|
>> Ươi vào mùa, núi rừng náo động
Ông Mạnh được xem là trưởng nhóm. Tuy không leo cây được do tuổi già sức yếu nhưng bù lại ông thông thuộc địa hình, có kinh nghiệm nhìn ra cây ươi và điều quan trọng là chồng, là bố của những người còn lại nên ai cũng nghe lời.
Sinh ra và lớn lên trong khu vực này nên nắm rừng như trong lòng bàn tay, đến nỗi ông dám dõng dạc tuyên bố: “Giờ thả tao ở Sài Gòn thì tao lạc chứ thả trong Chiến khu D này chẳng xi nhê gì.”. Với “tài năng” đó ông được phân công đi tìm ươi và ở lại rừng canh nếu cây còn non cần phải giữ.
|
Ông Mạnh cho biết, ươi thường ra bông vào cuối tháng hai âm lịch, đến tháng tư thì cho trái. Mùa ươi diễn ra trong khoảng hơn một tháng khi trời mưa xuống là hết, vì ươi gặp nước bung nhựa, không bán được. Cây ươi phải trên 20 năm mới cho quả và có chu kỳ 4 năm cho trái một lần. “Không biết năm nay trời thương dân Phú Lý hay sao mà năm ngoái mới có năm nay lại cho tiếp”, ông Mạnh hồ hởi.
Theo lời ông Mạnh, người dân Phú Lý biết cây ươi từ lâu rồi, thời cách mạng đã lượm làm nước uống, nhưng đến năm 1996 mới hái bán vì lúc đó mới có người mua. “Giá thời điểm đó rất cao, 50.000 đồng/kg nên nhiều người ham, dẫn đến tình trạng thu hoạch theo kiểu tận diệt là chặt nguyên cây xuống để lấy trái. Đến năm 2001, người dân mới biết mé nhánh để thu hoạch, đến 4 năm sau lại sum xuê cho trái còn nhiều hơn lúc đầu. Mình phải làm vậy để bảo vệ nguồn lợi lâm sản. Hơn 10 năm nay, ở đâu không biết chứ dân Phú Lý không hạ cây ươi nào. Vì nếu một người hạ, kiểm lâm phát hiện sẽ đuổi hết không cho hái nữa. Nên mọi người canh chừng lẫn nhau, nếu phát hiện người này đốn cây sẽ báo ngay cho chính quyền xử lý.” Ông Mạnh lý giải.
Ngồi nghỉ một tí, ông Mạnh phân công 3 người ở lại canh chòi, 7 người còn lại đi hái ươi. Làm lễ cúng thần rừng xong, thắt vào người 2 sợi dây an toàn, dắt thêm cây dao, cây cưa nhỏ cùng bọc đinh 15 phân và vài thứ vật dụng liên quan như bình xịt kiến, nước uống… anh Hai (con ông Mạnh) bắt đầu leo. Vừa leo, anh Hai đóng từng cây đinh vào thân cây, mỗi cây cách nhau chừng 50-60 cm để trèo lên cao. Do dây leo quấn quanh thân có nhiều kiến nên cứ lên được vài mét anh Hai lại móc bình xịt kiến ra xịt mù mịt và luôn miệng than: “Kiến quá trời, cây này khó ăn quá”. Sau gần 45 phút, anh Hai cũng leo lên được tới ngọn cây cao hơn 40m, lúc này bình xịt kiến cũng đã hết. Uống ngụm nước cho lại sức, lựa một thế ngồi vững chắc, anh Hai lấy cưa ra mé cành. Nhánh rớt, mọi người ở dưới lao vào lượm trái. Một lát sau anh Hai cũng leo tới đất. Ngồi phịch xuống đám lá rừng, vừa thở dốc anh Hai vừa nói: “Đối với người leo, ngoài việc đối diện với nguy hiểm khi nhánh rớt cây đong đưa mạnh thì còn một mối nguy hiểm không kém là bị ong đốt. Ở trên cây mà bị ong tấn công chỉ có nước chết. Cho nên có nhiều lúc gặp cây ươi trái đầy cành, thân cây có đinh đóng chứng tỏ đã có người leo rồi nhưng không hái được do vấn đề gì đó. Mình phải cẩn thận nếu ham hố leo lên có ngày chết như chơi”.
|
Sau khi lượm xong, ông Mạnh cho biết phải về sớm để đi thăm đứa con trai thứ 7 đang nằm Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) do bị té chấn thương sọ não khi đang trèo lên cưa ươi trước đó khoảng 1 tuần.
Lê Lâm
>> Theo chân người dân đi hái ‘lộc rừng’
>> Rủ nhau đi hái lộc rừng
>> Lộc rừng tháng chạp
>> Cuối năm đi hái "lộc" rừng
Bình luận (0)