Thi đánh giá năng lực: Ít thí sinh điểm cao, có nên thi tiếp đợt 2?

Ngọc Long
Ngọc Long
15/04/2024 15:49 GMT+7

Sau khi ĐH Quốc gia TP.HCM công bố phổ điểm thi đánh giá năng lực đợt 1, các chuyên gia đã có những phân tích liên quan và lời khuyên cho thí sinh trước khi 'chốt' đăng ký thi tiếp đợt 2.

 

Chi tiết phổ điểm thi đánh giá năng lực đợt 1 năm 2024

Chi tiết phổ điểm thi đánh giá năng lực đợt 1 năm 2024

ĐH QUỐC GIA TP.HCM

Nhận xét về phổ điểm

Sáng 15.4, ĐH Quốc gia TP.HCM công bố điểm thi đánh giá năng lực đợt 1 năm 2024 của gần 94.000 thí sinh, với điểm trung bình là 643,4/1.200, 80 bạn đạt trên 1.000 điểm. Điểm thi cao nhất là 1.076, thấp nhất là 203. Dải điểm trải rộng thể hiện khả năng phân loại cao, thuận lợi cho xét tuyển, theo tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo (ĐH Quốc gia TP.HCM).

Nhận xét về phổ điểm thi đánh giá năng lực đợt 1, thầy Đặng Duy Hùng, quản lý hệ thống luyện thi đánh giá năng lực Lasan - Helius Education (TP.HCM), cho biết số lượng thí sinh đạt điểm cao trong năm 2024 ít hơn hẳn cùng kỳ năm trước. Bởi, 2023 ghi nhận 152 bạn đạt trên 1.000 điểm trong đợt 1, gần gấp đôi so với con số 80 của năm 2024. "Phổ điểm năm nay tập trung nhiều ở mốc 600-700", thầy Hùng lưu ý.

Cũng theo thầy Hùng, đây là phổ điểm đẹp, không "lạm phát" điểm dù các khóa ôn thi đánh giá năng lực không ngừng nở rộ thời gian qua. Điều này giúp phân loại tốt thí sinh và khả năng cao khiến điểm chuẩn xét tuyển vào các trường vẫn giữ ổn định hoặc không quá chênh lệch. "ĐH Quốc gia TP.HCM cần duy trì độ khó của đề thi đợt 2 tương đương với đợt 1 để đảm bảo tính công bằng", thầy Hùng nhận định.

Đồng tình, thạc sĩ Bùi Văn Công, giáo viên luyện thi đánh giá năng lực trực tuyến tại TP.HCM, cho biết dù số thí sinh tăng khoảng 5.000 nhưng số bạn đạt điểm cao lại giảm nhiều. Không chỉ ở mức trên 1.000, số lượng thí sinh đạt mốc từ 901-1.000 điểm trong đợt 1 cũng giảm 345 bạn so với cùng kỳ năm trước. Còn ở mức 801-900 điểm, số lượng thí sinh ở 2 năm tương đương nhau.

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực đợt 1 tại Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) hôm 7.4

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực đợt 1 tại Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) hôm 7.4

NHẬT THỊNH

"Số thí sinh đạt 701-800 điểm lại tăng cao so với năm trước, khoảng 2.500 bạn. Xu hướng tăng cũng diễn ra tương tự ở mức 601-700 điểm, nhưng cần lưu ý là không nhiều trường ĐH xét tuyển dưới 700 điểm nên thí sinh đạt mốc này gần như không có cơ hội cạnh tranh vào ngành tốt. Ngược lại, số thí sinh đạt 900 - trên 1.000 giảm nên điểm chuẩn những ngành thường lấy mức điểm này có thể giảm nhẹ để tuyển sinh", thầy Công nói.

Cạnh tranh gay gắt nhất, theo thầy Công, nằm ở khoảng điểm 701-800 vì đây là mức điểm mà hầu hết các trường dùng để xét tuyển cho nhiều ngành học. Trong khi đó, số thí sinh tăng nhưng chất lượng thì chỉ tăng tương đối, dưới mốc 800 là chính, khiến phổ điểm hơi lệch phải và cân bằng hơn. "Như vậy, những thí sinh thi đánh giá năng lực đạt trên 900 có khả năng cao 'chắc suất' vào ngành mình yêu thích.

Kết quả thi đánh giá năng lực ĐHQG-HCM đợt 1: 80 thí sinh trên 1.000 điểm

Khi nào cần thi tiếp đợt 2?

Sau khi nhận được kết quả thi đánh giá năng lực, không ít thí sinh đã lên kế hoạch thi tiếp đợt 2 vào ngày 2.6 để cải thiện điểm, tăng khả năng cạnh tranh vào nguyện vọng mình yêu thích. Như L.Đ, học sinh Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (TP.HCM), chỉ được hơn 730 điểm, chưa đạt mức ít nhất 800 điểm mà em đặt ra để ứng tuyển ngành kỹ thuật ô tô Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM).

Tuy nhiên, trước khi "chốt" thi đánh giá năng lực đợt 2, thí sinh cần xác định rõ sẽ dùng kết quả kỳ thi nào để xét tuyển vào các trường, như đánh giá năng lực hay tốt nghiệp THPT, theo thạc sĩ Bùi Văn Công. Bởi, mỗi kỳ thi có một yêu cầu riêng về độ khó, số lượng môn thi, thời gian thi..., và sẽ không hiệu quả nếu thí sinh ôn luyện cùng lúc cho cả 2 kỳ thi khác nhau, thay vì tập trung cao độ cho một kỳ thi.

Thí sinh sau khi hoàn thành bài thi đánh giá năng lực đợt 1 tại Trường ĐH Văn Lang

Thí sinh sau khi hoàn thành bài thi đánh giá năng lực đợt 1 tại Trường ĐH Văn Lang

NGỌC LONG

Đồng thời, thầy Công cho rằng những thí sinh có kết quả cao hơn điểm chuẩn năm 2023 từ 50 điểm trở lên sẽ tương đối an toàn. Nếu chỉ ở mức ngang bằng, người học có thể cân nhắc thi tiếp đợt 2 để nâng tỷ lệ cạnh tranh. "Trong trường hợp thấp hơn đến 100 điểm trở lên, thí sinh rất khó để bứt phá và nên tập trung vào kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra vào cuối tháng. Điều này tương tự với những bạn thi dưới 700 điểm", thạc sĩ Công lưu ý.

Đinh Hữu Nghiêm, thủ khoa Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM năm 2022 theo phương thức đánh giá năng lực với số điểm 1.009, cho biết sau khi đăng ký thi tiếp đợt 2, thí sinh cần tự đánh giá lại những điểm hạn chế của bản thân, từ đó tập trung cải thiện trong thời gian hơn một tháng. Tuy nhiên, nếu không đủ tự tin có thể đạt điểm cao hơn, hãy hoàn toàn chú trọng vào kỳ thi tốt nghiệp THPT, Nghiêm nói.

Năm nay, dự kiến hơn 100 trường ĐH, CĐ đăng ký sử dụng kết quả kỳ thi để xét tuyển một phần chỉ tiêu. Riêng ĐH Quốc gia TP.HCM dành tối thiểu 45% tổng chỉ tiêu xét tuyển bằng phương thức thi đánh giá năng lực. Từ ngày 16.4 đến 7.5, thí sinh bắt đầu đăng ký nguyện vọng xét tuyển bằng điểm thi đánh giá năng lực 2024.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.