Thi lớp 10: ‘Tủ đè’ vì nghe dân mạng ôn tác phẩm 'Những ngôi sao xa xôi'

11/06/2022 12:48 GMT+7

Sau khi ra khỏi phòng thi ngữ văn kỳ thi tuyển sinh lớp 10 tại TP.HCM, nhiều thí sinh ‘tủ đè’ vì tập trung ôn tập tác phẩm Những ngôi sao xa xôi theo dự đoán trên mạng, nhưng đánh giá đề tạo cơ hội để ‘gỡ gạc’.

Vẫn làm được bài dù bị “tủ đè”

Là một trong những thí sinh rời điểm thi Trường THPT Lương Thế Vinh (Q.1) sớm nhất, Đoàn Nguyễn Mỹ Ngân (học sinh Trường Quốc tế Á Châu) nhận xét đề không thực sự quá khó, dù em bị “tủ đè” tác phẩm Sang thu của nhà thơ Hữu Thỉnh vì ôn các bài Nói với con (Y Phương) và Những ngôi sao xa xôi (Lê Minh Khuê).

Phụ huynh động viên con sau khi hoàn thành bài thi

NGỌC LONG

“Vì không học trúng tủ nên em quyết định làm đề 2 là đề mở. Tuy cần vận dụng rất nhiều kiến thức xã hội, dẫn chứng đưa vào bài cũng phải chọn lọc nên lúc đầu có hơi khó khăn. Tuy nhiên, em tự tin mình có thể hoàn thành tốt, ít nhất tổng điểm sẽ được 6 - 7”, Ngân giải thích và cho biết đặt nguyện vọng vào Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (Q.5).

Tương tự, Nguyễn Ý Yên (học sinh Trường THCS Minh Đức, Q.1) cho biết cũng bị “tủ đè” vì ôn Những ngôi sao xa xôi theo dự đoán trên mạng. Vì thế, Yên chọn làm đề mở về chủ đề thời gian để “gỡ gạc” vì bản thân từng đọc rất nhiều tác phẩm cổ điển lẫn hiện đại.

Đề Ngữ Văn đầy cảm xúc, nữ sinh tự tin đạt điểm 10

Yên kể: “Em chọn viết câu chuyện của Hoàng tử bé vì đây là một quyển sách ngắn gọn với những câu từ đơn giản, nhưng ở mỗi lứa tuổi người ta lại có thể thấy những thông điệp khác nhau ẩn chứa trong tác phẩm. Đối với em, đó là sự trân trọng những mối quan hệ xuất hiện trong cuộc sống, tựa như hoàng tử bé với hoa hồng và bạn cáo. Và động lực trưởng thành thông qua những trải nghiệm du hành giống cách hoàng tử bé đã chu du khắp nơi để học thêm về thế giới”.

Thí sinh hoàn thành bài thi trong tự tin vì có 2 lựa chọn đề đóng và đề mở

NGỌC LONG

Đầu tư nhiều thời gian ôn luyện, Lê Châu Anh (học sinh Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa) nhận xét đề thi năm nay không chỉ vừa sức với thí sinh mà còn dễ hơn so với những đề mà học sinh này phải luyện tập hằng ngày.

“Em ôn tập hết không chừa bài nào. Nhưng không may là bài Sang thu thì em ôn tập chưa kỹ lắm nên có một số chi tiết chưa thế làm tốt 100%. Nhìn chung, đề thi không quá khó. Phần đọc hiểu nếu để ý kỹ sẽ tìm ra đáp án ngay", Châu Anh khẳng định.

Đề tạo cơ hội cho thí sinh bị “tủ đè”

Đánh giá về đề ngữ văn vào lớp 10 của TP.HCM, thạc sĩ Đặng Thị Kiều Oanh (40 tuổi, giáo viên ngữ văn Trường Quốc tế Quy Nhơn và một trường THPT tại Quy Nhơn) nhận định đề phân hóa tốt và có độ khó vừa phải, “hay, sáng tạo và xúc động. “Học sinh với năng lực trung bình vẫn có thể kiếm điểm được nếu đọc kỹ đề thi”, cô Oanh nói.

Với phần đọc hiểu, cô Oanh cho biết đáp ứng đủ 4 cấp độ khó là nhận biết, thông hiểu, vận dụng thường và vận dụng cao. Ở câu a, thí sinh dựa vào câu chủ đề ở đầu đoạn để xác định ông Henry Chabert để viết về lịch sử phát triển của TP.HCM. Trong câu b, phép liên kết được sử dụng trong hai câu đầu văn bản 2 là phép đồng nghĩa (hữu hạn = có giới hạn) hoặc phép lặp (cuộc đời, thời gian). Câu c thông điệp có thể diễn đạt theo ý trân trọng quá khứ (ở văn bản 1) và trải nghiệm trong hiện tại (ở văn bản 2).

Còn ở câu d, thí sinh cần bày tỏ rõ ràng quan điểm quan tâm đến “việc học hỏi từ quá khứ” hay “trải nghiệm trong hiện tại” hơn, đồng thời lý giải hợp lý vì sao. Cô Oanh gợi ý nên quan tâm cả hai để hài hòa giữa quá khứ và hiện tại, giúp lập luận thêm thuyết phục.

Cô Oanh nhận xét: “Riêng ở TP.HCM, phần nghị luận xã hội yêu cầu 500 chữ, trong khi các tỉnh thành khác thường chỉ 200 chữ trở xuống. Đây là bài văn lớn nên thí sinh cần phải phân chia thời gian hợp lý mới có thể làm tốt”. Cũng theo nữ giáo viên này, phần nghị luận văn học rất nhân văn khi cho phép thí sinh chọn một trong hai, đề đóng hoặc đề mở.

Những thí sinh ra khỏi phòng thi đầu tiên tại điểm thi Trường THPT Lương Thế Vinh (Q.1, TP.HCM) trong sự cổ vũ từ các anh chị tình nguyện và phụ huynh

NGỌC LONG

“Nếu học sinh chưa chuẩn bị hoặc không cảm nhận tốt bài Sang thu thì rất dễ không đánh giá đúng năng lực của em ấy, vì bên cạnh Sang thu còn đến tận 15 tác phẩm khác. Nhưng khi cho phép học sinh chọn đề mở thì có thể thấy được năng lực sáng tạo và sử dụng ngôn ngữ của học sinh. Đây là điều cần thiết nhất trong môn văn”, thạc sĩ Oanh khẳng định.

Chia sẻ thêm về mối liên kết giữa đề nghị luận xã hội và đề mở nghị luận văn học khi đều đề cập đến vấn đề “thời gian”, cô Oanh đánh giá đề ra rất sát với thực tế giới trẻ hiện nay. “Các bạn trẻ hiện đại đang có xu hướng sống nhanh, sống vội, sống gấp nên vô tình bỏ quên rất nhiều thứ. Và đề thi đã khuyến khích các em thêm trân trọng thời gian, từ đó góp phần thành công trong cuộc sống”, cô Oanh kể.

Thạc sĩ Oanh còn gợi ý trong tương lai, có thể phát triển đề theo hướng cho phép học sinh tự sáng tạo một mẩu truyện ngắn hay một khổ thơ, “giúp đánh giá tốt năng lực văn học chứ không chỉ dừng lại ở việc phân tích các nhận định”.

Đề thi môn ngữ văn tuyển sinh lớp 10 tại TP.HCM

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.