Trong chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến "Những lưu ý khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển" diễn ra tại Báo Thanh Niên chiều nay (18.7), đại diện các trường ĐH đặc biệt lưu ý về việc chọn số lượng nguyện vọng và cách sắp xếp nguyện vọng để có cơ hội trúng tuyển cao nhất.
Ông Vũ Quang Huy, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cho rằng thí sinh nên đăng ký từ 5-7 nguyện vọng bao gồm các ngành mình yêu thích tại các trường mình mong muốn. Từ đó sắp xếp ở 3 mức độ theo thứ tự ưu tiên: trường có mức điểm cao, trường có mức điểm ngang bằng và trường có mức điểm thấp hơn so với điểm thi mình có.
Thạc sĩ Ngô Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh-Truyền thông Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, cũng lưu ý thí sinh đã trúng tuyển sớm vẫn có quyền thêm nguyện vọng bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, nhưng nên cân nhắc số lượng nguyện vọng để tránh trường hợp đăng ký quá nhiều, vừa khó kiểm soát vừa tốn kém chi phí.
Tuy nhiên, đại diện các trường ĐH cũng đặc biệt lưu ý thí sinh không nên đăng ký quá ít nguyện vọng hoặc thậm chí tự tin mình điểm cao mà chỉ đăng ký một nguyện vọng.
Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Thạch, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Kinh tế-Tài chính TP.HCM, lý giải: "Trong những năm qua, khi sử dụng điểm thi tốt nghiệp để xét tuyển, nhiều em do quá tự tin mình đạt điểm cao nên chỉ đăng ký một nguyện vọng. Vì nhiều yếu tố như chỉ tiêu của ngành đó ít, số lượng thí sinh đăng ký quá đông và mức điểm của thí sinh nộp vào cũng rất cao, nên điểm chuẩn tăng vọt. Cuối cùng thí sinh bị trượt mặc dù điểm không hề thấp".
Vì thế, thạc sĩ Thạch khuyên thí sinh cần phải có phương án dự phòng bằng cách nên đăng ký từ 3-7 nguyện vọng. Trong đó, đặt ngành mình yêu thích nhất tại trường có mức điểm cao nhất là nguyện vọng số 1, sau đó là các trường có mức điểm thấp hơn. Đồng thời cần thêm một số nguyện vọng là ngành học gần với ngành thí sinh yêu thích.
"Khi thí sinh trượt ở đợt đầu tiên, thì cơ hội vào được ngành mình yêu thích ở đợt xét tuyển bổ sung là rất thấp do không phải trường nào cũng xét bổ sung, nếu có thì chỉ một số ngành ít hấp dẫn. Chưa kể điểm chuẩn đợt bổ sung có thể sẽ cao hơn đợt 1 rất nhiều", thạc sĩ Thạch chia sẻ.
Đại diện các trường còn lưu ý thí sinh nếu như không muốn trượt ĐH khi đã trúng tuyển sớm mà vẫn muốn xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, thì đặt nguyện vọng bằng điểm thi lên ưu tiên số 1 và nguyện vọng đã trúng tuyển sớm ưu tiên số 2. Đồng thời sau đó phải nộp lệ phí xét tuyển và làm các bước tiếp theo là xác nhận nhập học trên hệ thống, đến trường làm thủ tục nhập học trực tiếp.
Bình luận (0)