>> Theo dấu văn thơ - Đi tìm 'Ông cá hô
Số thầy chưa đi đầu thai
Nhân vật thầy Thông Chánh tức Nguyễn Văn Chánh hay còn gọi là Nguyễn Trung Chánh, làm thông ngôn (phiên dịch) ở Trà Vinh thời Pháp. Vợ thầy Thông Chánh rất đẹp nên bị Biện lý Jaboin ve vãn, thầy bị ức hiếp nên dẫn vợ con chuyển sở làm lên Sài Gòn rồi qua tận Campuchia nhưng biện lý vẫn đeo tới cùng. Thầy biết đi đâu Jaboin cũng bám theo nên uất ức quay lại Trà Vinh, nhủ lòng sống chết với Jaboin tại quê nhà. Ngày 14.5.1893, thầy dùng súng ám sát Jaboin, gây chấn động Nam kỳ. Thầy bị xử tử tại Trà Vinh vì tội giết người Pháp. Dân gian ngưỡng mộ nghĩa khí nên làm thơ, làm bài vè ca ngợi, cổ súy tinh thần chống Pháp.
|
Trong quyển biên khảo Phong trào duy tân ở Bắc Trung Nam, Sơn Nam nhận định sự can đảm của thầy Thông Chánh trở thành huyền thoại; tiếc rằng nhắc đến thầy, người dân chỉ nhớ mơ hồ vài ba đoạn vì tập thơ này thời Pháp thuộc bị cấm lưu hành, trình bày nơi công cộng do nội dung đề cao một người dám giết quan chủ người Pháp. Sơn Nam đã tóm lược và trích dẫn vài đoạn rời rạc theo trí nhớ của một nhơn sĩ ở chợ giữa Mỹ Tho như “Nhựt trình Vĩnh Ký đặt ra/Chép làm một bổn để mà xem chơi/Trà Vinh lắm kẻ kỳ tời/Có thầy Thông Chánh thiệt người lớn gan...”. Còn học giả Vương Hồng Sển hay phàn nàn: “Tôi muốn tìm lại bài vè này, lúc nhỏ tôi nghe đầy lỗ tai, do mấy anh đờn độc huyền ngồi nói thơ tại Sóc Trăng kể lại rành rọt sự tích thầy Thông Chánh. Tôi đã tìm nhưng đến hôm nay nước chảy qua cầu mà việc đâu còn đó. Chắc tại số thầy Thông Chánh chưa đi đầu thai...”.
|
Sơn Nam, Hồng Sển chưa tìm được bổn thơ thầy Thông Chánh nhưng tâm huyết của hai ông đã tác động đến nhiều người, trong đó có chàng trai trẻ Nguyễn Hữu Hiệp, nay đã 65 tuổi, là nhà nghiên cứu văn hóa nghệ thuật sống ở xứ cù lao Phú Tân, An Giang. Nhớ lại, ông Hiệp kể: “Hồi nhỏ, tôi rất thích đọc sách báo và lấy làm lạ sao ông Sơn Nam và Hồng Sển là những nhà nghiên cứu có tiếng tăm cứ nhắc hoài tới bài thơ thầy Thông Chánh nên hiếu kỳ lắm. Lúc đó tôi nghĩ bụng, mình ở vùng quê cách trở đò giang làm gì có diễm phúc tìm được bài thơ trong khi những vị tên tuổi còn chưa tìm được”. Ngờ đâu, đi tìm mòn gót hài nhưng nó lại ở ngay trước mắt. Một buổi trưa, ông Hiệp tình cờ nghe bà Năm hàng xóm ngâm bài thơ khá dài nhưng lời giản dị rất hay. Hiệp ngờ ngợ sao lối thơ đó giống thơ thầy Thông Chánh nên chạy bổ qua hỏi.
Ông Hiệp kể: “Tôi hỏi bà cụ bài thơ gì mà hay quá, bà Năm hỏi ngược lại bây đọc sách nhiều mà không biết bài thơ đó là Thơ thầy Thông Chánh à? Bà cụ thuộc làu đoạn thơ được hơn 100 câu, tôi chép lại gửi cho tờ Điện Tín, vài hôm báo đăng liền. Tôi sướng rơn vì vài ngày sau Hồng Sển gửi lời khen, kêu tôi bằng Nguyễn tiên sinh”.
Bài thơ vỉa hè
Ông Hiệp nhớ lại, báo đăng không lâu thì cụ bà Đào Thị Mười quê gốc Long An vừa tới Phú Tân mở quán nước cho con gái, gọi ông tới. Con gái bà Mười đẹp và nết na lắm nên đám thanh niên tới quán trồng cây si và gã Hữu Hiệp cũng không ngoại lệ nên được mẹ người đẹp kêu vào diện kiến, còn vinh dự nào bằng. Ngờ đâu vừa giáp mặt bà cụ đã chửi như tát nước “bây ẩu quá, bài thơ thầy Thông Chánh còn thiếu nhiều đoạn dữ lắm mà dám gửi đăng nhật trình”. Chửi một chặp thấy thằng thanh niên cứ ấp a, ấp úng, bà Mười bèn ngồi chỉnh tề, đọc trọn bổn thơ gồm 262 câu. Ông Hiệp ngồi viết lia lịa mà run tay vì không ngờ lại có ngày được tương kiến trọn bài thơ xưa tưởng đã quên lãng. Về nhà, ông Hiệp đem so lại với đoạn thơ bà Năm từng đọc thì nội dung, câu chữ không khác nhau lắm. Với tâm trạng háo hức, ông Hiệp cầm hai quyển thơ đã đánh máy lên Sài Gòn, gặp ông Thịnh là chủ bút tờ Điện Tín đưa một quyển và ông Thịnh xem qua nói sẽ đăng nhiều kỳ, trả nhuận bút là 1 lượng vàng, quyển còn lại ông Hiệp tìm Sơn Nam tặng làm kỷ niệm do mến mộ.
Tập thơ chưa đăng thì tháng 4.1975 miền Nam giải phóng, một số tòa soạn báo ngừng hoạt động. Trong niềm vui thống nhất nước nhà, ông Hiệp cũng quên dần bài thơ thầy Thông Chánh đã bị gác lại. Khoảng chục năm sau, có người bạn điện cho ông hay thấy tập thơ thầy Thông Chánh đề tên Hữu Hiệp nằm ở nơi bán sách cũ trên vỉa hè Sài Gòn. Ông Hiệp đã nhờ bạn mua lại tập thơ in dang dở làm kỷ niệm, tới năm 1998, nhà thơ Lê Minh Quốc đã liên hệ ông Hiệp in lại bài thơ ấy trên NXB Trẻ và trả nhuận bút vài triệu đồng.
Nhắc tới chuyện xưa, ông Hiệp nói: “Như là định mệnh, không ngờ hai bà dì nhà quê đã giúp tôi chạm tay bài thơ thầy Thông Chánh, nhờ vậy giúp ổng đi đầu thai theo đúng cách nói của cụ Sển. u cũng là cái duyên cho tôi khởi nghiệp với văn chương, nghiên cứu văn hóa dân gian”.
Thanh Dũng
Bình luận (0)