Chúng tôi đã có dịp “theo dấu” cụ đồ Nguyễn Đình Chiểu và nhạc quan Nguyễn Quang Đại từ các mái đình, cảnh chùa mang đậm dấu ấn lịch sử…
Chùa Tôn Thạnh năm canh ưng đóng lạnh...
Một ngày giữa tháng 8, đoàn nhạc sĩ thuộc Hội m nhạc TP.HCM được anh Nguyễn Công Toại - Chánh văn phòng Sở VH-TT-DL Long An hướng dẫn đến thăm chùa Tôn Thạnh (xã Mỹ Lộc, H.Cần Giuộc) - nơi cách đây 150 năm, cụ Đồ Chiểu viết Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc.
Thực ra, người viết đã từng đến chùa Tôn Thạnh trong dịp lễ hội tưng bừng nhân đón Bằng công nhận Di tích lịch sử cấp quốc gia nhân dịp 176 ngày sinh của cụ Đồ Chiểu (1.7.1998). Nhưng 14 năm trước chỉ là “cưỡi ngựa xem hoa”, còn bây giờ thì cảm xúc trào dâng... Tôi lặng im trước bia kỷ niệm được dựng năm 1973 khắc dòng chữ “Dưới mái chùa Tôn Thạnh này. Từ năm Kỷ Mùi (1859) đến năm Nhâm Tuất (1862), đại chí sĩ Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888) bề ngoài mở lớp dạy học, bên trong lãnh đạo nghĩa binh chống Pháp. Và cũng nơi đây, cụ đã sáng tác thơ Lục Vân Tiên”. Bao thế hệ học sinh, trong những tiết văn đã từng đọc Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc với những câu: “Chùa Tôn Thạnh năm canh ưng đóng lạnh, tấm lòng son gửi lại bóng trăng rằm/Đồn Lang Sa một khắc đặng trả hờn, tủi phận bạc trôi theo dòng nước đổ…”, hỏi ai mà chẳng bồi hồi xúc động khi đứng trước “tấc đất” lịch sử này!
Sau khi đốt nhang bái vọng cụ Đồ Chiểu, tôi đi quanh chùa và phát hiện một bàn hương án để bên hông trái chùa. Chính giữa hương án có tấm bia nhỏ bằng đá mài hình chữ nhật, khắc chữ triện tròn (quốc ngữ) “Cung thỉnh nghĩa sĩ Cần Giuộc chi vị” (Cung kính rước anh linh các nghĩa sĩ Cần Giuộc). Chắc hẳn có nhiều người không biết những nghĩa sĩ Cần Giuộc này là... lính của ai, hy sinh trong trận đánh nào. Tôi may mắn được chị Hương (Phó chủ tịch xã Mỹ Lệ, H.Cần Đước) tặng cuốn sách Mỹ Lệ - Truyền thống lịch sử và văn hóa, trong đó có đoạn nói về vai trò của Đốc binh Bùi Quang Diệu - một thủ lĩnh nghĩa quân (vốn là một Cai tổng), cùng với Tổng lãnh binh Nguyễn Văn Tiến: “Ngày 10.12.1861 Nguyễn Trung Trực đốt tàu L'Espérance tại Vàm Nhựt Tảo, thì sáu ngày sau (16.12.1861) Bùi Quang Diệu chỉ huy quân tập kích đồn Cần Giuộc, đâm trúng tên đồn trưởng người Pháp là Du Mont, chém chết một số lính Mã tà-Ma ní. Theo Paulus Huỳnh Tịnh Của trong Quốc âm thi tập thì trận này nghĩa quân tổn thất 27 người, trong đó có Đỗ Trình Thoại - bạn cùng khoa với Nguyễn Đình Chiểu… Sau trận này, Bùi Quang Diệu làm lễ truy điệu các “chiến sĩ trận vong” bằng áng văn bất hủ của nhà thơ-nhà chí sĩ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu . Đó là bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc”…
|
|
Chùa Tôn Thạnh được thiền sư Viên Ngộ xây dựng năm 1808. Thiền sư Viên Ngộ mất năm 1845, đến nay bảo tháp an táng di hài ông vẫn còn ở mé tây chùa. 14 năm sau, cụ đồ Nguyễn Đình Chiểu từ Ba Tri (Bến Tre) lánh giặc Pháp, tản cư về nơi đây là quê vợ. Cụ mượn chùa Tôn Thạnh làm nơi dạy học và làm cố vấn cho nghĩa quân suốt 3 năm liền…
Ông tổ của đờn ca tài tử
Chúng tôi cũng đã đến thăm đình Vạn Phước (xã Mỹ Lệ) - nơi thờ linh vị của nhạc quan Nguyễn Quang Đại, ông tổ của loại hình Đờn ca tài tử - đặc sản “quốc hồn, quốc túy” của miền Tây Nam bộ.
Hiện chưa có tài liệu nào ghi rõ tiểu sử của ông Nguyễn Quang Đại (Ba Đợi), chỉ ghi chung chung: Ông là một nhạc quan của triều đình nhà Nguyễn. Vào nửa cuối thế kỷ thứ 19, hưởng ứng phong trào Cần vương, ông vô Nam truyền dạy nhạc lễ và nhạc tài tử. Bước chân của nhạc quan Nguyễn Quang Đại không dừng lại ở một chỗ cố định mà người “nghệ sĩ tiền bối” này đã lang thang khắp Gia Định và vùng phụ cận (Chợ Lớn, Cần Đước - Cần Giuộc, Đồng Nai, Bình Dương, Bến Tre...). Ở nơi đâu ông cũng có những học trò xuất sắc, và con số này lên đến hàng trăm người. Một trong những hậu duệ ưu tú (đời thứ 2) của ông là Giáo Thinh (Nguyễn Văn Thinh, trước năm 1975 là Trưởng khoa m nhạc dân tộc của Trường Quốc gia âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn, nay đã mất)…
Bên cạnh việc truyền dạy, biểu diễn nhạc khí, nhạc quan Nguyễn Quang Đại còn sáng tác, phóng tác rất nhiều bài bản như bộ Ngũ châu miền Đông, 8 bản Ngự cung nghinh vua Thành Thái. Ông cũng đã cùng các học trò hệ thống lại hơi điệu bài bản tài tử thành bốn điệu Bắc, Nam, Hạ, Oán (20 bản tổ), cải biên nhạc cung đình, sáng tạo nên Nhạc lễ Nam bộ. Trong vai trò trưởng nhóm nhạc miền Đông, nhạc quan Nguyễn Quang Đại cùng với ông Kinh lịch Trần Quang Quờn - chủ súy nhóm nhạc miền Tây đã cùng làm cho bộ môn Đờn ca tài tử ngày càng phong phú, xứng đáng là “đặc sản” và là niềm tự hào của người dân Nam bộ.
Con người tài hoa và có công rất lớn như vậy nhưng lại qua đời trong hoàn cảnh nghèo nàn, túng quẫn. Ông mất tại nhà con trai là cậu Hai Tuân ở Bến Bình Đông (Q.8, Sài Gòn). Quan tài ông do một chiếc xe ngựa chở cá đưa vào vùng mả hoang miệt Rạch Cát (trùng tên với một địa danh ở Cần Giuộc), nay thì đã mồ xiêu mả lạc. Không ai biết ông mất năm nào, chỉ căn cứ theo tài liệu của Giáo Thinh ghi ngày mất của nghệ nhân Nguyễn Quang Đại là ngày 19 tháng giêng âm lịch (không ghi năm)… Từ đó những người yêu mến nhạc tài tử, nhạc lễ đã lấy ngày này để tổ chức húy kỵ cho ông tại Q.8 (TP.HCM). Đến năm 1996, thể theo nguyện vọng của nhân dân tỉnh Long An, linh vị của ông được thỉnh từ Q.8 về thờ tại đình Vạn Phước (H.Cần Đước). Ở đình này còn thờ linh vị của thủ lĩnh nghĩa quân Bùi Quang Diệu. Đình xây dựng năm 1877 và được chính Bùi Quang Diệu hiến cúng bức hoành phi đề một chữ đại tự “Thần”. Hiện nay chữ “Thần” này là vật thờ thiêng liêng, thay cho sắc phong (ở những ngôi đình không có sắc), đặt ngay chánh điện.
Đình Vạn Phước còn trưng bày Bằng công nhận Danh hiệu Nghệ nhân dân gian (của) Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam (cho) “Nghệ nhân Nguyễn Quang Đại, sinh 1858, tại Cần Đước-Cần Giuộc-Long An”, Hà Nội ngày 5.1.2009, Chủ tịch Hội: GS-TSKH Tô Ngọc Thanh (đã ký). Quả là... máy móc ! Lẽ ra phải là Bằng truy tặng Danh hiệu... (chưa nói là ghi sai nơi sinh của ông). |
Hà Đình Nguyên
>> Theo dấu người xưa - Kỳ 7: Nghi vấn quanh khu mộ song thân Tả quân Lê Văn Duyệt
>> Theo dấu người xưa - Kỳ 6: Bia ký Bảo Định hà và thượng phương bảo kiếm
>> Theo dấu người xưa - Kỳ 5: Ngôi chùa nơi vua Minh Mạng chào đời
>> Theo dấu người xưa - Kỳ 4: Di vật của Thừa Thiên Cao Hoàng hậu
>> Theo dấu người xưa - Kỳ 3: Miếu Trinh Nữ, di tích thời vua Thiệu Trị
>> Theo dấu người xưa - Mộ ông Tang và giai thoại xiềng mả
>> Theo dấu người xưa - Huyền thoại về chiếc đại hồng chung
Bình luận (0)