Theo dấu văn thơ - Kỳ 23: Đứa bé của 'Cánh đồng hoang'

11/02/2014 03:00 GMT+7

Đứa bé đã đi vào lịch sử phim trường cùng Cánh đồng hoang . Qua vài thập niên, cánh đồng hoang giờ chỉ còn là ký ức nhưng bộ phim vẫn sống mãi với thời gian.

Cháu bé... bây giờ


Cậu bé Thuận bây giờ và mẹ ruột - Ảnh: T.D 

Phim Cánh đồng hoang do Nguyễn Hồng Sến làm đạo diễn, khởi quay từ năm 1979, là phim trắng đen nhưng nay khởi chiếu lại trên các kênh truyền hình vẫn làm say mê khán giả. Trong phim có nhiều cảnh độc đáo, như lúc bị hai chiếc trực thăng địch quần trên đầu bắn phá xuống cánh đồng hoang, đôi vợ chồng trẻ đã phải cho đứa con trai gần 1 tuổi vào bao ni lông và cột miệng bao lại dìm xuống nước trốn địch.

Đứa bé trong phim thực ra là cháu ruột gọi đạo diễn Nguyễn Hồng Sến bằng ông. Đứa bé ngày nào giờ đã 35 tuổi, gương mặt đen đúa, đang sống bình dị trong Đồng Tháp Mười của ấp Vàm Gừa, xã Vĩnh Bửu, H.Tân Hưng, Long An với tên thật là Nguyễn Văn Thuận. Thuận cười cho biết trong phim anh đóng vai con của nữ diễn viên Thúy An, nhưng ngoài đời thì anh gọi bằng bà vì sau đó Thúy An trở thành vợ Hồng Sến.

Đường vào nhà Thuận là con đường nhỏ dằn xóc, đầy cát bụi, hai xe gắn máy chạy ngang qua phải nhường đường nhau. Nhà nằm khá hẻo lánh, ấy vậy mà hỏi tên Thuận ai cũng ồ lên chỉ chính xác nhà thằng bé của cánh đồng hoang. Thuận tâm sự nhân vật trong phim đã đi theo anh suốt nửa kiếp người, có thời điểm anh lên Sài Gòn định đóng phim nhưng bôn ba rồi nhận thấy nghề diễn viên không phù hợp nên quay về vui thú nơi đồng sâu. Năm tháng trôi qua, giấc mơ điện ảnh nhạt nhòa theo luống cày, theo mùa lúa chín.

Cảnh trong phim là thật

Bà Trương Thị Thu, mẹ ruột Thuận, cười ngất khi nhớ lại chuyện xưa. Bà nói lúc đó chồng bà là ông Nguyễn Văn Việt cũng được chọn đóng vai du kích trong phim Cánh đồng hoang. Còn bà thì đi theo đoàn quay phim suốt một tháng trời để làm diễn viên bất đắc dĩ chăm sóc và cho Thuận bú. Bà Thu kể: “Lúc ấy cô Thúy An chưa có chồng, làm gì mà có sữa cho con bú hay biết cách chăm con”. Rồi bà cười, Thuận đóng phim nổi tiếng lắm nhưng tiền cát sê hồi đó chỉ đủ cho bà mua vài cái trứng vịt lộn.

Bà Thu kể bà gọi Hồng Sến là bác Tư. Hồng Sến sinh ra và trưởng thành ở ấp Vàm Gừa, lúc ấy vùng này còn mông quạnh, đi lại bằng ghe xuồng, mùa lũ nước dâng ngập trắng xóa. Ký ức mùa nước nổi đã ăn sâu đậm vào thời niên thiếu, nên khi làm đạo diễn Cánh đồng hoang thì Hồng Sến đã chọn được những cảnh đắc địa.

Bà Thu nhớ lại: “Tôi lấy ông Việt sinh bé Thuận được 4 tháng thì bác Tư từ Sài Gòn về chơi. Ông vào thăm bé Thuận, cười tủm tỉm rồi nói cháu ông sắp được lên phim. Rồi ông lại đi trong Đồng Tháp Mười chọn cảnh quay. 5 tháng sau bác Tư quay lại, lúc này trong xóm biết ông đang quay phim có đoạn cần đứa bé đóng vai chính nên năn nỉ xin chọn con họ làm diễn viên”. Bà Thu nói ông Hồng Sến từ chối vì trong phim có nhiều cảnh quay cháu bé rất nguy hiểm như rớt xuống nước, bị dìm xuống sông. Người thân nhìn cảnh đó nóng ruột sẽ cản trở, làm ảnh hưởng đến tiến độ quay hoặc không chịu cho con đóng cảnh thật.

Lúc ấy đoàn làm phim tập trung ở huyện Mộc Hóa, Long An, sáng sớm đoàn đi tắc ráng vô các địa điểm quay. Thúy An lúc thơ ấu sống ở thị xã Long Xuyên, An Giang rất thông thạo sông nước nên diễn cảnh chèo xuồng, bơi xuồng rất đạt. Bà Thu nhớ lại: “Tôi chỉ biết sơ sơ kịch bản phim, những cảnh quay cháu Thuận té sông hay bị dìm xuống nước không những bác Tư giấu mà chồng tôi cũng nói dối, bởi sợ tôi nóng lòng không cho con diễn cảnh thật. Tôi nhớ hôm đó bác Tư nói tạm ngưng quay nên tôi kiếm chỗ nằm thiu thiu ngủ, bất chợt có mấy cô hớt hải chạy tới la con chị đoàn làm phim bỏ vào bao ni lông dìm xuống nước kìa. Tôi hoảng vía nên lật đật chạy lại điểm quay thì bác Tư đã cho quay lại cảnh dìm Thuận lần thứ hai vì lần trước diễn vẫn chưa đạt. Thấy con bị dìm nước, tôi nóng quá nên la um sùm. Sau đó sợ con bị dìm nước nữa nên tôi đeo theo đoàn phim kè kè. Lúc bác Tư đem phim về chiếu thử, tới đoạn thằng Thuận bị té sông, bị dìm xuống nước ai xem cũng sợ”.

Theo bà Thu thì lúc quay phim năm đó lũ lớn nên cảnh trong phim cánh đồng ngập nước là thật, phần Thuận thì diễn với đoàn phim đúng 1 tháng trời. Diễn xong, Thuận về nhà bị cảm mạo nên bệnh, rồi đau ban khiến bà rất lo. Bà nhớ lúc đó đoàn phim mượn được 3 chiếc trực thăng, có hôm cảnh quay Thuận đạt nên mẹ con bà được đoàn phim ưu tiên cho lên trực thăng về Mộc Hóa nghỉ ngơi trước, khỏi đi tắc ráng về.

Lúc Hồng Sến đau trong bệnh viện, bà và Thuận tới thăm ông. Ông thương Thuận lắm nhưng có lẽ mê sảng nên cứ dặn Thuận rằng ông có chôn nhiều vàng để dành cho Thuận. Bà Thu cười: “Theo di ngôn bác, chúng tôi đào tìm nhưng có thấy thỏi vàng nào đâu. Nhưng không ai trách cứ bác Tư đâu vì những bộ phim do bác ấy đạo diễn để lại còn quý hơn vàng, tên tuổi bác ấy làm rạng danh dòng họ Nguyễn ở Đồng Tháp Mười này”.

Thanh Dũng

>> Cánh đồng hoang" giữa lòng TP.HCM
>> Bế mạc Tuần văn hóa điện ảnh Việt - Trung
>> Điện ảnh Việt một màu hài
>> Điện ảnh Việt mơ Oscar
>> Điện ảnh Việt vẫn chơi vơi  

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.