“Bí kíp” bắt sấu ở đất tiên
Ông Nguyễn Hữu Hiệp, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian ở cù lao Phú Tân (An Giang), tán thưởng: “Đọc Hương rừng Cà Mau thấy hương rừng tỏa hương cả miền Tây chứ đâu riêng gì miệt U Minh. Những nhân vật, những đặc cảnh trong đó mang máng như vùng quê mình. Chẳng hạn truyện Bắt sấu rừng U Minh hạ đâu khác gì cách bắt sấu ở cù lao Giêng, H.Chợ Mới, An Giang. Ở nơi đó còn giữ “bí kíp” bắt sấu, bắt cọp độc chiêu lạ thường”.
Trong truyện, ông Năm Hên làm cả xóm rạch Cái Tàu sợ rụng rời khi bắt trọn bầy sấu, có cả con sấu chúa trán có tam tinh bằng mưu kế cao siêu. “Trước hết ông vào ao sấu, đào một đường thoát, đốt lau sậy cháy làm lũ sấu bị bỏng phải chạy vào đường thoát. Khi lũ sấu há miệng táp, ông Năm liền liệng khúc mốp vào miệng làm chúng dính cứng hàm răng không há miệng được. Sao đó ông dùng lưỡi mác xoắn nhẹ đứt gân đuôi sấu biến cá dữ thành loài vô hại...” (trích Bắt sấu rừng U Minh hạ - Hương rừng Cà Mau).
|
Ông Hiệp chỉ tôi về cù lao Giêng - cù lao ngày xưa được sách Gia Định thành thông chí gọi là Doanh Châu bởi cảnh đẹp như tam cảnh hạ giới gồm Bồng Lai, Phương Trượng, Doanh Châu. Ông Nguyễn Văn Cu (60 tuổi), dân cố cựu ở cù lao Giêng kể trước kia vùng này hoang vu còn lắm sấu, cọp. Gia đình nào có con trưởng bị sấu bắt, cọp vồ, gia tộc phải tìm cách tiêu diệt chúng để tránh cái "huông" về sau. Ông Cu cho biết cụ tổ ông là ông Nguyễn Văn Núi và bà Lê Thị Nhạc khoảng năm 1700 theo Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh, danh tướng thời chúa Nguyễn đến cù lao này khai phá và trải qua đến nay đã 11 thế hệ với họ tộc lên đến cả trăm người. Ông Cu nói: “Dòng tộc tôi còn giữ “bí kíp” ông cha truyền lại cách bắt sống sấu không dùng lưỡi câu hay lặn xuống bắt chúng bằng lưới”.
Ông Cu lật đật lấy “bí kíp”, trong đó ghi rõ sấu dữ phá hoại bắt người ăn nên tổ tiên lấy thân cây to xóc thành bãi nọc nằm hai hàng so le ven bờ sông. Miệng bãi nọc càng vào sâu đất liền càng hẹp, xong tổ tiên bắt gia cầm, gia súc buộc cho chúng đi quanh quẩn cuối bãi nọc. Cá sấu thấy mồi trườn sâu vào bãi bắt, càng vào sâu thân hình chúng bị mắc kẹt trong hàng cây nọc, cái đuôi sấu là vũ khí lợi hại nhưng đồng thời cũng là nhược điểm làm chúng bò lui hay bơi lui không được. Chúng tiến không được, bò lùi không xong nên nằm chết trân. Lúc đó ta lấy dao bén cắt gân đuôi của sấu, khóp mỏ trói gô bắt nhốt như bắt gà.
Ông Cu kể: “Hồi xưa ven sông là các bãi nọc chạy dài nên sấu bò vào nọc là hết đường thoát, chúng sợ không dám vào quậy phá bắt người, bắt gia súc. Thú dữ thua sức nên dân cư an tâm tới đây sinh sôi lập nghiệp đông dần. Từ nọc bắt sấu cha ông mới chế thêm cách bắt cá bằng đăng, đáy... về sau tôi nghe nói ở miệt biển người ta cắm cây xây nò bắt cá, không biết có phải do từ nọc bắt sấu biến tấu ra không”.
Bài học tắc kè
Ông Nguyễn Thiện Chung, Chủ tịch Hội Đông y H.Tịnh Biên (An Giang) nói ngày xưa ông đọc truyện của Sơn Nam nhưng đâu có ngờ mấy chục năm sau sự tình lại diễn ra như trong truyện. Truyện rằng: “Xứ Gò Quao nhốn nháo do có tay đầu nậu thu gom mua tắc kè. Hỏi mua làm gì, đáp về lột da bán ra ngoại quốc cho Tây với đầm làm bóp, làm dây nịt. Người lạ cho hàng chục tay em về thôn quê gom tắc kè với giá hơi cao. Dân khá giả trong vùng thấy lạ bèn xuất tiền mua tắc kè của bọn tay em đem bán lại cho đầu nậu ở chợ Gò Quao với giá cao. Nhưng số tắc kè dự trữ ấy chỉ bán được lần đầu mà thôi vì tay tổ lưu manh làm đầu nậu ấy chỉ mua một lần đầu lấy lệ. Ai lỡ mua dự trữ tắc kè quá nhiều với giá khá cao tưởng rằng bán lại lời to đành ôm cục tức bởi tay tổ lưu manh và số tay em đã cao bay xa chạy...” (trích Con rắn ri voi - Hương rừng Cà Mau).
|
Dẫn chứng truyện xưa bằng minh chứng năm 2011, đột nhiên vùng quê miệt Kiên Giang, An Giang xuất hiện nhiều người gom mua tắc kè con từ 250 gr trở lên với giá cao đến mấy triệu đồng/con. Người dân ngạc nhiên hỏi mua làm gì, mấy lái gom tắc kè úp mở đem bán ra nước ngoài lấy mật bào chế thuốc trị bệnh ung thư, nhiễm HIV. Hậu quả, thanh niên, người dân nghe bùi tai hám lợi bỏ đồng bỏ ruộng đi lội rừng, lội núi săn tắc kè, nhỏ lớn gì cũng tranh giành bắt. Còn người có tiền thuê người mua tắc kè nhỏ lớn với giá cao đem dự trữ chờ lái tới bán hốt bạc nhưng ngóng dài cổ các lái láu cá vẫn biệt tăm.
Lúc đó, những tay săn thứ thiệt như ông Năm Đặng ở Tịnh Biên đã lặng im không tham gia. Kinh nghiệm lâu đời mách bảo ông Năm đây là cái bẫy. “Tắc kè nặng từ 250 gr có đi nữa cũng rất ít. Những người bắt tắc kè nghiệp dư đâu phân biệt được điều khác lạ này, họ đâu có kinh nghiệm nên tốn công dầm sương đêm giỏi lắm bắt được vài con tắc kè nhỏ, đem bán vài chục ngàn đồng/con chỉ thêm lỗ công, phí sức… Nhưng có khuyên cũng chẳng ai nghe”, ông Đặng nhớ lại.
Ông Chung nói tin đồn tắc kè càng lớn mật càng to trị các bệnh ung thư, nhiễm HIV càng hay là bậy. Bởi thực tế tắc kè lớn chưa hẳn mật đã to hơn tắc kè nhỏ, còn trong các sách xưa, sách đông dược không đề cập hay ghi chép mật tắc kè có công dụng trị bệnh ung thư. Ông Chung nói: “Đó là tin đồn ác ý, có tính phá hoại, bởi tắc kè là loài có ích, ăn côn trùng sâu bọ gây hại cho mùa màng. Nếu cứ bắt và tiêu diệt thẳng tay, tắc kè không còn con nào”.
Thanh Dũng
>> Diễn viên Hồ Bích Trâm "cả gan" đuổi cá sấu
>> Bắt quả tang hai điểm bán thịt cá sấu trái phép
>> Náo loạn vì cá sấu
>> Rao bán thịt cá sấu như “hàng rong”
>> Rợn người cá sấu sống bày bán trước... cổng chợ
Bình luận (0)