Thèm về cố hương

27/11/2020 12:00 GMT+7

Bây giờ, xứ Nẫu quê tôi, ngày tết vẫn còn đĩa bánh thuẫn trong mỗi gia đình để dâng lên bàn thờ gia tiên, và mời khách, nhưng phần nhiều là mua từ các cơ sở sản xuất, từ chợ...

1

Chị về lại Việt Nam trên chuyến bay “chạy dịch”. Ngày đầu tiên trong khu cách ly, chị bảo thứ khiến chị thèm quay quắt nhất là bánh thuẫn. Từ nửa vòng trái đất, mỗi khi tuyết rơi, chị bồn chồn nhớ tết quê với cái vị bánh trót khắc sâu vào tâm khảm của người con gái xứ Nẫu tha hương.
Hồi đó, những ngày áp tết ở quê tôi nhà nào cũng rộn ràng với món bánh thuẫn hay còn gọi là “bánh hột xoài”. Cùng với bánh tét, bánh chưng, thì bánh thuẫn là loại bánh không thể thiếu trên bàn thờ gia tiên trong những ngày tết đến của người dân miền Trung.
Bánh thuẫn có nguồn gốc từ Quảng Nam, còn được gọi bánh thửng. Bà hay kể, tương truyền có tên gọi này, là do người thợ đúc khuôn, gò khuôn theo hình bầu dục (hình thuẫn) nên gọi bánh thuẫn. Bánh thuẫn truyền thống chỉ có loại khuôn 5 cánh như hoa mai, mỗi khuôn có khoảng 5 - 8 bánh, một khuôn bánh với mỗi chiếc bánh có kích cỡ và hình dáng khác nhau, họa tiết khác nhau trông rất đẹp. Chính vì vậy bánh thuẫn là loại bánh biểu tượng cho năm mới vui vẻ, sung túc, an lành.
Bánh thuẫn được làm từ bột bình tinh hay còn gọi là bột hạ, pha theo tỷ lệ một ký bột đánh cùng mười lăm trứng gà và một ký đường. Đường được tán nhuyễn đánh cùng trứng khoảng hai mươi phút thì cho bột bình tinh vào, đánh thật đều. Ngày ấy, làm gì có máy, dụng cụ đánh bột bánh là một bó đũa chia đều làm đôi, mỗi bên năm hoặc bảy đôi tùy vào bàn tay to hay nhỏ của từng người, sau này tiên tiến hơn dùng ống lò xo để đánh, giai đoạn này rất quan trọng vì quyết định bánh có nở bung đều, đẹp mắt hay không là nhờ vào cách đánh bột nên việc làm này thường được ưu tiên cho cánh đàn ông. Để biết bột tới hay chưa, đã đổ bánh được hay chưa, ta dùng một chén nước, cho một ít hỗn hộp bột vào, nếu phần hỗn hộp bột nổi lên là được.
Từ nhỏ, tôi thích được ngồi xem má và mấy dì làm bánh thuẫn, rồi năn nỉ má để được đánh bột, dù biết với đôi tay yếu ớt của đứa trẻ như tôi lực đánh không mạnh, chỉ vài ba phút là rã rời thôi nhưng má vẫn chiều, vẫn cho tôi thử.
Điều mà bọn trẻ chúng tôi thích nhất là rón rén lấy trộm những mẻ bánh quá lửa cháy xém, bánh vụn vỡ hoặc bánh chai lỳ bề mặt mà các “nghệ nhân” làm bánh không vừa ý bỏ ra, lúc ấy, bánh vừa nóng, vừa thơm, mà cái cách len lén thò tay lấy trộm cứ hay hay làm sao, trẻ con mà, cảm giác ấy thật khó mà quên được.
Bánh thuẫn tựa như một niềm tự hào của các bà nội trợ, nhìn đơn giản nhưng rất khó. Bánh được gọi là thành công khi bánh bung nở nhưng những cánh mai xuân, màu sắc vàng tự nhiên của trứng, vị ngọt thanh dịu của đường, gừng chỉ cần cắn nhẹ một miếng thì bánh tan chảy ngay đầu lưỡi tạo một cảm giác khoan khoái lạ thường.
Ngày ấy, vùng quê tôi chưa có điện, cả xóm chong đèn hột vịt ngồi làm bánh đến tận khuya lơ khuya lắc. Tiếng nói cười rôm rả cả một vùng quê nghèo. Gió xuân quyện mùi bánh chín với hương hoa lá càng khiến ngày tết thêm háo hức.

2.

Sau mười bốn ngày cách ly, chị về ở với gia đình chúng tôi. Cầm miếng bánh thuẫn tự tay người em gái đổ, chị dao dác nhìn bàn thờ gia tiên. Bà cùng má đã về với đất, bánh thuẫn có còn phong vị xưa xa? Bao năm bôn ba xứ người, chừng về đây cầm miếng bánh quê, không dưng nước mắt chị lưng tròng.
Hai chị em mái tóc đã pha màu sương mai, trên con đường trưởng thành, đôi lúc không kịp nhớ về ngày xưa, không có phút giây hoài niệm bởi vòng xoáy mãnh lực của cơm áo gạo tiền, bộn bề mưu sinh. Để rồi, ngày về đất mẹ trong cơn dịch, ký ức cũ càng cứ vọng về thao thiết.
Bây giờ, xứ Nẫu quê tôi, ngày tết vẫn còn đĩa bánh thuẫn trong mỗi gia đình để dâng lên bàn thờ gia tiên, và mời khách, nhưng phần nhiều là mua từ các cơ sở sản xuất, từ chợ... không mấy người làm như xưa nữa. Bánh mua không thơm ngon như bánh tự làm theo cách truyền thống. Bánh thuẫn bây giờ nhàn nhạt, có lẽ đã bị pha chế, lai tạp quá nhiều. Chị tặc lưỡi bảo, Sài Gòn cái gì cũng có nhưng hồn xưa bánh thuẫn thì chẳng thể mua được. Tiếng chị thở dài như ngày ngâu tháng bảy.

3.

Tôi nhớ hồi chị theo chồng về xứ người, bà chẳng vô Sài Gòn đi tiễn. Bà nằm đung đưa ngoài cánh võng. Ngoài hiên vọng vang câu hát cũ hồi bà hay ru chị em tôi ngày còn thơ ấu: “Nghe mùi bánh thuẫn nhớ quê. Nẫu ơi! Thương quá thèm về cố hương”. Giọng hát bà ướt nước. Bà nói nhà ai nướng bánh mà cái mùi nghe “nẫu ruột”. Chừng chục năm nữa biết đám trẻ có nhớ mùi bánh thuẫn mà thèm về quê hương???
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.