Thí sinh rải rác nộp hồ sơ

Dù các trường công bố chỉ tiêu bổ sung khá nhiều, nhưng trong ngày hôm qua (22.8), sau 2 ngày nhận hồ sơ, vẫn ít thí sinh đến xét tuyển.

Tình hình nhận hồ sơ xét tuyển bổ sung trong 2 ngày đầu ở các trường phía bắc không mấy khả quan.
Trường ĐH Y Hà Nội thông báo xét tuyển bổ sung 240 chỉ tiêu với mức điểm nhận hồ sơ từ 20,25 - 23,5 nhưng cho đến nay số hồ sơ mà trường nhận được chỉ vài chục. Còn Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cũng chỉ nhận được khoảng gần 100 phiếu đăng ký xét tuyển (trong khi số chỉ tiêu cần bổ sung là 840). Các trường khác như: Thủy lợi, Lâm nghiệp... cũng chỉ nhận được vài chục hồ sơ trong khi trường nào cũng có nhu cầu xét tuyển bổ sung hàng trăm chỉ tiêu.

tin liên quan

Trúng tuyển mà đau!
Đây là thư của một thí sinh gửi đến một trường ĐH công lập lớn ở TP.HCM đang xét tuyển đợt bổ sung. 

“Chắc tiếp tục ảo nhiều”
Theo cán bộ tuyển sinh của các trường, nguyên nhân có thể do thời tiết mấy hôm nay ở miền Bắc không thuận lợi, mưa to liên tục. Tuy nhiên, có thể còn những nguyên nhân khác, nhưng vì năm nay dữ liệu xét tuyển phức tạp nên đến thời điểm này chưa trường nào nhận diện lý do chính xác.
Trường ĐH Sài Gòn bố trí một hội trường rộng khoảng 500 chỗ ngồi, tuy nhiên rải rác thí sinh (TS) nộp hồ sơ. Một TS ở Bình Chánh, TP.HCM cho biết: “Em được 19,75 điểm và rớt nguyện vọng 1 do nộp vào Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM và Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM. Em đăng ký vào trường này ngành công nghệ thông tin nhưng không biết có hy vọng trúng tuyển không”. Theo đại diện nhà trường, trường xét thêm 580 chỉ tiêu, với mức điểm TS nộp hồ sơ 2 ngày đầu, hy vọng có thể tuyển đủ TS với điểm chuẩn bằng hoặc cao hơn nguyện vọng 1. Trong đó, riêng các ngành CĐ khó tuyển, trường hạ điểm nhận hồ sơ đợt bổ sung thấp hơn nguyện vọng 1 là 1 điểm, điểm trúng tuyển có thể bằng hoặc thấp hơn nguyện vọng 1.

Tại Trường ĐH Mở TP.HCM, số TS đến nộp hồ sơ cũng rải rác chứ không tập trung ồ ạt như đợt 1. Tuy nhiên, theo thống kê sơ bộ, trong 2 ngày trường đã nhận được khoảng 500 hồ sơ, trong đó số lượng TS nộp trực tuyến đông hơn hẳn. PGS-TS Nguyễn Minh Hà, Trưởng phòng Đào tạo, cho biết: “Trường chỉ xét thêm khoảng 380 chỉ tiêu. Đợt 1 chúng tôi nhận định về số lượng ảo tương đối chính xác, lên đến 50%. Ở đợt 2 này, chắc chắn tiếp tục ảo nhiều”.
Nguyễn Trâm Anh (Đồng Nai) được 18 điểm khối A1, đợt 1 chỉ nộp vào Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM nên không có thêm cơ hội nào khác. Rút kinh nghiệm, đợt này Trâm Anh nộp vào cùng lúc 3 trường ĐH: Mở TP.HCM, Tài chính - Marketing và Đồng Nai. Còn Lê Đặng Lan Anh (TP.HCM) cho biết: “Em được 19,6 điểm, rớt ĐH Kinh tế TP.HCM và Tài chính - Marketing. Lần này, Tài chính -Marketing hạ điểm nên em nộp vào lại, đồng thời nộp thêm Mở TP.HCM và Công nghệ TP.HCM cho chắc”.

Nhiều trường thông báo xét bổ sung muộn
Dù đã bước sang ngày thứ 2 nhận hồ sơ xét tuyển nguyện vọng bổ sung nhưng vẫn có thêm nhiều trường tiếp tục thông báo xét tuyển bổ sung muộn. Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM tuyển thêm 80 chỉ tiêu bậc ĐH mức điểm 16 trở lên và 65 chỉ tiêu CĐ từ 12 trở lên. Trong ngày đầu tiên, trường nhận được trên 100 hồ sơ (trong đó chủ yếu qua hình thức trực tuyến).
Trong khi đó, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM có thông báo giảm chỉ tiêu xét tuyển. Tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng Hiếu, Trưởng phòng Đào tạo, cho biết trường dự kiến tuyển bổ sung hơn 2.000 chỉ tiêu nhưng đến thời điểm này sau khi đã tổng hợp hết số lượng TS nộp hồ sơ, trường chỉ cần tuyển khoảng 1.300 chỉ tiêu. So với trước đó, chỉ tiêu tuyển thêm nhiều ngành giảm mạnh như: giáo dục chính trị giảm từ 40 xuống 11, sư phạm tin học từ 50 xuống 33, sư phạm vật lý 20 xuống 5, giáo dục thể chất 20 xuống 4, ngôn ngữ Anh 180 xuống 121... Tính đến chiều qua, trường đã nhận được 470 hồ sơ.
Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch cũng thông báo xét tuyển bổ sung thêm 5 ngành với mức điểm từ 18,75 trở lên. Trong đó, riêng ngành điều dưỡng tuyển nhiều nhất với 49 chỉ tiêu.

tin liên quan

Thí sinh có sự lựa chọn khác
Có nhiều lý giải cho hiện tượng nhiều trường ĐH, kể cả những trường 'tốp trên' vẫn không tuyển đủ thí sinh trong đợt xét tuyển đầu tiên. Phóng viên Thanh Niên đã phỏng vấn Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga để tìm hiểu nguyên nhân.

Trường hạ điểm xét tuyển, thí sinh ấm ức
Ngày 20.8, khi Trường ĐH Y Dược TP.HCM công bố xét tuyển bổ sung cả các ngành có mức điểm xét tuyển thấp hơn điểm chuẩn đã công bố trước đó, hàng loạt phụ huynh đã đến tận trường nghe lời giải thích. Các TS này do không trúng tuyển đợt 1 vào trường đã nộp giấy kết quả thi ở trường khác. Trong khi đó, điểm thi lại cao hơn điểm xét tuyển bổ sung hiện nay của trường nhưng không còn cơ hội xét tuyển. Các phụ huynh và TS rất ấm ức cho rằng như vậy là không công bằng.
Chiều 21.8, chúng tôi đã chứng kiến đến 3 phụ huynh ở các tỉnh dẫn TS đến Trường ĐH Y Dược TP.HCM hỏi về chuyện này và mong muốn được rút hồ sơ đã trúng tuyển từ trường khác để nộp vào trường do đáp ứng được điểm xét tuyển nguyện vọng bổ sung. Rõ ràng, theo quy định, những TS này không thể rút giấy chứng nhận điểm. Vả lại, dữ liệu trúng tuyển của TS đã được Bộ GD-ĐT cập nhật. Các cán bộ tuyển sinh của Trường ĐH Y Dược TP.HCM chỉ có thể giải thích về quy định này và khuyên TS không nên nộp hồ sơ xét tuyển để tạo cơ hội cho các TS khác.
Trường ĐH Y Dược TP.HCM cũng đã nhận được đến 200 hồ sơ xét tuyển bổ sung. Tuy nhiên, trong số này chưa biết có bao nhiêu TS đã nộp giấy chứng nhận điểm cho trường khác. Điểm thi của TS cũng không cao, đa phần nằm trong mức điểm từ 20 - 23 điểm. Theo nhận định của đại diện nhà trường, ngành dược học tuyển 102 chỉ tiêu với điểm xét tuyển 23,5 vẫn có nhiều khả năng không tuyển đủ đợt này.
Trong khi đó, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch mới chỉ nhận được vài chục hồ sơ và mức điểm của TS cũng không cao.
Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ sẽ trả hồ sơ cho thí sinh
Theo ông Vũ Văn Hóa, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ, trường đã thực hiện theo yêu cầu của Bộ GD-ĐT là ngừng tuyển sinh ngành y đa khoa, cho dù trước đó trường từng thông báo điểm chuẩn trúng tuyển của ngành này là 18.
Hiện nay trường vẫn giữ một số hồ sơ đăng ký xét tuyển của TS (trong đó có một số TS đã nộp giấy chứng nhận kết quả thi). “Ai đến lấy thì trường sẽ trả. Một số em đã lấy rồi, một số vẫn nhất quyết chờ bao giờ trường được tuyển sinh thì sẽ học”, ông Hóa nói.
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT, cho biết: “Bộ đã yêu cầu trường thực hiện đúng quy định của quy chế tuyển sinh. Trong quy chế cũng đã quy định rõ việc xử lý nếu các trường vi phạm”.
Quý Hiên
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.