Cuộc thi The Green Challenge 2015 do Bosch tại Việt Nam tổ chức đã lộ diện chân dung 3 đội thắng cuộc.
Vượt qua những “đấu thủ giấu mặt”, Đội Trường đại học Bách khoa TP.HCM bước lên bục vinh quang giai đoạn 1 cuộc thi - Ảnh: H.V |
Những ứng viên này đang háo hức chuẩn bị hoàn thiện giải pháp để ứng dụng vào cuộc sống.
Làm cho công nghệ xanh đi vào cuộc sống
The Green Challenge 2015 là cuộc thi lần đầu tiên tập đoàn Bosch triển khai tại Việt Nam, với yêu cầu sinh viên (SV) nghiên cứu và phát triển một hệ thống quản lý và vận hành xe máy điện cộng đồng, nhằm góp phần bảo vệ môi trường.
Cuộc thi chia làm 2 giai đoạn: giai đoạn lập đề án và giai đoạn triển khai đề án. Kết quả giai đoạn 1, giải nhất thuộc về đội đại diện Trường đại học Bách khoa TP.HCM với phần thưởng là một chuyến tham quan nhà máy Bosch và Trung tâm R&D toàn cầu của Bosch (Renningen, Đức); Hai đội giải nhì đồng hạng là đại diện Trường đại học Bách khoa Đà Nẵng và Đại học Việt Đức nhận phần thưởng là một ngày đào tạo kỹ năng mềm tại TP.HCM.
Theo ban tổ chức, trong giai đoạn tiếp theo, mỗi đội thắng cuộc sẽ nhận được khoản tài trợ 900 triệu đồng cũng như được các chuyên gia Bosch tư vấn chuyên môn để triển khai đề án. Bosch tài trợ trên 4 tỉ đồng cho toàn bộ dự án này.
Ông Võ Quang Huệ, Tổng giám đốc Bosch Việt Nam, chia sẻ: “The Green Challenge 2015 là một dự án thử nghiệm của Bosch nhằm thúc đẩy nhiều hơn nữa sự hợp tác và phối hợp giữa doanh nghiệp và các trường đại học ở Việt Nam, đặc biệt là trong nghiên cứu và phát triển. Chúng tôi tin rằng sáng kiến này sẽ khơi nguồn nhiều ý tưởng đột phá trong việc ứng dụng công nghệ thông minh để nâng cao chất lượng cuộc sống cho mọi người. Chính vì vậy, chúng tôi mong muốn có được sự hợp tác chặt chẽ với các nhà chức trách để dự án này được triển khai toàn diện tại Việt Nam”.
Hệ thống do các đội xây dựng phải thân thiện môi trường và đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật do Bosch quy định. Các đội cần xây dựng hệ thống xác nhận và thanh toán tiền sử dụng xe máy điện, trạm sạc sử dụng năng lượng tái tạo và thiết bị theo dõi xe máy điện. “Nếu cuộc thi mang lại hiệu quả cao, chúng tôi sẽ triển khai rộng ra nhiều địa phương khác ở Việt Nam để công nghệ xanh đi vào cuộc sống”, ông Huệ giải thích.
Ban tổ chức cho biết dự kiến quý 1.2016 tổng kết các giải pháp và triển khai thực tế 3 địa phương (TP.HCM, Bình Dương và Đà Nẵng). “Trong giai đoạn thử nghiệm, người dùng sẽ có cơ hội thuê và trải nghiệm khi di chuyển bằng xe máy điện”, ông Huệ hào hứng thông tin thêm.
Rèn kỹ năng giải quyết… xung đột
Nguyễn Nhật Nam, Đội trưởng đội Trường đại học Bách Khoa TP.HCM, cho biết: “Hôm nay nhận giải, tụi em bất ngờ quá. Bởi đây là cuộc thi kín. Giữa các đội không biết nhau và không biết có bao nhiêu đội thi nên không đánh giá được thực lực các đội”.
Còn Phạm Khánh Trung, thành viên đội Trường đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng, cho biết nhóm đang háo hức chờ triển khai giai đoạn 2 để được làm việc cùng các chuyên gia Bosch, đây là cơ hội rất tốt để nhóm học hỏi.
Vốn là SV khoa Điện nên đội Trường đại học Bách khoa TP.HCM đã phải vượt qua nhiều khó khăn như: không có kỹ năng về điều tra xã hội học, dự toán chi phí…
Phạm Ngọc Hải, Đội trưởng đội Trường đại học Bách khoa Đà Nẵng cho biết: “Do lịch học khác nhau dẫn đến “xung đột lợi ích” và đội mình phải rèn luyện kỹ năng giải quyết xung đột”.
Võ Hà Trung, đội trưởng đội Trường đại học Việt Đức, cho biết: “Phải suy nghĩ và lập giải pháp cho những cái mình chưa từng làm, chưa học là khó khăn lớn. Những thông tin đội có được chủ yếu tham khảo, thu thập từ các tài liệu nghiên cứu ở các nước chứ chưa có ở Việt Nam nên cũng là thách thức khi triển khai vào thực tế”.
Tuy nhiên, Hà Trung cũng tỏ rõ quyết tâm ở giai đoạn 2 cuộc thi: “Đội nào thi cũng muốn đạt kết quả tốt nhất. Đội của em còn thiếu kinh nghiệm nên giai đoạn 1 giải pháp đưa ra chưa tốt bằng đội khác. Giai đoạn 2 mới nhiều cơ hội để các đội thể hiện và đội em sẽ cố đạt kết quả tốt nhất”.
Thông tin thêm về cuộc thi, tìm hiểu tại: www.bosch-green-challenge.com.vn
Bình luận (0)