Nhu cầu của khách rất cao, đặc biệt là trong việc tạo ra những bức tranh thêu chân dung thú cưng, khiến đôi bạn làm không kịp thở.
Ngọc Anh cho biết ý tưởng ban đầu của chị rất đơn giản. Chị có nuôi hai con mèo và thích làm đồ thủ công, nên nghĩ đến việc thêu hình ảnh con vật này lên áo để làm kỷ niệm và tiện thể mặc ra đường khoe thú cưng. Tuy nhiên, sau một thời gian tìm kiếm, Ngọc Anh thất vọng khi không tìm được xưởng thêu nào chuyên nhận thiết kế, vẽ hình ảnh thú cưng mà chỉ có hình hoa lá hoặc những hình thêu hoành tráng như: rồng, phượng. Ngọc Anh bắt đầu bắt tay vào việc tìm hiểu và tự thêu.
Cùng với sự hỗ trợ của đồng đội, Ngọc Anh đã biến ý tưởng này thành một cơ hội để kinh doanh vào đầu năm 2023. Đôi bạn dành thời gian, công sức để học hỏi về công nghệ thêu máy và cách thiết kế hình ảnh sao cho sinh động, chân thực. Khi nhận được hình của khách, đôi bạn sẽ thiết kế rồi sau đó tiến hành thêu.
Ngọc Anh tự tin sản phẩm đều có đường nét thêu mềm mại, có hồn không thua gì thêu tay. Mỗi khâu Ngọc Anh đều hướng tới sự hoàn hảo để tạo ra hình thêu đẹp và giống nhất. Một hình thêu không đạt mức yêu cầu Ngọc Anh đều phải sửa lên, sửa xuống cho đến khi nào thành được phiên bản đẹp nhất mới thôi.
"Tiệm tụi mình có một số đơn hàng đặt thêu người đã khuất hay những con thú cưng đã qua đời. Đây là những bức tranh thêu đặc biệt nên tụi mình cố gắng chăm chút tỉ mỉ nhất có thể. Khi nhận được tranh, nhiều khách đã bật khóc và cảm ơn vì tụi mình đã tái hiện những hình thêu có… hồn. Cảm xúc đó rất khó tả. Tụi mình vừa vui khi khách hài lòng với tranh, cũng vừa có chút buồn man mác, đồng cảm với họ", Ngọc Anh kể.
Bức tranh mà Ngọc Anh nhớ nhất là hình "cún cưng" của người bạn thân. Đây là một trong những hình đầu tiên mà tiệm chị thêu. Gần đây, "cún cưng" này mới mất. Chiếc áo chị thêu tặng người bạn ấy lại mang thêm một ý nghĩa khác.
Mỗi tuần, cả hai nhận khoảng 15 - 20 đơn hàng, trị giá từ 900.000 đồng đến 5 triệu đồng/đơn, dựa vào độ chi tiết, phức tạp cũng như yêu cầu của khách. Có tháng nhận hơn 100 đơn. Thế nhưng, nhu cầu của khách nhiều hơn con số ấy khiến cả hai vất vả trong việc tìm thêm nhân sự.
Tuấn Anh cho biết mỗi bức tranh thêu đều chứa đựng câu chuyện, thông điệp riêng của chính khách hàng, gợi nhớ kỷ niệm và kết nối tình cảm. Vì thế, cả hai cố gắng thể hiện những câu chuyện ấy qua đường kim mũi chỉ, hy vọng rằng khách sẽ cảm nhận được tâm huyết của mình khi nhận tranh.
"Tụi mình mong rằng bức tranh thêu có thể mang lại những cảm xúc tích cực cũng như sự tâm đắc cho mọi người mỗi khi ngắm nhìn. Đây không chỉ là một món đồ trang trí thông thường, mà còn là trải nghiệm cảm xúc sâu sắc cho người xem", Tuấn Anh nói.
Trong khi đó, Ngọc Anh cho rằn, chị làm vì sở thích nên lúc nào cũng thấy vui. Công việc đơn giản này không chỉ giúp tạo ra niềm vui cho khách, mà còn giúp cả hai có thêm một nguồn thu nhập.
Bình luận (0)