Thí điểm giao rừng đặc dụng cho doanh nghiệp ngoài nhà nước quản lý

24/12/2021 14:39 GMT+7

Ngày 24.12, Bộ NN-PTNT, Tổng cục Lâm nghiệp cùng với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức diễn đàn trực tuyến: “Giải pháp phát triển sinh kế bền vững tại vùng đệm một số khu bảo tồn, vườn quốc gia” nhằm phát huy hiệu quả kinh tế rừng.

Thu hoạch vỏ quế cho thu nhập cao

mạnh cường

Phát triển kinh tế rừng trong thời gian qua rất được Chính phủ và các tổ chức quốc tế quan tâm, dành nhiều sự hỗ trợ. Tại hội thảo, Ban Quản lý các dự án lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT) cho biết hiện tại Ban đang chuẩn bị 16 chương trình và dự án mới liên quan đến “Thúc đẩy phát triển sinh kế bền vững cho cộng đồng dân cư sống phụ thuộc vào rừng” với tổng mức vốn dự kiến khoảng 300 triệu USD do các tổ chức quốc tế tài trợ và cho vay ưu đãi.

Bộ NN-PTNT cũng cho biết đang trình Chính phủ dự thảo nghị định mới về một số chính sách đầu tư trong lâm nghiệp, trong đó, mức hỗ trợ kinh phí để phát triển sinh kế người dân sinh sống tại vùng đệm tối thiểu là 50 triệu đồng/cộng đồng dân cư/năm (tăng hơn so với mức cũ là 40 triệu đồng/năm); lồng ghép các chương trình như xây dựng nông thôn mới, chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 để hỗ trợ vùng đệm.

Theo báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp, một số loài lâm sản ngoài gỗ hiện nay có diện tích trồng lớn và có sản lượng khai thác đạt giá trị cao như: Quế có diện tích lên tới 137.000 ha, sản lượng khai thác ước đạt 32.000 tấn vỏ khô/năm; thảo quả có diện tích 35.500 ha, sản lượng khai thác ước đạt 5.300 tấn quả khô/năm; Ba kích có sản lượng khai thác đạt 650 tấn củ tươi/năm... Một số loài dược liệu khác cũng cho sản lượng và giá trị cao như đảng sâm, đương quy, hồi... hiện nay đã hình thành nên nhiều vùng chuyên canh giá trị ước đạt trên 3.300 tỉ đồng/năm. Nhiều sản phẩm lâm sản ngoài gỗ năm 2021 đã đạt kim ngạch xuất khẩu cao như mây, tre xấp xỉ 900 triệu USD, xuất khẩu quế, hồi đạt xấp xỉ 300 triệu USD...

Thời gian qua kinh tế ở vùng đệm các vườn quốc gia đã có nhiều mô hình phát triển lâm sản ngoài gỗ nhằm nâng cao thu nhập cho người dân. Cụ thể như mô hình trồng cây lâm sản ngoài gỗ làm dược liệu (ba kích, kim tiền thảo, hà thủ ô, sa nhân tím, đinh lăng, khôi tí, đảng sâm, đương quy...) tại các tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Hòa Bình, Sơn La, Gia Lai, Đắk Nông; mô hình trồng cây lâm sản ngoài gỗ làm thực phẩm (mắc ca, sơn tra, tre bát độ, quế, trám ghép, giổi ăn hạt...) tại các tỉnh: Hòa Bình, Tuyên Quang, Lào Cai, Thanh Hóa, Phú Yên; mô hình trồng cây lâm sản ngoài gỗ làm nguyên liệu như cây mây, cây luồng... được triển khai tại các tỉnh: Bắc Kạn, Quảng Ninh, Hòa Bình, Phú Thọ, Thanh Hóa... Ngoài ra, một số vườn quốc gia như Ba Vì, Nam Cát Tiên cũng đang khai thác tốt mô hình du lịch sinh thái để tăng thu nhập cho người dân sinh sống tại vùng đệm.

Theo Bộ NN-PTNT, định hướng trong thời gian tới là các ban quản lý rừng cần chủ động tạo nguồn thu ngoài ngân sách như phát triển du lịch sinh thái, cho thuê dịch vụ môi trường rừng, chi trả dịch vụ môi trường rừng; nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế cho người dân vùng đệm; xã hội hóa công tác bảo vệ, phát triển rừng đặc dụng, huy động các nguồn lực ngoài nhà nước cho phát triển rừng và bảo tồn đa dạng sinh học; thí điểm giao rừng đặc dụng cho doanh nghiệp ngoài nhà nước quản lý, gắn với trách nhiệm bảo vệ rừng và phát triển vùng đệm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.