, gia đình, xã hội vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu.
Vì vậy, Bộ đề nghị các sở GD-ĐT chỉ đạo trường phổ thông thành lập phòng/ bộ phận tư vấn tâm lý cho học sinh phù hợp với điều kiện, bộ máy của mỗi nhà trường, tiến tới tất cả các trường THCS và THPT đều có phòng tư vấn tâm lý. Bộ cũng sẽ xây dựng tài liệu hướng dẫn triển khai công tác tư vấn tâm lý trong các cơ sở giáo dục phổ thông thời gian tới.
Đăng Nguyên
|
Bình luận (1)
Thực sự thì những hình thức nghe nhìn khác sẽ đỡ tốn thời gian hơn trong hoàn cảnh học bù đầu bù cổ như vậy. Đọc sách phải có không gian và thời gian, và quan trọng là thế hệ này có muốn đọc hay không, hay là phải chờ thế hệ sau, sau nữa