>> Theo dấu văn thơ - Kỳ 26: Tướng cướp Bạch Hải Đường
>> Theo dấu văn thơ - Kỳ 25: Hủ tiếu bà Năm Sa Đéc
>> Theo dấu văn thơ - Kỳ 24: Đi tìm nàng Sa Rết
|
Sự ra đời của Sadec Amis
Ông Đinh Công Thanh (78 tuổi), Hội Khoa học lịch sử Sa Đéc (Đồng Tháp), đang dành tâm lực viết các gương nổi tiếng đờn ca tài tử của Sa Đéc xưa cho biết André Thận tức Nguyễn Văn Thận (có sách ghi là Lê Văn Thận) là một công tử xuất thân từ gia đình giàu có ở Sa Đéc (nay là TP.Sa Đéc, Đồng Tháp). Nhưng theo ông Thanh, vì tư liệu về cuộc đời thầy Thận tản mát, con cháu thầy Thận là ai cũng không rõ, còn lớp người biết nhiều về thầy Thận thì cũng nhắm mắt xuôi tay nên để chứng minh lời khẩu truyền thầy Thận là “phá gia chi tử” dẫn đến đói nghèo đúng hay sai còn tốn nhiều công sức.
Nguyễn Văn Thận lớn lên trong gia đình giàu có tại Sa Đéc, thầy tốt nghiệp trung học Chasseloup Laubat ở Sài Gòn, từng đi làm “cò Tàu” cho hãng tàu Tây Messageries Fluviales chạy tuyến Hậu Giang - Nam Vang. Vì yêu thích đờn ca tài tử nên thầy đã hợp tác cùng ban Bảy Đồng và đích thân đứng ra xin phép tắc để hợp thức hóa mọi hoạt động văn nghệ. Từ đây, nhóm đờn ca tài tử hoạt động có giấy phép hẳn hoi với cái tên mới Sadec Amis mà sau đó có người ghép lại đọc sai thành Sadecamis.
Năm 1916 - 1917, thầy Thận xem đoàn xiếc của Mỹ sang Sài Gòn và lưu diễn tại các tỉnh miền Nam đã nảy ra ý hay đem áp dụng cho Sadec Amis. Thầy Thận đã đệm màn phụ diễn như xiếc chen vào màn ca ra bộ nên gánh thầy luôn lôi kéo khán giả. Sau đó thầy trương bảng: Gánh hát thầy Thận Cirque jeune Annam - Ca ra bộ - Sadec Amis.
Trong gánh thầy Thận có nhiều “kỳ nhân” như “người rắn không có xương sống” xếp được hai chân chui được vào ống cống đường kính chừng 5 tấc rồi lộn ra như con rắn; có lực sĩ nằm để xe hơi cán ngang bụng; có nữ nghệ sĩ Mai Hảo với tài đi dây, nhào lộn trên đu chẳng kém các nghệ sĩ xiếc của Tây; lại có nghệ sĩ Tám Danh giỏi võ với biệt tài phóng dao, đánh kiếm... Thời kỳ đó gánh thầy Thận lên Sài Gòn che rạp trước chợ Bến Thành được khán giả chen nhau mua vé.
Dấu ấn 2 chữ “cải lương”
Nhắc về Sa Đéc, ông Thanh tự hào cho biết: “Gánh thầy Thận có công đầu trong buổi ban mai hình thành sân khấu cải lương. Còn chữ cải lương cũng xuất phát tại Sa Đéc trên gánh Tân Thinh với câu chữ treo trên bảng hiệu: Cải cách hát ca theo tiến bộ/Lương truyền tuồng tích sánh văn minh. Chủ gánh là ông Trương Văn Thông, là người Sa Đéc, dựng gánh hát từ năm 1922. Tại Sa Đéc còn ngôi biệt thự xây dựng theo lối cổ của Pháp mà người địa phương quen gọi là biệt thự “Tân Thinh”. Đây là tài sản của gánh Tân Thinh xưa”.
Thầy Thận có ý định bỏ gánh hát để dựng lên một sân khấu cải lương hoàn toàn. Thế nhưng, lực bất tòng tâm nên thầy đã sang gánh hát lại cho bạn là thầy Năm Tú ở Mỹ Tho. Phần đời sau này của thầy Thận ra sao, sống chết sang hèn thế nào hiếm thấy đề cập đến.
Ông Thanh nói thêm, tuy là tài tử nhưng chắc chắn thầy Thận phải có uy tín mới “dời” được hai nhân sĩ từng tham gia phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục là cụ Đặng Thúc Liêng và Trương Duy Toản giúp đỡ. Cụ Toản vì tham gia cứu quốc nên bị Pháp câu lưu ở Cần Thơ theo dõi. Cụ Toản đã lập ra ban nhạc tài tử Ái Nghĩa để ca các bài đơn ca do chính cụ soạn hát chơi trong các thôn xóm. Nghe danh, nhóm Sadec Amis đã mời cụ tới Sa Đéc nhập gánh và cụ Toản nhận lời, cụ đã soạn các bài đơn ca thành liên ca như Bùi Kiệm thi rớt trở về, Kim Kiều hạnh ngộ... phổ theo điệu Tứ đại oán. Gánh thầy Thận rất nổi tiếng, lưu diễn ở các nơi và rất ăn khách ở Sài Gòn, Cần Thơ, Mỹ Tho mà trong đó Lục Vân Tiên, Kim Vân Kiều ăn khách nhất.
Gánh Sadec Amis được vang danh nhờ những bài như Tứ đại oán gồm 5 lớp, trích đoạn lớp nhứt do cụ Toản soạn như sau: Khi từ khi Kiệm thi rớt trở về/Bùi Ông mắng nhiếc nhún trề/Trách quở mắng chàng ham bề vui chơi/Kiệm thưa tài bất thắng thời/Có lẽ nào con không lo bề công danh/Tuổi con hãy còn xuân xanh... Lúc ấy do biểu diễn cách tân nên đông khán giả lắm. Với phương châm người ta nghe đờn ca sướng tai chưa đủ mà phải làm sao coi cho khoái mắt nữa mới hay. Nhóm thầy Thận với chỉ dẫn của cụ Toản đã mạnh dạn tách rời ca sĩ ra khỏi dàn đờn để bắt họ đứng lên, đối diện với nhau và vừa ca vừa ra bộ, làm màu, theo sát tình cảm của từng câu, đoạn ca gọi là ca ra bộ. Sau đó ca ra bộ lớn dần với những bước nghệ thuật kế tiếp là hát chập là hình thức liên ca, ra điệu bộ, được lồng trong các cốt truyện có tình tiết nội dung. Buổi bình minh của sân khấu cải lương khởi điểm từ đây. Trong bài viết Hát bội hay hát bộ học giả Vương Hồng Sển cũng đề cập: “Trở lại tìm hiểu hậu tổ cải - lương là ai, xin cho tôi nhấn mạnh và ghi công cho ông André Thận và ông Mạnh Tự Trương Duy Toản”.
Thanh Dũng
Bình luận (0)