Thí sinh được bạn cõng đi học vẫn chưa quyết định nhập học trường nào

08/10/2020 19:21 GMT+7

Thí sinh được bạn cõng trong 10 năm học ở phổ thông đỗ nguyện vọng 1 Trường đại học Bách khoa Hà Nội, nhưng hiện em được Trường đại học Anh quốc Việt Nam mời học miễn phí. Em đang phân vân chưa biết chọn trường nào.

Như Thanh Niên đã phản ánh, tuy bị tật nguyền nhưng em Nguyễn Tất Minh (quê ở Triệu Sơn, Thanh Hóa) rất ham học. Bạn của Minh là Ngô Văn Hiếu vì thương cảm hoàn cảnh của Minh đã tự nguyện chở bạn đi học hàng ngày, cõng bạn vào lớp trong suốt 10 năm học.
Trong kỳ thi tốt nghiệp 2020, cả hai em đều được điểm cao: Ngô Văn Hiếu được 28,15 điểm/3 môn; Nguyễn Tất Minh được 28,1 điểm/3 môn. Vì được cộng 0,5 điểm khu vực và 1 điểm ưu tiên diện thí sinh bị khuyết tật nên Minh vẫn đỗ vào ngành khoa học máy tính (IT1), là ngành có điểm chuẩn cao nhất của Trường đại học Bách khoa Hà Nội (29,04 điểm).
Tuy nhiên, theo thông tin mà PV Thanh Niên nhận được, hiện Minh và gia đình vẫn đang lưỡng lự, chưa biết có nên làm thủ tục nhập học vào Trường đại học Bách khoa Hà Nội không, bởi Minh nhận được lời mời khá hấp dẫn từ Trường đại học Anh quốc Việt Nam (BUV).
Chiều 8.10, anh Nguyễn Tất Mây (bố của Minh) cho biết, từ sáng nay anh đã đưa Minh ra Hà Nội để ngày 9.10 Minh tham gia phỏng vấn ở Trường đại học Anh quốc Việt Nam. Tuy nhiên, gia đình anh Mây vẫn chưa đưa ra quyết định cho Minh học ở trường nào, quyết định phụ thuộc vào điều kiện của từng trường cho phù hợp với hoàn cảnh của Minh.
“Bố con tôi sẽ đi thăm cả 2 trường. Vợ chồng tôi và cháu đã bàn bạc, thống nhất là sẽ xem xét cả Trường đại học Bách khoa Hà Nội và Trường đại học Anh quốc Việt Nam, trường nào thuận tiện hơn cho con trong quá trình đi lại, ăn ở, học tập thì sẽ quyết định theo học. Tôi định ngày mai phỏng vấn xong ở Trường đại học Anh quốc Việt Nam sẽ ghé qua Trường đại học Bách khoa Hà Nội rồi mới có quyết định”, anh Mây nói.

Trường đại học Bách khoa Hà Nội sẵn sàng hỗ trợ Minh tốt nhất

PGS Huỳnh Quyết Thắng, Hiệu trưởng Trường đại học Bách khoa Hà Nội, cho biết nhà trường tôn trọng quyết định của em Minh và gia đình, với mong muốn em được tạo điều kiện thuận lợi nhất trong việc theo học đại học.
“Nếu em Minh học bên BUV, em ấy sẽ thuận lợi hơn trong việc đi lại do có cầu thang máy. Còn các khu giảng đường của Trường đại học Bách khoa Hà Nội vẫn chủ yếu chỉ có cầu thang bộ. Tuy nhiên, nếu em Minh lựa chọn học ở Bách khoa Hà Nội, nhà trường sẽ tìm cách tạo điều kiện thuận lợi nhất trong học hành, sinh hoạt cho em trong khả năng có thể”, PGS Thắng nói.
Cũng theo PGS Thắng, với những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn hoặc con gia đình chính sách, nhà trường đều có cơ chế miễn giảm học phí theo quy định chi tiết cho từng trường hợp. Ngoài hỗ trợ học phí, với những trường hợp học tập tốt nhưng tàn tật hoặc có hoàn cảnh khó khăn, con em chính sách,…nhà trường sẽ có quỹ học bổng hỗ trợ. Quỹ học bổng này do các cán bộ giáo viên nhà trường đóng góp và được xã hội hoá từ các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp hỗ trợ.
Còn theo PGS Tạ Hải Tùng, Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin và Truyền thông (SoICT), Trường đại học Bách khoa Hà Nội, nếu em Minh trở thành sinh viên của Viện, ngoài các khoản hỗ trợ của nhà trường, Viện cùng mạng lưới cựu sinh viên và doanh nghiệp cũng sẽ quan tâm, và có các chính sách phù hợp với em.
Theo PGS Tùng, nghe tin Minh đỗ ngành khoa học máy tính của Viện SoICT, một tập đoàn công nghệ toàn cầu (hiện tại xin phép được giấu tên), đã ngay lập tức triển khai chương trình hỗ trợ Minh một cách rất thiết thực. Trị giá mức hỗ trợ hiện nay là 55 triệu đồng, trong đó có 1 chiếc xe lăn điện 3 bánh (giá trị khoảng 1.500 USD); học bổng là học phí 1 năm đầu tiên của ngành công nghệ thông tin - khoa học máy tính (khoảng hơn 20 triệu). Ngoài ra, sẽ có một cán bộ được cử làm người trực tiếp hướng dẫn Minh trong suốt quá trình em học đại học.
PGS Tùng giới thiệu: “SoICT's EcoSystem có hệ sinh thái mạnh mẽ, bao gồm mạng lưới gần 300 doanh nghiệp thành viên, tương tác chặt chẽ. Chúng tôi đã tạo được sự hợp tác hiệu quả giữa "industry and academia" (công nghiệp và học thuật), hướng tới sự phát triển bền vững và nhân văn, mà người học là đối tượng thụ hưởng nhiều nhất”.
Tuy nhiên, PGS Tùng cho biết, nếu Minh quyết định theo học ở BUV thì cá nhân ông vẫn chúc mừng em, bởi đó là một trường đại học có năng lực tài chính và điều kiện cơ sở vật chất rất tốt. Nếu Minh theo học ở đó và được trường BUV hỗ trợ, chắc chắn điều kiện học hành của em rất thuận lợi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.