Thép cuộn cán nóng nhập khẩu 'đè' sản xuất trong nước

Mai Phương
Mai Phương
12/10/2024 05:59 GMT+7

Bất chấp Bộ Công thương đang thực hiện điều tra chống bán phá giá, lượng thép cuộn cán nóng (HRC) vẫn ồ ạt nhập khẩu vào VN.

"Báo động đỏ" thép nhập khẩu

Theo Tổng cục Hải quan, lượng thép HRC nhập về VN trong tháng 9 đạt 1,2 triệu tấn, tăng 34% so với tháng 8 và gấp 2,2 lần sản lượng sản xuất trong nước. Tổng cộng 9 tháng năm 2024, VN nhập khẩu gần 8,8 triệu tấn HRC, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước và bằng 171% sản xuất trong nước. Trong đó, lượng sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm 72% với 6,3 triệu tấn, vượt qua số lượng thép HRC của doanh nghiệp sản xuất trong nước với 5,1 triệu tấn.

Thép cuộn cán nóng nhập khẩu 'đè' sản xuất trong nước- Ảnh 1.

Lượng HRC nhập khẩu ồ ạt hơn gấp đôi thép sản xuất trong nước

Ảnh: CTV

Đáng chú ý, số lượng thép HRC nhập từ Trung Quốc chiếm phần lớn hàng hóa vào VN chủ yếu do giá bán từ thị trường này thấp hơn các thị trường khác từ 30 - 70 USD tùy từng loại sản phẩm. Điều này xuất phát từ thực tế Trung Quốc chưa thoát khỏi "khủng hoảng thừa" thép, tiêu thụ nội địa giảm, buộc các nhà sản xuất thép nước này phải đẩy mạnh xuất khẩu thép với giá thấp để giải phóng bớt hàng tồn kho, ảnh hưởng đến ngành thép toàn cầu.

Đáng nói, lượng thép HRC vẫn ồ ạt vào VN ngay thời điểm Bộ Công thương đang điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm có xuất xứ từ Trung Quốc và Ấn Độ. Việc điều tra chống bán phá giá diễn ra trong bối cảnh nhiều nước áp dụng biện pháp phòng vệ đối với sản phẩm HRC. Chẳng hạn như Thái Lan và Indonesia đã áp dụng biện pháp phòng vệ với thép cán nóng Trung Quốc.

Cụ thể, từ năm 2021, Thái Lan áp thuế chống bán phá giá với thép cuộn cán nóng không hợp kim nhập khẩu từ 18 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó mức thuế áp dụng với HRC Trung Quốc là 30,91% để bảo vệ ngành sản xuất thép trong nước. Mới nhất vào đầu tháng 8 vừa qua, Bộ Thương mại nước ngoài Thái Lan đã đưa ra kết luận xác định các biện pháp chống bán phá giá 30,91% cũng sẽ được áp dụng đối với thép cuộn cán nóng hợp kim từ Trung Quốc như một "biện pháp mở rộng" đối với nhóm sản phẩm HRC. Ngoài thuế chống bán phá giá, Thái Lan còn áp dụng thuế tối huệ quốc (MFN) và một số hàng rào, tiêu chuẩn kỹ thuật khác để quản lý lượng thép cuộn cán nóng nhập khẩu và bảo vệ nền sản xuất trong nước.

Việc Thái Lan hay Indonesia đã áp dụng biện pháp chống bán phá giá dù lượng sản xuất thép của những nước này chỉ đáp ứng lần lượt là 43% và 37% nhu cầu tiêu thụ trong nước cho thấy tầm quan trọng của ngành sản xuất thép HRC. Trong khi đó, sản xuất HRC trong nước của VN đã đáp ứng được hơn 70% nhu cầu tiêu thụ nên càng không thể bỏ lơ để hàng nhập khẩu ồ ạt chảy vào.

Đáng lưu ý, trong khi sản phẩm HRC của các doanh nghiệp trong nước bị hàng nhập khẩu "đè" ngay tại thị trường nội địa thì ở bên ngoài cũng bị Liên minh Châu Âu (EU) khởi xướng điều tra chống bán phá giá với một số sản phẩm thép cán nóng có xuất xứ từ Ai Cập, Ấn Độ, Nhật Bản và VN từ đầu tháng 8.

PGS-TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, nhận định lượng thép HRC từ Trung Quốc nhập khẩu gấp 2,2 lần thép sản xuất trong nước thật sự là tình trạng "báo động đỏ". Ngành thép luôn là công nghiệp mũi nhọn, quan trọng với bất kỳ quốc gia nào nên cần phải khuyến khích phát triển, ưu tiên bảo vệ sản xuất trong nước. Chưa kể hệ lụy sẽ vô cùng lớn nếu doanh nghiệp trong nước bị cạnh tranh gay gắt bởi hàng nhập giá rẻ, giảm thị phần, phải thu hẹp sản xuất, người lao động bị mất việc, từ đó tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế chung của cả nước.

Phải vào cuộc nhanh hơn để bảo vệ sản xuất trong nước

Theo quy định, quá trình điều tra chống bán phá giá thép HRC nhập khẩu sẽ diễn ra trong vòng 1 năm. Vì vậy, trong thời gian này, khả năng hàng nhập khẩu vẫn sẽ ồ ạt vào VN, khiến sản xuất trong nước lao đao.

Thép cuộn cán nóng nhập khẩu 'đè' sản xuất trong nước- Ảnh 2.

Thép HRC sản xuất trong nước bị thép nhập khẩu "đè"

Ảnh: CTV

PGS-TS Phan Đăng Tuất, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ VN - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược và chính sách công nghiệp (Bộ Công thương), phân tích: Thép HRC là nguồn nguyên liệu của rất nhiều ngành công nghiệp khác nhau, là ngành sản xuất đầu nguồn rất quan trọng. Trước đây, khi VN chưa sản xuất được thép cán nóng thì phải phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nhập khẩu. Sự tham gia của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp trong nước như Hòa Phát, Formosa đã đưa ngành thép VN vươn lên tầm cao mới, mang tính chủ động hơn.

"Việc đầu tư sản xuất HRC đòi hỏi nguồn vốn rất lớn bởi cần phải có quy mô và công nghệ cao. Đây là điều đáng mừng và cho thấy ngành công nghiệp quan trọng của VN đã phát triển mạnh. Hơn nữa, ngay các sản phẩm khác như thép cán nguội, tôn mạ màu, thép không gỉ… đều có biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng nhập khẩu bán phá giá. Vậy sản phẩm HRC là nguyên liệu chính để sản xuất các mặt hàng trên cần phải được áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại", ông Tuất nói và nhấn mạnh: Tình trạng thép HRC ồ ạt nhập khẩu vào VN và có dấu hiệu bán phá giá ngày càng rõ. Bộ Công thương đang mở cuộc điều tra chống bán phá giá và sẽ tùy thuộc kết quả điều tra để đưa ra mức thuế cụ thể. Nhưng quan điểm của Chính phủ luôn phải được thể hiện rõ là bảo vệ sản xuất trong nước, nhất là sản xuất thượng nguồn của ngành thép vốn là xương sống của một nền kinh tế. Điều này không chỉ bảo vệ sản xuất hiện hữu mà còn góp phần thúc đẩy sản xuất, gia tăng đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long thẳng thắn cho rằng thép là ngành công nghiệp xương sống, tác động đến nhiều ngành kinh tế khác nhau. VN hiện đã có những nhà máy lớn hàng đầu khu vực, không những đáp ứng đủ nhu cầu trong nước mà còn đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang những nước phát triển. Nếu "thả cửa" cho thép nhập khẩu ồ ạt, có hiện tượng bán phá giá, cạnh tranh không lành mạnh thì có thể sẽ giết chết ngành thép trong nước. Bởi dù đầu tư cực kỳ lớn để sản xuất HRC nhưng sản phẩm này chỉ bán cho các đơn vị sản xuất hạ nguồn. Nếu như không tiêu thụ được, doanh nghiệp cũng không thể giảm giá để bán ra thị trường như các sản phẩm tiêu dùng khác. Vì vậy, trong thời gian chờ kết luận điều tra chống bán phá giá của Bộ Công thương, các ngành liên quan phải tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động nhập khẩu thép HRC. Cụ thể, lực lượng hải quan phải siết chặt việc nhập khẩu theo đúng quy định. Song song đó, quản lý thị trường tăng cường thanh kiểm tra xem hoạt động bán hàng, tiêu thụ sản phẩm này với chứng từ hàng hóa có đúng quy định hay chưa…

"Việc thép cán nóng tiếp tục nhập khẩu ồ ạt vào VN, bất chấp ngành chức năng đang tiến hành điều tra chống bán phá giá là thực tế đáng báo động. Cơ quan quản lý nhà nước cần vào cuộc nhanh hơn, có biện pháp bảo vệ lợi ích chính đáng của sản xuất trong nước, đảm bảo việc làm cho hàng ngàn lao động và tạo lập môi trường cạnh tranh công bằng cho các doanh nghiệp", chuyên gia Ngô Trí Long chia sẻ thêm.

Sản phẩm HRC là nguồn nguyên liệu đầu vào quan trọng nhất cho các ngành sản xuất, chế tạo, đặc biệt là các ngành như cơ khí, công nghiệp đóng tàu, sản xuất ô tô xe máy, sản xuất đồ gia dụng, công nghiệp quốc phòng, công nghiệp khai khoáng, công nghiệp điện… nên các nước đều áp dụng chính sách bảo vệ sản xuất trong nước. Từ năm 2010 đến nay, trên thế giới đã có 27 vụ việc yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá với thép HRC và tỷ lệ áp thuế là 100%.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.