CAM KẾT MỘT ĐƯỜNG, LÀM MỘT NẺO
"Đường chỉ rộng 5 m mà hằng ngày có cả trăm lượt xe ben qua lại từ sáng đến tối, một số xe còn chạy nhanh, vượt ẩu. Bụi bẩn một phần, đường hư một phần, nhưng lo nhất là việc mất an toàn cho bà con, các em học sinh khi di chuyển trên đường", ông Nguyễn Tiến Mẫn, nhà ở mặt đường dân sinh dài 2 km đi qua thôn Vĩnh An (xã Cam Hiếu, H.Cam Lộ, Quảng Trị), than thở.
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, gói thầu xây lắp XL02, dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Vạn Ninh - Cam Lộ qua xã Cam Hiếu trước đây chưa có đường công vụ phục vụ quá trình thi công do vướng mặt bằng. Để đảm bảo tiến độ, tháng 12.2023, Công ty CP giao thông xây dựng số 1 (nhà thầu) đề xuất UBND xã Cam Hiếu tạo điều kiện để các phương tiện vận chuyển nguyên vật liệu, đất thải phục vụ dự án sử dụng tuyến đường dân sinh qua thôn Vĩnh An. Nghĩ về cái chung cho dự án trọng điểm, người dân thôn Vĩnh An đã đồng ý.
Nhưng rất nhiều hệ lụy đã xảy ra với 400 hộ dân ở đây sau cái "gật đầu" đó. Cụ thể, dù khi mượn đường đơn vị thi công cam kết không làm ảnh hưởng đến người dân; nhà thầu cũng sẽ có trách nhiệm đền bù nếu ảnh hưởng đến công trình dân sinh và sẽ nâng cấp, sửa chữa tuyến đường sau khi hoàn thành thi công. Tuy nhiên, trên thực tế, lưu lượng phương tiện qua lại nhiều và liên tục đã gây ô nhiễm bụi, nứt các công trình, hư hỏng đường, mất an toàn giao thông...
Ông Hoàng Công Nguyên, Trưởng thôn Vĩnh An, cho rằng sự bức xúc của người dân là dễ hiểu, vì nhà thầu cam kết một đường lại làm một nẻo. Nhiều tháng qua, người dân thôn Vĩnh An phải chịu cảnh ăn không ngon ngủ không yên vì xe ben chạy rầm rập trong làng. Chưa kể các hạng mục trong Chương trình xây dựng nông thôn mới trên tuyến đường này được địa phương xây dựng và chăm sóc lâu nay giờ gần như hư hỏng hết. Người dân đã nhiều lần phản ánh, thậm chí chặn các xe thi công để phản đối. "Cứ sau mỗi lần người dân chặn xe phản đối thì phía nhà thầu chấp hành cam kết có tốt hơn, nhưng sau đó lại không thực hiện", ông Nguyên bực dọc nói.
TIẾP THU NHƯNG KHÔNG SỬA SAI
Ông Mai Chiếm Hiệp, Chủ tịch UBND xã Cam Hiếu, cho biết khi xảy ra sự việc chặn xe, chính quyền địa phương vẫn động viên người dân tạo điều kiện cho đơn vị thi công đảm bảo tiến độ dự án cao tốc, nhưng cũng kiến nghị nhà thầu tiếp thu các ý kiến phản ánh, khẩn trương khắc phục các điểm hư hỏng, lún đường. Đồng thời sớm có phương án đền bù đối với các hộ bị nứt nhà và công trình dân sinh do việc vận chuyển vật liệu gây ảnh hưởng; bố trí tổ điều hành hướng dẫn phân luồng xe đảm bảo an toàn khi qua lại trên tuyến... Tuy nhiên, theo ông Hiệp, trên thực tế việc tiếp thu ý kiến và thực hiện các cam kết của nhà thầu và đơn vị thi công chưa đảm bảo.
Lãnh đạo UBND H.Cam Lộ cũng cho rằng việc người dân bức xúc là chính đáng, trước mắt yêu cầu nhà thầu phải tôn trọng và thực hiện đúng các cam kết trong đảm bảo an toàn về giao thông, môi trường khi sử dụng tuyến đường qua thôn Vĩnh An.
Đáng nói, trước đây viện lý do mặt bằng chưa bàn giao, chưa làm được đường công vụ nên nhà thầu xin "đi ké" đường làng. Tuy nhiên, từ ngày 20.4 đến nay toàn bộ mặt bằng của tuyến chính dự án cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ dài hơn 6,5 km đã được H.Cam Lộ bàn giao cho chủ đầu tư, nhưng tình trạng "đi ké" vẫn diễn ra. Vì thế, ngày 6.5, người dân sống dọc tuyến đường làng tiếp tục đặt vật cản, thậm chí ngồi canh để ngăn không cho đoàn xe phục vụ thi công cao tốc đi qua. "Chúng tôi đã có văn bản đề nghị nhà thầu chấm dứt việc vận chuyển đất phong hóa dư thừa và vật liệu thi công trên đường dân sinh thôn Vĩnh An từ ngày 4.5; triển khai thu dọn đất rơi vãi trên mặt đường, khắc phục triệt để các điểm hư hỏng", ông Hiệp thông tin.
Theo Ban quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh (chủ đầu tư cao tốc), sau khi nhận được phản ánh của UBND xã Cam Hiếu và văn bản đề nghị của người dân thôn Vĩnh An, đơn vị đã gửi văn bản đôn đốc phía nhà thầu khẩn trương khắc phục, giải quyết vấn đề. Trong khi cuộc sống của hàng trăm hộ gia đình bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhà thầu vẫn chỉ "tiếp thu" ý kiến, còn thực tế thì chưa thực hiện. Kể cả khi phương tiện của nhà thầu thôi chạy vào đường làng, họ vẫn còn rất nhiều việc phải làm, nhất là khắc phục hậu quả, trả lại nguyên trạng con đường.
Bình luận (0)