Dù có cơ hội cải thiện điểm IELTS mà không cần phải thi lại cả 4 kỹ năng nhưng tôi không khỏi lo lắng vì vẫn có khả năng điểm không thay đổi hoặc thậm chí giảm.
Thi lại vì có khả năng tăng điểm
So với lần thi IELTS đầu hồi tháng 10, lần thi lại kỹ năng nói vào đầu tháng 12 có phần nhẹ nhàng hơn vì tôi chỉ cần chuẩn bị cho thi nói, thay vì ôn cả 4 kỹ năng. Tuy nhiên, trong 2 tháng ôn thi lại, tôi gần như luyện nói liên tục, ở cả những chủ đề mình không hứng thú, dẫn đến cảm giác chán ngán mỗi khi luyện tập.
Nhìn chung, quy trình thi lại một kỹ năng IELTS (OSR) gần như tương tự thi 4 kỹ năng, chỉ khác ở khâu thao tác khi đăng ký và đóng mức lệ phí thấp hơn. Còn lại, quá trình thi từ lúc đến trung tâm khảo thí làm thủ tục đến khi làm bài đều giống lần thi đầu tiên. Và chưa đầy 2 ngày sau thi lại, tôi đã nhận được kết quả qua email. Bên cạnh bảng điểm cũ, tôi cũng được cấp bảng điểm thi mới, gồm điểm thi lại kỹ năng nói và điểm 3 kỹ năng còn lại trong lần thi đầu tiên.
Chỉ cần tăng 0.5 điểm ở một kỹ năng trong lần thi lại là đạt yêu cầu và thế là tôi đã đạt mốc mong muốn. OSR giúp tôi cải thiện điểm một kỹ năng nói riêng, và điểm tổng nói chung.
Tương tự, nhận thấy khả năng tăng điểm, chị Võ Thục Phương, Giám đốc kiêm sáng lập Trung tâm ngoại ngữ Roomie Study (TP.HCM), đã thi lại kỹ năng nói hồi tháng 5. "Vì chỉ thiếu 0.125 điểm để đạt 8.0 IELTS nên tôi đã chọn thi OSR để giúp nâng điểm tổng và tiết kiệm chi phí. Tôi chọn kỹ năng nói cũng bởi vì lần thi đầu đã phạm phải một số lỗi như nói vấp, tâm lý bị ảnh hưởng...", chị Phương nói.
Sau thi lại, chị Phương đạt 7.5 với kỹ năng nói và đạt 8.0 IELTS.
Để chuẩn bị thi lại kỹ năng nói, chị Phương nói chỉ ôn tập những gì đã học thay vì nạp thêm kiến thức mới. Chị Phương cho biết thêm: "Hôm trước thi, tôi làm những việc mang lại sự thoải mái như xem phim, xem chương trình bằng tiếng Anh như The Ellen Show. Đến ngày thi, tôi tưởng tượng bản thân là nhân vật và giám khảo là Ellen Degeneres, nhờ vậy mình có thể nói chuyện một cách thư thái".
Hồ Thanh Thảo, sinh viên ngành ngôn ngữ Anh, Trường ĐH Tôn Đức Thắng đạt 7.5 trong lần thi lại kỹ năng đọc, qua đó điểm IELTS cũng tăng lên 7.5, so với điểm ban đầu là 7.0. Thảo chọn làm lại bài thi đọc với lý do "có thể làm chủ bài thi này tốt hơn".
"Đơn cử, với phần nghe, băng ghi âm chỉ phát một lần, yêu cầu thí sinh tập trung cao và phản xạ nhanh; hơn nữa, tốc độ nói trong bài nghe IELTS khá nhanh, khiến mình dễ bỏ lỡ thông tin quan trọng. Trong khi đó, mình có thể chủ động hơn khi làm bài kỹ năng đọc, chẳng hạn như tự điều chỉnh tốc độ đọc, đọc lại những đoạn khó hiểu", Thảo chia sẻ.
Đâu là phương án cải thiện điểm IELTS tối ưu?
Thạc sĩ Phạm Nguyễn Quỳnh Anh, Giám đốc học thuật tại The IELTS Workshop, cho biết thí sinh nên thi lại một kỹ năng trong trường hợp chưa đạt điểm như mong muốn, trong đó điểm kỹ năng muốn thi lại thấp hơn 0.5-1.0 hay khi điểm IELTS thấp hơn 0.5 so với mục tiêu, khả năng.
Còn với trường hợp điểm thi một kỹ năng cách mục tiêu từ 1.5 điểm thì thí sinh nên suy nghĩ kỹ, hoặc cân nhắc thi lại toàn bộ 4 kỹ năng, theo thạc sĩ Quỳnh Anh. "Các nghiên cứu về IELTS cho thấy với tần suất học bình thường khoảng 2 tiếng/ngày, người học mất 3 tháng để tăng 0.5 điểm ở bất kỳ kỹ năng nào; trong khi những ai chịu dành nhiều thời gian học hơn mức bình thường có thể tăng 1.0 điểm. Trong khi đó, thời gian được cho phép thi lại là 60 ngày. Để có thể tăng 1.5 điểm ở bất kỳ kỹ năng nào trong 2 tháng đều thách thức", thạc sĩ Quỳnh Anh nhận định.
Trong khi đó, thạc sĩ Khưu Hoàng Nhật Minh, Giám đốc điều hành tại Minh Khuu Academy, chuyên gia luyện thi IELTS tại TP.HCM, cho rằng với kỹ năng nói và viết, thí sinh nên cân nhắc phúc khảo trước khi thi lại một kỹ năng.
"Trước phúc khảo, thí sinh cần trình bày phần thể hiện trong ngày thi với giáo viên và nhờ họ đánh giá khả năng tăng điểm. Thí sinh chỉ nên thi lại nếu giáo viên gợi ý không thể tăng điểm từ phúc khảo, hoặc đã phúc khảo và không tăng điểm", thạc sĩ Minh chia sẻ. Cũng theo thạc sĩ Minh, kết quả các kỹ năng nghe, đọc thường ít có sai sót, nên nếu điểm của những kỹ năng này chưa như mong muốn thì thí sinh có thể chọn thi lại.
Bên cạnh đó, liên quan đến việc nộp kết quả thi lại một kỹ năng, thạc sĩ Minh lưu ý: "Một số ĐH trên thế giới vẫn chưa chấp nhận kết quả thi OSR. Thí sinh cần kiểm tra thông tin này trên website chính thức của trường muốn ứng tuyển trước khi nộp kết quả thi lại. Ngoài ra, thí sinh cũng cần cân nhắc vấn đề chi phí".
Những điều cần biết về tính năng thi lại một kỹ năng IELTS
IELTS One Skill Retake, hay OSR, là tính năng cho phép thí sinh thi lại một kỹ năng, ra mắt lần đầu tại Úc vào cuối năm 2022 và bắt đầu phổ biến toàn thế giới trong 2023. Tại Việt Nam, Bộ GD-ĐT phê duyệt tính năng này và cho phép các đơn vị đồng sở hữu kỳ thi IELTS tại Việt Nam triển khai từ tháng 4. Lệ phí thi OSR là 2.940.000 đồng.
Theo các đơn vị đồng sở hữu IELTS, sau khi hoàn thành bài thi OSR, thí sinh sẽ nhận được bảng điểm (test result form) mới có hiển thị thông tin kỹ năng mà thí sinh đã thi lại, kèm kết quả mới của kỹ năng đã thi lại cùng kết quả của 3 kỹ năng trước đó trong lần thi đầu tiên. Thời gian nhận bảng điểm mới này là từ 3-5 ngày, tương tự thời gian nhận kết quả nếu chọn thi IELTS trên máy tính.
Nếu muốn đăng ký thi OSR, thí sinh cũng phải đáp ứng cả 3 yêu cầu, gồm đã thi ở một trung tâm khảo thí có cung cấp dịch vụ OSR; dự thi đủ 4 kỹ năng ở hình thức thi trên máy tính và đã nhận được kết quả chính thức; và chỉ đăng ký tính năng OSR trong vòng 60 ngày kể từ lần thi đầu tiên. Thí sinh cũng chỉ được thi lại một lần, không thể thi lại 4 lần cho 4 kỹ năng khác nhau.
Ngọc Long
Bình luận (0)