Thêm một sản phẩm chứng khoán cho nhà đầu tư lựa chọn

Mai Phương
Mai Phương
24/06/2019 18:54 GMT+7

Đó là chứng quyền có bảo đảm sẽ chính thức đưa vào giao dịch từ ngày 28.6.

Hơn 8,62 triệu sản phẩm đã phát hành

Sáng 24.6, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) và Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM tổ chức họp báo “Triển khai giao dịch chứng quyền có bảo đảm”. Ông Phạm Hồng Sơn, Phó chủ tịch UBCKNN - công bố sản phẩm chứng quyền có bảo đảm (Covered Warrant - CW) sẽ chính thức được đưa vào giao dịch từ ngày 28.6. Hiện tại các công tác chuẩn bị đã hoàn tất. Các công ty chứng khoán được phép phát hành sản phẩm mới này phải đáp ứng các tiêu chí như vốn điều lệ trên 1.000 tỉ đồng, đảm bảo tỷ lệ an toàn tài chính trên 200%... Hiện có 16 công ty chứng khoán trên thị trường đủ điều kiện nhưng mới có 8 công ty nộp hồ sơ phát hành CW.
Ông Bùi Hoàng Hải, Vụ trưởng Vụ quản lý Kinh doanh chứng khoán, UBCKNN, thông tin thêm: trong đợt phát hành đầu tiên có 16 bộ hồ sơ đăng ký phát hành CW với tổng khối lượng 28,9 triệu đơn vị, tương ứng với tổng giá trị tối đa 104 tỉ đồng. Trong đó, 10 bộ hồ sơ đầu tiên đã có báo cáo kết quả chào bán với khối lượng thành công 8,62 triệu CW, tương đương với tỷ lệ 39,37% tổng số chứng quyền được chào bán. Tổng giá trị phân phối CW đợt đầu đạt 15,1 tỉ đồng. Trong đó có 4 mã bán hết 100% nhưng cũng có sản phẩm không bán được chứng quyền nào. Hầu hết người mua đều là các nhà đầu tư cá nhân. Số lượng CW chưa được bán hết vẫn sẽ tiếp tục chào bán sau ngày 28.6.
Các sản phẩm CW đầu tiên được phát hành có kỳ hạn từ 3-6 tháng với tỷ lệ chuyển đổi khác nhau. Ví dụ SSI phát hành CW dựa trên mã cổ phiếu cơ sở MBB với tỷ lệ 1:1, tương ứng nhà đầu tư sở hữu 1 chứng quyền sẽ có quyền mua 1 cổ phiếu MBB khi đến ngày đáo hạn. Hay Công ty chứng khoán TP.HCM (HSC) cũng phát hành chứng quyền trên mã MBB nhưng tỷ lệ 1:1 còn Công ty chứng khoán VnDirect phát hành chứng quyền trên cơ sở cổ phiếu MWG nhưng tỷ lệ chuyển đổi là 4:1… Giá mỗi chứng quyền hiện dao động từ 1.000 - 3.200 đồng.
Trong giai đoạn đầu, CW tại Việt Nam là chứng quyền mua (có quyền mua cổ phiếu tại giá xác định tại thời điểm xác định trong tương lai) theo kiểu châu Âu (tất toán tại thời điểm đáo hạn) và thanh toán bằng tiền mặt. Trường hợp giá cổ phiếu cơ sở xuống thấp hơn giá bán ban đầu, tương đương nhà đầu tư bị thua lỗ thì CW tự động không thực hiện quyền và nhà đầu tư bị lỗ tối đa là giá mua chứng quyền ban đầu.
Theo công bố của Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM, hiện có 26 mã cổ phiếu nằm trong rổ VN30 đủ điều kiện làm chứng khoán cơ sở cho sản phẩm CW.

Lợi nhuận đi kèm rủi ro cao

Sản phẩm CW được công bố sẽ mang tới cơ hội cho nhà đầu tư.  Với số vốn bỏ ra ban đầu thấp, nhà đầu tư chỉ chịu rủi ro thua lỗ gói gọn trong phần giá bỏ ra ban đầu nhưng có thể đạt lợi nhuận cao hơn rất nhiều so với đầu tư cổ phiếu. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là liệu có thể xảy ra tình trạng thao túng giá khi đến ngày đáo hạn hay không? Theo bà Nguyễn Thị Việt Hà, Ủy viên Hội đồng quản trị Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM, để hạn chế tác động các sản phẩm CW lên chỉ số VN30 hay chỉ số VN-Index, cơ quan này đã đưa ra hạn mức các công ty chứng khoán chỉ phát hành tối đa lượng chứng quyền bằng 10% số lượng tự do chuyển nhượng của mỗi cổ phiếu cơ sở. Ví dụ theo kết quả phát hành đợt đầu, tỷ lệ phát hành CW dựa trên cổ phiếu FPT chỉ đạt 0,19% lượng cổ phiếu tự do chuyển nhượng hay MWG chỉ tương đương 0,31% lượng cổ phiếu tự do chuyển nhượng… Hơn nữa, giá thanh toán cho CW khi đến ngày đáo hạn là giá bình quân giao dịch của cổ phiếu cơ sở 5 phiên liền kề trước đó. Đồng thời quy trình giám sát, chế tài… đối với giao dịch CW đều tương tự như cổ phiếu.
Dù khẳng định chứng quyền có bảo đảm nhiều cơ hội cho nhà đầu tư nhưng bà Nguyễn Thị Việt Hà cũng nhấn mạnh, sản phẩm cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro nên nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ trước khi đầu tư. Vì vậy Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM đã đưa ra công cụ là bảng tính giá CW trên website. Các nhà đầu tư sau khi điền đầy đủ các thông tin đầu vào sẽ có thể xem được kết quả để có thêm thông tin khi lựa chọn CW. Tuy nhiên bảng tính này không tính đến một số yếu tố như thanh khoản, chi phí giao dịch và các loại phí khác nên chỉ là kết quả theo lý thuyết.
Bảng tính giá chứng quyền do Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM cung cấp cho nhà đầu tư Ảnh chụp màn hình
Trong khi đó, phí chứng quyền và tỷ lệ chuyển đổi hoàn toàn do các công ty chứng khoán tự công bố. Nhưng để kiểm soát, UBCKNN yêu cầu các đơn vị phát hành phải công khai toàn bộ yếu tố để tính giá cho nhà đầu tư biết cũng như việc cạnh tranh giữa các công ty chứng khoán sẽ tạo ra các CW có giá phát hành hợp lý cho nhà đầu tư lựa chọn.
Còn theo ông Trịnh Hoài Giang, Phó tổng giám đốc Công ty chứng khoán TP.HCM, chứng quyền khác với hợp đồng tương lai chỉ số. Nhiều nhà đầu tư có thể quan sát thêm khi CW chính thức được giao dịch để hiểu rõ hơn. Bên cạnh khả năng nhà đầu tư thua lỗ thì công ty chứng khoán phát hành sản phẩm này cũng sẽ chịu rủi ro rất lớn. Đó là khi giá cổ phiếu cơ sở biến động lớn đến ngày đáo hạn khiến công ty chứng khoán thua lỗ lớn. Hơn nữa, không phải công ty nào cũng có kinh nghiệm trong việc tạo lập thị trường nên rủi ro sẽ càng gia tăng hơn.
Một ví dụ minh họa về đầu tư chứng quyền SSI
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.