Thí sinh chi tiền triệu, vượt ngàn km để thi vào ngành 'nặng nhọc, độc hại'

09/07/2024 16:07 GMT+7

Để chinh phục giấc mơ trở thành giáo viên mầm non, công việc đang được đề xuất đưa vào nhóm nghề nặng nhọc, độc hại, nhiều thí sinh phải chi từ hàng trăm đến cả triệu đồng để ôn luyện các môn thi năng khiếu.

Thí sinh chi tiền triệu, vượt ngàn km để thi vào ngành 'nặng nhọc, độc hại'- Ảnh 1.

Lê Thị Bích Dung, thí sinh từ Bình Thuận vào TP.HCM để chinh phục giấc mơ trở thành giáo viên mầm non

MỸ DUYÊN

Ngày 9.7, Trường ĐH Sài Gòn tổ chức thi năng khiếu vào ngành giáo dục mầm non với hai môn thi là kể chuyện-đọc diễn cảm và hát. Cụ thể, môn đầu tiên yêu cầu thí sinh tự chọn một truyện để kể với nội dung giáo dục thiếu nhi, đọc diễn cảm một tác phẩm văn học có trong đề thi; và trả lời câu hỏi về kiến thức xã hội và hiểu biết về nghề giáo viên mầm non. Môn thứ 2 là hát, yêu cầu thí sinh hát và kết hợp động tác múa minh họa.

Xuất hiện tại trường thi với tà áo dài trắng tinh khôi, Lê Thị Bích Dung, học sinh Trường THPT Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận), chia sẻ lý do em chọn trang phục này để phù hợp với lời bài hát em sẽ biểu diễn, cũng như để bày tỏ khát khao trở thành giáo viên. Dung đã có mặt tại TP.HCM từ một ngày trước để chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi, quyết đạt được "quả ngọt" sau 3 tháng ôn luyện.

"Em đã thích làm giáo viên mầm non từ khi còn bé, khi thấy các cô chăm sóc em và các bạn. Thế nên, em đặt nguyện vọng vào ngành giáo dục mầm non ở 2 trường ĐH là Sài Gòn và Sư phạm TP.HCM. Vì môn thi của các trường lần lượt là đàn, hát, kể chuyện và đọc diễn cảm nên em cũng đăng ký khóa học 1-1 với giáo viên với chi phí 3 triệu đồng từ hồi tháng 4 để ôn luyện dần", nữ sinh kể.

Thí sinh chi tiền triệu, vượt ngàn km để thi vào ngành 'nặng nhọc, độc hại'- Ảnh 2.

Thí sinh trước giờ vào phòng thi năng khiếu ở Trường ĐH Sài Gòn (TP.HCM)

NGỌC LONG

Dung chia sẻ thêm, dù biết giáo dục mầm non đang được xem là ngành nặng nhọc, độc hại, em vẫn giữ vững đam mê và đã chuẩn bị trước tâm lý sẽ phải đối diện với nhiều vất vả. "Là giáo viên mầm non, em vừa đóng vai người truyền cảm hứng giúp trẻ biết được những điều hay, vừa là người mẹ chăm lo cho các bé từng miếng ăn, giấc ngủ. Kiên trì, nhẫn nại, năng động, sáng tạo là những kỹ năng em sẽ rèn giũa thêm", Dung nhận định.

Anh Thư, học sinh Trung tâm GDNN-GDTX H.Củ Chi (TP.HCM), chia sẻ em cũng chi 800.000 đồng để đăng ký ôn thi năng khiếu tại Trường ĐH Sài Gòn và đã hoàn thành khóa học từ một tháng trước. Được biết, khóa ôn luyện gồm 2 môn thi, mỗi môn sẽ dạy trong 20 tiết, chia thành 5 buổi dạy vào các ngày cuối tuần và với sự tham gia đứng lớp của các giảng viên trường ĐH này.

Nguyễn Thị Diễm Hương, học sinh Trường THPT Hồ Thị Bi (TP.HCM), cho biết em tự tìm tòi, ôn tập ở nhà chứ không chi tiền đăng ký luyện thêm ở ngoài. Một phần cũng vì mẹ của Hương đang công tác ở ngành mầm non nên nữ sinh đã có cơ hội tiếp xúc với công việc này từ nhỏ. "Đúng là dạy trẻ mầm non rất cực vì các bé năng động lắm, nhưng em nghĩ đó là việc mình phải trải qua để bồi đắp thêm kinh nghiệm", Hương bộc bạch.

Thí sinh chi tiền triệu, vượt ngàn km để thi vào ngành 'nặng nhọc, độc hại'- Ảnh 3.

Giáo viên mầm non đang được Bộ GD-ĐT xem là công việc nặng nhọc, độc hại vì nhiều lý do

NHẬT THỊNH

Đáng chú ý, trong số các thí sinh dự thi hôm nay có Nguyễn Thu Hiền, học sinh Trường THPT thành phố Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên). Vì đam mê với ngành giáo dục mầm non, Hiền đã vượt hơn 2.000 km từ Điện Biên vào TP.HCM từ một tuần trước. "Bác em cũng là giáo viên mầm non nên cả tuần qua em đã học thêm nhiều điều từ bác để chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi hôm nay", nữ sinh chia sẻ.

Sau khi kết thúc buổi thi năng khiếu ngành giáo dục mầm non, ngày mai (10.7) thí sinh sẽ tiếp tục dự thi năng khiếu các ngành sư phạm âm nhạc (hát-nhạc cụ; xướng âm-thẩm âm-tiết tấu) và sư phạm mỹ thuật (hình họa; trang trí). Trường ĐH Sài Gòn sẽ công bố điểm thi năng khiếu vào ngày 17.7, trùng với ngày công bố kết quả thi tốt nghiệp THPT 2024.

Vì sao xem giáo viên mầm non là ngành nặng nhọc, độc hại?

Theo nghiên cứu hồi tháng 5 của Viện Khoa học An toàn, vệ sinh lao động (Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam), giáo viên mầm non đóng rất nhiều vai, phải chấp nhận mình thường xuyên mắc bệnh như cảm sốt và có trường hợp bị phụ huynh xúc phạm thể chất, tinh thần. Trên thực tế, các thầy cô cũng thường làm việc ở trường 10-11 giờ/ngày thay vì 8 giờ/ngày như quy định.

Kết quả của nghiên cứu cũng cho thấy, có 92,82% đối tượng khảo sát có điều kiện làm việc tương đương với lao động được xếp loại 4, tức nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Trong 4 năm qua, Công đoàn giáo dục Việt Nam và Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đã nhiều lần kiến nghị xếp giáo viên mầm non vào ngành nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Đây là cơ sở để giáo viên mầm non được nghỉ hưu sớm 5 năm. Trong tháng 5, Bộ GD-ĐT cũng công bố xin ý kiến dư luận đề xuất cho giáo viên mầm non được nghỉ hưu khi đủ 55 tuổi và được hưởng chế độ nghỉ hưu theo quy định.

Bộ GD-ĐT cũng dự báo, đến năm 2030 cả nước có thể thiếu 55.416 biên chế giáo viên mầm non. Khó khăn lớn nhất hiện nay là tình trạng giáo viên mầm non bỏ việc và việc tuyển dụng giáo viên ở nhiều địa phương không đáp ứng được nhu cầu, do áp lực công việc của giáo viên mầm non rất lớn, thời gian làm việc dài và thu nhập thấp. Theo thống kê, từ tháng 8.2023 - 4.2024 có khoảng 1.600 giáo viên mầm non nghỉ, chuyển việc.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.