Thi lớp 10 tại TP.HCM: Thí sinh vui vì đề 'nghĩ bằng con tim'

07/06/2024 05:50 GMT+7

Sau khi hoàn thành bài thi lớp 10 môn ngữ văn và tiếng Anh hôm qua (6.6), nhiều học sinh ở TP.HCM nhận định 'đề dễ' khi người ra đề 'nghĩ bằng con tim' đến thí sinh.

Thi lớp 10 tại TP.HCM: Thí sinh vui vì đề 'nghĩ bằng con tim'- Ảnh 1.

Thí sinh tự tin làm khá tốt bài thi trong ngày thi đầu tiên

NGỌC DƯƠNG

Trái tim là hình tượng chủ đạo đề môn văn

Chủ đề của đề thi ngữ văn tuyển sinh lớp 10 ở TP.HCM sáng qua 6.6, là "Nhịp trái tim không chỉ dành cho riêng mình".

Thạc sĩ Nguyễn Phước Bảo Khôi, giảng viên khoa ngữ văn Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, nhận xét đề thi lớp 10 môn ngữ văn có tính phân hóa rất tốt, phù hợp với mục đích, yêu cầu của kỳ thi và áp lực tuyển sinh của địa phương.

Theo thạc sĩ Khôi, tính phân hóa được thể hiện rõ trước hết ở câu hỏi C trong phần đọc hiểu. Hỏi về nội dung một đoạn thơ trong văn bản nghị luận là điều vô cùng thú vị khi vừa có thể thực hiện mục tiêu kép (kiểm tra năng lực đọc văn bản văn học và văn bản nghị luận) chỉ trong một ngữ liệu vừa đáp ứng mục tiêu phân hóa của đề thi.

Câu nghị luận xã hội, luận đề đặt ra rất hay, hàm súc nhưng việc triển khai cụ thể (xác định các luận điểm và các dẫn chứng tương ứng) thì không đơn giản. Hơn thế, bên cạnh việc lý giải những từ khóa quan trọng (con tim, nghĩ bằng con tim), học sinh (HS) cần chú ý đến việc xác định biểu hiện, nguyên nhân, tác dụng và mở rộng bàn bạc về biện pháp/cách thức thực hiện vấn đề.

Câu nghị luận văn học, yêu cầu của đề 1 không phải là phân tích nhân vật thông thường mà là phân tích có định hướng (tình cảm của nhân vật bé Thu dành cho cha). Hơn thế, nội dung phân hóa của đề 1 là một yêu cầu kép (liên hệ để thấy được ý nghĩa của tình cảm gia đình đối với mỗi người) chứ không chỉ là liên hệ thực tế/liên hệ so sánh tác phẩm, đoạn trích hoặc nêu tác động như dạng đề vốn đã quen thuộc với HS.

Thi lớp 10 tại TP.HCM: Thí sinh vui vì đề 'nghĩ bằng con tim'- Ảnh 2.

Đề văn được đánh giá khơi gợi nhiều nhận thức giá trị cho học sinh

ĐÀO NGỌC THẠCH

Thạc sĩ Bảo Khôi nhận định: "Người ra đề thực sự đã "nghĩ bằng con tim" khi thực hiện đề thi. Chủ đề của đề thi khơi gợi nhiều nhận thức giá trị cho HS, giúp các em biết yêu thương gắn bó hơn cùng gia đình, biết thấu cảm với người khác, biết trân quý những cống hiến của bao người trong công cuộc bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Không chỉ dừng ở nhận thức, HS còn được định hướng đến với những việc làm cụ thể, thiết thực, đúng đắn, phù hợp với lứa tuổi".

Theo thạc sĩ Khôi, đề văn vào lớp 10 năm nay "mang nét sáng tạo, cá tính và chất riêng của TP.HCM. Chủ đề lấy trái tim là hình tượng chủ đạo để kết nối những mảnh ghép thật đẹp trong cuộc sống mỗi con người: Trái tim của tình yêu quê hương đất nước - trái tim dẫn đường trong cách nghĩ, cách sống và trái tim với tình cảm gia đình".

Còn thạc sĩ Trần Nguyễn Tuấn Huy, Tổ trưởng Tổ ngữ văn Trường THCS Trần Bội Cơ (Q.5, TP.HCM), cho rằng phần đọc hiểu không quá mới lạ nhưng cập nhật vấn đề thời sự và vừa sức với HS. Các câu hỏi vẫn theo định hướng phát triển năng lực khá rõ ràng. Dù là đọc hiểu nhưng câu hỏi không chỉ mang tính đọc và trả lời một cách máy móc mà vẫn cần sự khơi gợi trong tâm thức của người thi.

Bích Thanh

 


Thi lớp 10 tại TP.HCM: Thí sinh vui vì đề 'nghĩ bằng con tim'- Ảnh 3.

Thí sinh thoải mái với 2 đề thi ngữ văn và tiếng Anh

NHẬT THỊNH

Đề không bất ngờ hay câu hỏi lắt léo

Minh Triết, HS Trường THCS Lý Thánh Tông, Q.8, nhận xét: "Đề thi ngữ văn vào lớp 10 của TP.HCM khá nhẹ nhàng, không có những bất ngờ hay câu hỏi lắt léo, "giăng bẫy".

Bùi Gia Anh, HS Trường THCS Hai Bà Trưng (Q.3), cho biết phần đọc hiểu nói về tình yêu Tổ quốc, còn nghị luận văn học luận bàn về tình cảm gia đình, "đều là những điều thân thuộc nên không gặp khó".

Song, với nghị luận xã hội, nhiều HS đánh giá đây là phần "khó nhằn" vì mỗi em lại có cách diễn giải khác nhau trước lời khuyên "Biết nghĩ bằng con tim" của tác giả Nguyễn Duy Cần.

Với đề thi lớp 10 môn ngoại ngữ, nhiều TS có chung tự tin sẽ đạt trên 9 điểm vì "đề vừa sức", trải dài ở tất cả câu hỏi. Lâm Trí Khuê, HS Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (Q.1), hào hứng cho biết "làm được hết vì đề khá dễ", và tự tin sẽ đạt 9,5 điểm. "Em chỉ gặp khó duy nhất ở câu tự luận cuối cùng, khi dễ nhầm lẫn giữa thì quá khứ với quá khứ hoàn thành", Khuê chia sẻ. Còn Đặng Kim Trang, HS Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, tự tin sẽ đạt trên 9 điểm.

Phước Sang, HS Trường THCS Lý Thánh Tông (Q.8), nhận xét đề thi tiếng Anh dễ hơn các đề từng ôn tập. "Phần khiến nhiều bạn băn khoăn và làm mất thời gian nhất có lẽ là phần viết lại câu, từ câu số 37 tới 40. Còn lại không có câu nào quá thách đố, các kiến thức đều có trong chương trình đã học". Minh Triết, HS lớp tích hợp Trường THCS Lý Thánh Tông, cho biết chỉ mất khoảng 45 phút để làm bài và kiểm tra lại đáp án cho đề bài tiếng Anh thi vào lớp 10. "Em không đi học thêm mà chỉ tự ôn tiếng Anh. Đề thi này không có nhiều câu hỏi mang tính phân hóa thí sinh. Sẽ có nhiều điểm 9, 10 với đề thi này", nam sinh nhận định.

Thúy Hằng - Ngọc Long - Lâm Vĩnh Hồng

Bài viết trên Báo Thanh Niên là ngữ liệu đề thi ngữ văn

Ngữ liệu trong đề thi môn văn được lấy từ các bài viết về Hành trình "Tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương" đăng trên Báo Thanh Niên từ ngày 4 - 13.5.2024.

Những bài viết đăng trên Báo Thanh Niên được chọn làm ngữ liệu thể hiện những tình cảm tốt đẹp của tuổi trẻ tới các vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc trong hành trình "Tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương" năm 2024. Đây là chương trình do T.Ư Đoàn phối hợp với Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân tổ chức, với chủ đề "Tôi yêu Tổ quốc tôi".

Thi lớp 10 tại TP.HCM: Thí sinh vui vì đề 'nghĩ bằng con tim'- Ảnh 4.

Những bài viết đăng trên Báo Thanh Niên được chọn làm ngữ liệu trong đề thi văn

NGỌC DƯƠNG

Trong ngữ liệu đề văn thi vào lớp 10 TP.HCM có nhắc đến nhân vật Y Việt Sa, hiện là Phó bí thư Tỉnh đoàn Kon Tum, và những dòng thơ của chị được viết trong những ngày ra thăm Trường Sa.

Trưa 6.6, trao đổi với PV Báo Thanh Niên, chị Y Việt Sa cho biết chị quá bất ngờ, xúc động khi những dòng thơ chị viết trong chuyến đi Trường Sa ở hành trình "Tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương" năm 2024 được đưa vào đề thi văn vào lớp 10 của Sở GD-ĐT TP.HCM 2024. Chị nêu cảm nhận: "Cách ra đề thi văn vào lớp 10 của TP.HCM hay và ý nghĩa. Bởi trong một đề thi ngữ văn không chỉ khơi gợi, ngợi ca tình yêu biển đảo mà đó còn là tình yêu quê hương đất nước, tình cảm gia đình, tình cảm người mẹ dành cho con thông qua hình ảnh người mẹ được lần đầu ra đảo Sinh Tồn thăm con… Tất cả những tình cảm tươi đẹp này chắc chắn sẽ được lan tỏa tới tất cả những người trẻ Việt Nam. Do đó không chỉ là một đề văn, đây còn là một cách giáo dục lý tưởng sống với niềm tự hào dân tộc, sống có ý nghĩa, có khát vọng xây dựng Tổ quốc cho thế hệ trẻ hôm nay".

Thúy Hằng


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.