Thêm một vụ yêu cầu điều tra chống bán phá giá sản phẩm từ Trung Quốc

24/06/2021 10:44 GMT+7

Hồ sơ đầy đủ yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với bàn ghế văn phòng có xuất xứ từ Trung Quốc và Malaysia đã được nộp đến cơ quan chức năng.

Cụ thể vào ngày 3.6, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) đã tiếp nhận hồ sơ của công ty là đại diện cho ngành sản xuất trong nước, yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm bàn văn phòng và bộ phận của bàn văn phòng, ghế và bộ phận của ghế có xuất xứ từ Trung Quốc và Malaysia. Đến ngày 18.6, Cục Phòng vệ thương mại (Cơ quan điều tra) xác nhận hồ sơ đã đầy đủ, hợp lệ theo quy định của pháp luật về phòng vệ thương mại.
Theo quy định trong thời hạn 45 ngày, tính từ ngày xác nhận hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, Cơ quan điều tra sẽ thẩm định hồ sơ để trình Bộ trưởng Bộ Công thương xem xét tiến hành điều tra hoặc không tiến hành điều tra vụ việc.
Để phục vụ công tác thẩm định, cũng như đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, Cơ quan điều tra đề nghị các doanh nghiệp trong nước sản xuất, kinh doanh hàng hóa tương tự nêu trên cung cấp các thông tin chi tiết, gồm công suất thiết kế và sản lượng của các sản phẩm bàn và bộ phận của bàn văn phòng, ghế và bộ phận của ghế trong các năm 2018, 2019 và năm 2020; ý kiến của công ty về vụ việc (đồng ý, phản đối, không có ý kiến); bất kỳ tài liệu/chứng cứ nào khác mà công ty cho rằng liên quan đến vụ việc. Thời hạn cung cấp các thông tin nêu trên là ngày 16.7.
Thời gian gần đây, các doanh nghiệp Việt Nam đã tăng sử dụng công cụ phòng vệ để bảo vệ hàng hóa sản xuất trong nước. Riêng năm 2020, Việt Nam đã khởi xướng điều tra mới 5 vụ việc chống bán phá giá đối với sợi dài làm từ polyester (còn gọi là sợi filament, sợi PFY) xuất xứ từ Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia và Malaysia; Đường lỏng chiết xuất từ tinh bột ngô (còn gọi là HFCS) xuất xứ từ Trung Quốc và Hàn Quốc; Thép hình chữ H xuất xứ từ Malaysia; Đường mía xuất xứ từ Thái Lan và Đường sorbitol xuất xứ từ Trung Quốc, Indonesia, Ấn Độ. Chính thức mới đây vào ngày 15.6, Bộ Công thương đã ban hành quyết định áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp chính thức đối với đường mía có xuất xứ từ Thái Lan ở mức 47,64% trong thời hạn 5 năm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.