Khi nào nên phúc khảo bài thi ?
Theo kế hoạch, các sở GD-ĐT sẽ tiến hành xét công nhận tốt nghiệp cho học sinh chậm nhất vào ngày 28.7, công bố kết quả tốt nghiệp chậm nhất ngày 30.7. Trên cơ sở này, hiệu trưởng các trường THPT ký và cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời, trả học bạ và các giấy chứng nhận bản chính cho học sinh đang học tại các trường phổ thông. Cũng trong thời gian này, các sở in và gửi giấy chứng nhận kết quả thi tốt nghiệp về trường phổ thông, trường phát cho thí sinh (TS). Dự kiến các công việc này hoàn thành chậm nhất vào ngày 2.8.
Ông Nguyễn Hữu Tài, Trưởng phòng Khảo thí và Công nghệ thông tin (Sở GD-ĐT tỉnh Tây Ninh), cho biết đầu tháng 8 nếu địa phương vẫn thực hiện giãn cách phòng dịch, hội đồng thi sẽ gửi bưu điện chuyển phát nhanh giấy chứng nhận kết quả thi về các điểm đăng ký dự thi, từ địa chỉ này tiếp tục gửi bưu điện tới TS.
Liên quan việc này, ông Nguyễn Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường THPT Trương Định (Tiền Giang), cho rằng trong bối cảnh một số địa phương đang thực hiện giãn cách phòng dịch Covid-19, học sinh cần theo dõi thông báo cụ thể về thời gian và cách thức nhận giấy chứng nhận kết quả thi tốt nghiệp, giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời. Tùy theo diễn biến dịch, kế hoạch chung của bộ và sở, phía trường phổ thông sẽ có thông tin tới từng học sinh.
“Cũng trong thời điểm này TS tham gia xét tuyển cũng cần theo dõi sát những thông báo mới của các trường ĐH, CĐ về việc xác nhận nhập học các phương thức khác...”, ông Hải lưu ý thêm.
Theo quy định của Bộ GD-ĐT, sau khi biết điểm thi, TS có nguyện vọng phúc khảo bài thi thì nộp đơn xin phúc khảo tại nơi đã đăng ký dự thi, bắt đầu từ hôm nay (26.7) đến hết ngày 5.8.
Về việc xin phúc khảo, ông Nguyễn Thanh Hải khuyên: “TS có nguyện vọng phúc khảo bài thi cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi nộp đơn, căn cứ vào bài làm của mình. Thực tế, điểm bài thi sau phúc khảo có thể tăng nhưng cũng có thể giảm so với điểm ban đầu. Dù tăng hay giảm thì kết quả bài thi sau phúc khảo cũng sẽ được ghi trong giấy chứng nhận dùng để xét tốt nghiệp và xét tuyển sau này”.
|
Thí sinh tham gia xét tuyển cần lưu ý gì ?
Thạc sĩ Lê Văn Hiển, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Đào tạo Trường ĐH Luật TP.HCM, lưu ý với TS về việc xác nhận nhập học các phương thức xét tuyển khác mà các trường thực hiện sau khi có kết quả xét tốt nghiệp.
Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, cho rằng thời điểm này những TS đã biết chắc khả năng đỗ tốt nghiệp, cần chuẩn bị cho việc tham gia xét tuyển. Trong đó, những việc cần làm sẽ khác nhau với 2 nhóm TS.
TS đã trúng tuyển bằng phương thức khác trước đó, cần cân nhắc giữa việc xác nhận nhập học luôn hay đợi thực hiện điều chỉnh nguyện vọng xét bằng điểm thi tốt nghiệp. Nếu đã trúng tuyển vào ngành trường yêu thích, TS nên quyết định nhập học.
Ngược lại, theo thạc sĩ Sơn, TS quyết định tham gia xét tuyển bằng điểm thi, cần đối chiếu điểm thi đạt được theo các tổ hợp xét tuyển cao nhất với các ngành, trường đã đăng ký. Nếu việc sắp xếp thứ tự nguyện vọng chưa phù hợp với điểm thi thực tế, TS cần nghiên cứu để tính toán phương án điều chỉnh nguyện vọng. “Thông tin TS cần nghiên cứu kỹ thời gian này không chỉ là học phí, điều kiện học tập mà còn cả cơ hội trúng tuyển. Đặc biệt là những trường sử dụng nhiều phương thức, chỉ tiêu còn lại xét điểm thi tốt nghiệp không nhiều, mức độ cạnh tranh cao”, thạc sĩ Sơn nhấn mạnh.
Tiến sĩ Tô Văn Phương, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nha Trang, thì lưu ý thêm về tầm quan trọng của giấy chứng nhận kết quả thi tốt nghiệp. Mỗi TS chỉ được cấp 1 bản chính giấy này, khi làm thủ tục nhập học chính thức thì giấy này là yêu cầu bắt buộc. “Nếu TS đã trúng tuyển đúng ngành, trường mình yêu thích rồi mới nộp bản chính giấy chứng nhận kết quả thi để xác nhận nhập học. Ngược lại, TS tuyệt đối không nộp giấy này khi chưa chắc chắn và an tâm với ngành, trường đã trúng tuyển”, tiến sĩ Phương nhắc nhở.
Bình luận (0)