Thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài tại Việt Nam, vì sao ở mức thấp?

Ngân Nga
Ngân Nga
17/06/2023 16:32 GMT+7

Để phán quyết của trọng tài nước ngoài có giá trị pháp lý và có hiệu lực thi hành tại Việt Nam, phải được tòa án ở Việt Nam công nhận và cho thi hành.

Ngày 17.6, Sở Tư pháp TP.HCM phối hợp Đoàn luật sư TP.HCM tổ chức hội nghị bồi dưỡng nghiệp vụ luật sư năm 2023 với chủ đề "Công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài tại Việt Nam".

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Thành Băng, Trưởng phòng Bổ trợ tư pháp (Sở Tư pháp TP.HCM) cho biết, theo nguyên tắc chủ quyền quốc gia thì phán quyết của trọng tài nước nào sẽ chỉ có hiệu lực và được thi hành trong phạm vi lãnh thổ của quốc gia đó. 

Vì vậy, phán quyết của trọng tài nước ngoài muốn có giá trị pháp lý và có hiệu lực thi hành tại Việt Nam, thì phải được tòa án có thẩm quyền của Việt Nam công nhận và cho thi hành.

Những điều cần biết về thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài tại Việt Nam - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Thành Băng

STP

"Nhà nước rất coi trọng vấn đề công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài trên cơ sở các cam kết quốc tế, các điều ước quốc tế mà chúng ta tham gia. Điều này thể hiện qua nội dung các hiệp định tương trợ tư pháp, mà Việt Nam đã ký kết với các nước từ năm 1980 đến nay và tham gia Công ước New York năm 1958 về công nhận và thi hành các quyết định của trọng tài nước ngoài", ông Băng nhấn mạnh.

Theo ông Băng, đối với các cá nhân, tổ chức Việt Nam thì việc công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài tại Việt Nam không những bảo đảm việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của họ trên lãnh thổ Việt Nam mà còn cả trên lãnh thổ của nước ngoài theo nguyên tắc có đi có lại.

Theo thông tin mà thẩm phán Đỗ Quốc Đạt (Chánh tòa Kinh tế, TAND TP.HCM) cung cấp, từ tháng 2.2012 đến tháng 9.2019 (của 55/66 tòa án thực hiện báo cáo) có 33 yêu cầu công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài không được tòa án thụ lý giải quyết.

Có 84 vụ việc thu thập được các quyết định giải quyết và đưa ra kết quả giải quyết, tập trung ở các tòa án Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương, Long An, trong đó 39 vụ việc được công nhận và cho thi hành, 33 vụ việc không được công nhận, 12 vụ việc đình chỉ giải quyết.

Tòa án không công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài tại Việt Nam thường do: các bên tham gia thỏa thuận trọng tài không có năng lực để ký thỏa thuận; cá nhân, tổ chức có nghĩa vụ thi hành không được thông báo kịp thời các thông tin hoặc không thể tham gia thực hiện quyền tố tụng của mình với lý do chính đáng; việc công nhận và cho thi hành là trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam.

Những điều cần biết về thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài tại Việt Nam - Ảnh 2.

Thẩm phán Đỗ Quốc Đạt

STP

Từ đó, thẩm phán Đỗ Quốc Đạt cho rằng, những bất cập nêu trên xuất phát từ 3 nguyên nhân.

Thứ nhất, chưa có văn bản hướng dẫn thống nhất về xác định người phải thi hành, nguyên tắc có đi có lại, căn cứ hủy phán quyết và từ chối công nhận do vi phạm nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam.

Thứ hai, cách hiểu và áp dụng công ước của các tòa án không được thống nhất. Có tòa án sẽ đánh giá quyết định của trọng tài nước ngoài so với quy định của công ước và bộ luật Tố tụng dân sự. Thế nhưng cũng có tòa án lại không đề cập gì đến công ước hoặc có tòa án chỉ nhắc đến tên công ước mà không có phân tích gì thêm.

Thứ ba, công tác tổng kết, rà soát, đánh giá, đôn đốc việc công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài cũng như thực hiện công ước chưa được quan tâm đúng mức.

Những điều cần biết về thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài tại Việt Nam - Ảnh 3.

Các tranh chấp được giải quyết bằng trọng tài nước ngoài ở Việt Nam chủ yếu là các tranh chấp thương mại giữa các tổ chức, doanh nghiệp

STP

Theo thống kê của Bộ Tư pháp (tính từ tháng 1.2012 đến tháng 9.2019), có 84 đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam. Ông Trần Duy Cảnh (trọng tài viên thương mại Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam) cho rằng, sau gần 30 năm công ước có hiệu lực thi hành tại Việt Nam, tỷ lệ công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài ở Việt Nam vẫn ở mức thấp.

Do đó, theo ông Cảnh để nâng cao hiệu quả, khi giải quyết đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài, tòa án cần tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc "không xét xử lại nội dung tranh chấp". Nói cách khác, tòa án không nên tiến hành phiên họp xét đơn như một phiên xử "phúc thẩm" các bản án sơ thẩm kinh doanh thương mại.

Về yêu cầu thi hành án đối với phán quyết trọng tài nước ngoài, theo ông Phan Văn Thụy, Phó trưởng phòng Nghiệp vụ 1 (Cục Thi hành án dân sự TP.HCM), cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh là cơ quan có thẩm quyền tổ chức thi hành các phán quyết của trọng tài nước ngoài.

Hiện nay, các tranh chấp được giải quyết bằng trọng tài nước ngoài ở Việt Nam chủ yếu là các tranh chấp thương mại giữa các tổ chức, doanh nghiệp. "Trường hợp người yêu cầu thi hành án là tổ chức, doanh nghiệp thì về nguyên tắc, đơn yêu cầu thi hành án phải do người đại diện theo pháp luật của tổ chức, doanh nghiệp đó ký. Theo bộ luật Dân sự về đại diện của pháp nhân thì có 2 hình thức đại diện, gồm đại diện theo pháp luật và đại diện theo ủy quyền", ông Thụy lưu ý.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.