Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Bộ GD-ĐT đã chính thức có văn bản đồng ý xét đặc cách tốt nghiệp THPT cho những thí sinh (TS) đủ điều kiện dự thi đợt 2 kỳ thi tốt nghiệp nhưng không dự thi do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Để đảm bảo quyền lợi tham gia xét tuyển ĐH của các TS diện này, Bộ cũng đề nghị các ĐH quốc gia tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực cho người có nguyện vọng.
Thí sinh đặc cách tốt nghiệp có được xét vào các trường ĐH tốp đầu?
29/07/2021 09:31 GMT+7
Nhiều phụ huynh có con em thuộc diện xét đặc cách tốt nghiệp THPT tỏ ra lo lắng về cơ hội tham gia xét tuyển vào các trường ĐH tốp đầu vốn chỉ xét dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp.
Đồng thời, sẽ hướng dẫn các trường ĐH khác dành tỷ lệ chỉ tiêu phù hợp để xét tuyển TS đặc cách bằng các phương thức khác nhau ngoài điểm kỳ thi chung.
Theo kế hoạch, năm nay ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ tổ chức đợt 2 kỳ thi đánh giá năng lực với khoảng 27.000 TS. Tuy nhiên, trong bối cảnh mới và trước đề nghị của Bộ GD-ĐT, ĐH này dự kiến sẽ tính toán phương án tạo điều kiện đăng ký dự thi bổ sung với các trường hợp xét đặc cách tốt nghiệp.
Theo tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo (ĐH Quốc gia TP.HCM), kỳ thi đánh giá năng lực đợt 2 này sẽ là một trong các kênh tạo điều kiện cho TS đặc cách tham gia xét tuyển. Trung tâm sẽ đề xuất với Ban giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM để TS diện đặc cách, nếu có nguyện vọng được tham gia thi đánh giá năng lực đợt 2.
Cũng theo tiến sĩ Chính, ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ GD-ĐT xem có bao nhiêu TS đặc cách có nguyện vọng tham gia thi đánh giá năng lực đợt 2. Từ đó để sắp xếp TS vào các điểm thi hiện có (gồm TP.HCM, An Giang, Nha Trang và Đà Nẵng); hoặc có khả năng mở rộng thêm điểm thi nào đó để tạo điều kiện thuận lợi cho TS. “Chủ trương chung của ĐH Quốc gia TP.HCM là tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực đợt 2 khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, đảm bảo tất cả TS cùng tham gia. Tuy nhiên, những nội dung này hiện vẫn đang được dự kiến”, ông Chính thông tin thêm.
PGS-TS Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cho biết trường dự kiến dành khoảng 5% tổng chỉ tiêu cho TS đặc cách tốt nghiệp của cả nước. “Trường sẽ xét các TS này nếu tham gia kỳ thi đánh giá năng lực đợt 2. Trong trường hợp không thể dự thi được, trường đang tính toán thêm phương án khác để có thể xét tuyển các trường hợp này dựa trên các tiêu chí: học bạ, chứng chỉ, bài luận, phỏng vấn...”, ông Thắng chia sẻ.
Ngoài hệ thống ĐH Quốc gia TP.HCM, nhiều trường ĐH tốp đầu khác cho biết sẽ dành chỉ tiêu để xét tuyển TS đặc cách tốt nghiệp của cả nước.
PGS-TS Ngô Minh Xuân, Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, cho biết trường đã họp và quyết định điều chỉnh lại đề án tuyển sinh cho phù hợp với bối cảnh mới.
Theo ông Xuân, chưa kể các địa phương khác thì riêng TP.HCM đã có khoảng 3,75% học sinh có thể không dự thi tốt nghiệp THPT. Trong khi theo đề án đã công bố, trường chỉ xét dựa vào điểm thi tốt nghiệp. Do vậy, trường sẽ điều chỉnh đề án theo hướng bổ sung thêm phương thức xét riêng cho TS đặc cách tốt nghiệp để trình UBND TP.HCM và Bộ GD-ĐT.
Theo PGS-TS Xuân, TS đặc cách xét tuyển vào Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch cần đạt điều kiện cần như TS xét điểm thi. Đó là xếp loại hạnh kiểm từ khá trở lên năm lớp 12. Riêng các ngành y khoa, dược học và răng - hàm - mặt TS phải có điểm trung bình cộng của 5 học kỳ THPT (trừ học kỳ 2 lớp 12) tối thiểu 7,0. Ngành khúc xạ nhãn khoa điểm thi tốt nghiệp THPT môn tiếng Anh từ 7 trở lên. TS đủ các điều kiện trên được xét tuyển từ cao xuống thấp căn cứ trên điểm trung bình học bạ 3 môn theo tổ hợp xét tuyển của 5 học kỳ. “Nếu có TS đặc cách ngoài TP.HCM có xét tuyển vào trường, trường sẽ tính toán chỉ tiêu từng ngành phù hợp với tỷ lệ TS đặc cách”, ông Xuân thông tin thêm.
Còn thạc sĩ Lê Văn Hiển, Phó trưởng phòng phụ trách Đào tạo Trường ĐH Luật TP.HCM, cũng cho biết trường dự kiến dành tối đa khoảng 5% chỉ tiêu để ưu tiên xét tuyển các TS đặc cách tốt nghiệp. Theo đó, trường chỉ xét những TS đặc cách có học lực giỏi 3 năm bậc THPT. Các TS sẽ được xét từ trên xuống cho đến hết chỉ tiêu dựa trên điểm trung bình học bạ 3 môn thuộc tổ hợp xét tuyển trong 6 học kỳ.
Tương tự, thạc sĩ Lê Phan Quốc, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cũng khẳng định: “Trường sẽ có phương án cụ thể để hỗ trợ các trường hợp này. Theo đó, trường định hướng sử dụng phương thức xét học bạ đợt 2 hoặc sử dụng điểm thi đánh giá năng lực của các ĐH Quốc gia. Phương án cụ thể sẽ công bố phù hợp với kế hoạch điều chỉnh tuyển sinh của Bộ GD-ĐT”.
Trước đó, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM đã chính thức có thông báo bổ sung một phương thức riêng xét TS đặc cách tốt nghiệp do ảnh hưởng Covid-19. Trường dành 150 chỉ tiêu cơ sở TP.HCM và 50 chỉ tiêu Phân hiệu Vĩnh Long để xét các TS này. Điểm xét tuyển là tổng điểm được quy đổi từ các tiêu chí khác nhau. Tiêu chí bắt buộc là kết quả học tập từng năm lớp 10, 11 và 12. Tiêu chí ưu tiên là chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, giải thưởng học sinh giỏi cấp tỉnh/thành phố, là học sinh trường chuyên hoặc năng khiếu.
Riêng Trường ĐH Y dược TP.HCM, PGS-TS Nguyễn Ngọc Khôi, Trưởng phòng Đào tạo nhà trường, cho biết Bộ GD-ĐT đang chuẩn bị các phương án để hỗ trợ TS đặc cách tốt nghiệp tham gia xét tuyển. Trường đang chờ hướng dẫn của bộ để có những giải pháp phù hợp.
ĐH Quốc Gia Tp.HCM
dịch Covid-19
xét tuyển ĐH
đặc cách tốt nghiệp
Xét tuyển
xét đặc cách tốt nghiệp THPT
Bình luận (0)