Thêm VNA xin mua quyền khai thác nhà ga T1

03/03/2015 05:49 GMT+7

Vietnam Airlines (VNA) ngày 2.3 cho biết đã gửi văn bản lên Bộ GTVT từ 26.2, đề nghị cho phép được mua lại nhà ga quốc nội T1 (không bao gồm phần mở rộng mới - sảnh E) tại cảng hàng không quốc tế Nội Bài để trực tiếp quản lý điều hành, sử dụng phục vụ hành khách và các chuyến bay nội địa của hãng.

Vietnam Airlines (VNA) ngày 2.3 cho biết đã gửi văn bản lên Bộ GTVT từ 26.2, đề nghị cho phép được mua lại nhà ga quốc nội T1 (không bao gồm phần mở rộng mới - sảnh E) tại cảng hàng không quốc tế Nội Bài để trực tiếp quản lý điều hành, sử dụng phục vụ hành khách và các chuyến bay nội địa của hãng.

Thêm VNA xin mua  quyền khai thác nhà ga T1Hai hãng hàng không VNA và Vietjet Air đều muốn mua quyền khai thác nhà ga T1 sân bay Nội Bài - Ảnh: Ngọc Thắng

Theo VNA, Nội Bài là một trong hai sân bay căn cứ lớn nhất của hãng này. Đối với nhiều nước trên thế giới, việc các hãng hàng không lớn có nhà ga riêng tại sân bay căn cứ để phục vụ các chuyến bay, hành khách của mình là rất phổ biến. Việc xin mua lại nhà ga hành khách T1 là hình thức phù hợp với chủ trương của Bộ GTVT xã hội hóa hạ tầng cơ sở tại các sân bay ở VN để tạo nguồn vốn đáp ứng yêu cầu đầu tư phát triển các dự án mới. Đồng thời, cách thức này sẽ giúp hãng có điều kiện thuận lợi trong giảm chi phí vận tải hàng không, nâng cao hiệu quả kinh doanh; linh hoạt và chủ động trong sắp xếp khai thác tại nhà ga, phòng chờ, các quầy và mặt bằng để nâng cao chất lượng dịch vụ, thuận tiện khai thác... VNA cam kết đảm bảo thực hiện nghiêm túc và nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ hàng không và phi hàng không khi được giao quản lý và khai thác.
Trước đó, Vietjet cũng đã đề xuất Bộ GTVT được nhượng quyền khai thác nhà ga T1 trong 20 năm, nhưng ý kiến của Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng là giao cho Vietjet làm thí điểm ở Sảnh E của nhà ga này.
Trả lời PV Thanh Niên chiều 2.3, ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không VN, khẳng định: “Việc các hãng mua và khai thác nhà ga không có nghĩa là được quyền biến nhà ga thành một cái khách sạn của mình, thích làm gì thì làm, mà phải có sự kiểm soát của nhà nước theo đúng mục đích, đảm bảo cho hoạt động dịch vụ hàng không và phi hàng không. Kể cả sau này, có mở rộng hay sửa chữa thì cũng phải có vai trò của nhà nước. Điều này thể hiện rõ qua các các văn bản quy phạm pháp luật cũng như tới đây thể hiện rõ trong các hợp đồng nhượng quyền”. Cũng theo ông Thanh, Cục Hàng không VN đang phối hợp với các đơn vị xây dựng phương án cụ thể để trong tháng 3 tới trình lên các cấp có thẩm quyền quyết định.
Trong khi đó, theo chuyên gia kinh tế tài chính, TS Nguyễn Trí Hiếu, khi có 2 hoặc nhiều hơn nhà đầu tư muốn mua quyền khai thác nhà ga thì hình thức phổ biến và công bằng nhất là tổ chức đầu thầu, chọn người thắng thầu để hợp tác song phương. Kể cả nếu hợp tác đa phương để khai thác nhà ga cũng là cách tốt trong bối cảnh ngành hàng không đang từng bước muốn đổi mới, nhằm tạo môi trường kinh doanh cạnh tranh tốt hơn là chỉ có một nhà kinh doanh độc quyền khai thác. Tiếp đến là cần xem xét đến yếu tố tài lực; kế hoạch phát triển của nhà đầu tư…
Chỉ bán phần dịch vụ
Tại cuộc họp báo sau phiên họp thường kỳ của Chính phủ ngày 2.3, Thứ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Hồng Trường cho biết việc chuyển nhượng, bán quyền khai thác các cảng hàng không đều nằm trong kế hoạch xã hội hóa được báo cáo Chính phủ. Tuy nhiên, tinh thần chung là chỉ bán phần dịch vụ cho các đối tác đầu tư trong, ngoài nước khai thác. Còn những hạng mục liên quan đến việc an toàn bay, an ninh quốc phòng vẫn phải thuộc sự quản lý của nhà nước. Đối với nhà ga T1 Nội Bài, Bộ đang yêu cầu Tổng công ty Cảng hàng không xây dựng phương án đấu thầu, nhà đầu tư nào đáp ứng đủ các tiêu chí, điều kiện đặt ra với mức giá mua hợp lý Bộ sẽ nhượng quyền khai thác.
A.V - M.Q
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.