Mỗi trường một phiên bản
Những ngày gần đây, mạng xã hội Instagram liên tục xuất hiện nhiều hình ảnh thời học sinh, sinh viên như “nói bạn học LHP nhưng không nói bạn học LHP”, “Prove u r a Miki-er without saying u r a Miki-er” (chứng minh bạn là học sinh Minh Khai mà không nói bạn là học sinh Minh Khai), “prove you study at RMIT without saying you do” (chứng minh bạn học ở RMIT mà không nói ra điều đó)...
Phong trào đoàn là một phần trong đời sống học trò của Hạnh Đoan |
NVCC |
Hưởng ứng trào lưu, Nguyễn Minh Hạnh Đoan (sinh viên Trường ĐH Kinh tế tài chính TP.HCM) đăng tải bức ảnh tập hợp thẻ đeo cổ của tất cả sự kiện từng tham gia ở trường cũ và xem đây là cách để gợi nhớ một thời vui vẻ, năng nổ và máu lửa.
“Niềm tự hào của tôi là được tham gia nhiều hoạt động, nhất là đại nhạc hội Tuổi Hồng, biểu tượng phong trào và cũng là truyền thống lâu đời của trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai”, nữ sinh viên kể.
Thời gian được ở bên lớp luôn tạo cho Thủy Tiên những ấn tượng khó phai |
NVCC |
Dù đã tốt nghiệp THPT nhiều năm nhưng Đoan vẫn nhớ mãi lần đầu đi tình nguyện ở chiến dịch Hoa Phượng Đỏ năm lớp 10, vừa làm đội trưởng vừa được làm quen với nhiều anh chị, bạn bè mà sau này trở thành những người bạn tốt của cô.
“Tôi quan niệm thời học sinh là cơ hội để trải nghiệm hết mình từ học tập tới phong trào, từ đó tìm được hướng phát triển phù hợp cho hành trình đại học sau này”, cô nhận định.
Còn đối với Nguyễn Thị Thủy Tiên (sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM), trải nghiệm đáng nhớ thời học sinh luôn xoay quanh những mùa diễn văn nghệ mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11. Cô không thể nào quên việc chọn bài hát, đi đội hình, thuyết phục lớp cùng tập, rồi cùng nhau tỏa sáng trên sân khấu.
Tiên chia sẻ: “Có dịp lớp căng thẳng đến nỗi “nghỉ chơi” vì bất đồng, nhưng may là tất cả thành viên đều chịu ngồi lại vòng tròn để tâm sự, chọn cách giải quyết. Cuối cùng, tiết mục của chúng tôi đã đạt giải 3 chung cuộc khiến ai cũng hào hứng trao nhau lời cảm ơn”.
Dù năng nổ tham gia các sự kiện, cô cũng có nhiều tiếc nuối khi thời gian học tại trường đã không sống hoàn toàn ở thực tại mà thường hoài niệm khoảng thời gian ở trường THCS và lo ôn thi ĐH. “Tiếc nhất chắc là khi chưa thể thực hiện nội san cho trường”, nữ sinh viên nói.
Nguyễn Lê Huyền Nhung (chuyên viên truyền thông tại Edelman Vietnam, TP.HCM) thì chọn nhiều hình ảnh chụp cùng tập thể lớp thời THPT để nhắc lại những kỷ niệm đẹp. “Khi thấy bạn bè đăng lại hình từng học ở trường, tôi như một lần nữa sống lại với những ký ức vui vẻ, tự hào thuở xưa ở Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong và muốn tự mình lan tỏa thêm điều ấy”, cô chia sẻ.
Theo Nhung, kỷ niệm đáng nhớ nhất thời THPT là khoảng thời gian cuối cấp, khi đó học sinh đối mặt áp lực ôn thi đại học, một số khác thì đi du học nên lớp không còn gắn kết như trước. "Tuy nhiên, nhờ tham gia diễn văn nghệ, dành thời gian nghỉ trưa và cả cuối tuần để tập nhảy bên nhau nên mọi người đã gần gũi và hiểu nhau hơn và cùng giành được giải nhất”, Nhung kể.
Trào lưu đăng ảnh thời học trò trên Instagram |
NVCC |
Lan tỏa vì nhiều yếu tố
Kể về lý do đăng ảnh “nhưng không nói tên trường”, Hạnh Đoan cho biết cô muốn bạn bè sẽ làm điều tương tự, cùng lúc thể hiện niềm tự hào về ngôi trường cũ. “Đây là cơ hội để tôi cùng bạn bè ôn lại những kỷ niệm xưa vốn luôn có vị trí đặc biệt trong cuộc sống chúng tôi”, Đoan nói.
Còn theo Thủy Tiên, đây là trào lưu dễ thực hiện, đánh trúng tâm lý ai cũng ít nhiều yêu quý những năm học tại trường cũ nên đã thu hút lượng lớn bạn trẻ tham gia. “Qua những hình ảnh chia sẻ, tôi có thể khoe sự xịn sò của các hoạt động nơi tôi từng học, cũng như tua lại hoài niệm đã qua”, nữ sinh viên kể.
Trên đường hay trong trường đều có thể trở thành kỷ niệm đáng nhớ thời học sinh, sinh viên |
NVCC |
Đứng dưới góc độ truyền thông, Huyền Nhung chia sẻ trong những tháng gần đây nổi lên xu hướng đăng ảnh “Chia sẻ về...” với nhiều chủ đề khác nhau, tạo cơ hội để người tham gia có dịp thỏa chí sáng tạo các nội dung phù hợp với sở thích, tính cách cá nhân. “Và trào lưu chia sẻ về kỷ niệm trường THPT cũng bắt đầu từ đây, tạo ra cơn sốt trong giới trẻ”, cô kết luận.
Bình luận (0)