Thi THPT quốc gia: Con thi ở Quảng Ngãi, mẹ đứng khóc trước cổng trường thi TP.HCM

Thúy Hằng
Thúy Hằng
26/06/2019 06:27 GMT+7

'Sáng nay con thi, mà tôi không có tiền, không thể về quê được, chỉ biết đứng ở trường này đợi, con người ta thi được thì con mình cũng thi được ', người mẹ ve chai, lam lũ trong chiếc áo cũ sờn lau nước mắt.

Cùng nhiều phụ huynh đứng đợi con em mình thi THPT quốc gia, sáng 25.6 trước cổng Trường THPT Lê Minh Xuân (xã Lê Minh Xuân, H.Bình Chánh, TP.HCM), tôi đặc biệt chú ý tới một phụ nữ dáng người nhỏ bé, dắt theo một chiếc xe đạp cũ, trên đó lỉnh kỉnh chai lọ nhựa. Lại gần hỏi chuyện mới hay, đó là một người mẹ, con của cô cũng thi năm nay, chỉ có điều con thi ở Quảng Ngãi, vì hoàn cảnh ngặt nghèo, cô chỉ biết ngóng về con ở giữa đất khách quê người.

“Con sẽ hiểu được lòng mẹ”

Cô giới thiệu tên là Trần Thị Minh Trà, 47 tuổi, quê ở xã Nghĩa Kỳ, H.Tư Nghĩa, Quảng Ngãi. Hai vợ chồng vào TP.HCM mưu sinh với nghề thu mua ve chai, phế liệu 20 năm nay.

Cô Trà có 2 người con trai, con lớn đã ra trường và đang làm việc tại Nhơn Trạch (Đồng Nai), con trai út tên Phạm Ngọc Tuyền, học sinh chuyên toán Trường THPT chuyên Lê Khiết (Quảng Ngãi). Nhớ thương lo âu cho Tuyền trong những ngày thi THPT quốc gia căng thẳng nhưng cô Trà không thể về quê vì mẹ chồng mới mất, hai vợ chồng phải nghỉ việc một thời gian dài để chăm sóc, lo hậu sự, bây giờ nếu tiếp tục nghỉ thì không thể có tiền.
“Mẹ chồng tôi mới mất được 20 ngày. Nhớ con lắm, mà không sao về quê được. Tối qua gọi điện cho con, sáng sớm nay lại điện, nhưng mà tôi lo. Sáng dắt xe đi mua ve chai, mua được mấy cái lại đứng trước cổng trường này xem các con có làm được bài không, con người ta làm được thì con mình cũng làm được”, cô Trà rớm nước mắt.
Cô bộc bạch: “Con ở xa sẽ hiểu được lòng mẹ, mẹ ngóng trông con thế này, tôi tin con cũng cảm nhận được, và sẽ yên lòng để làm bài cho thật tốt”.

Con biết đi đã phải xa mẹ

Người phụ nữ mắt đỏ hoe kể hai vợ chồng ở trọ trong xã Phạm Văn Hai, H.Bình Chánh, cả hai người con đều phải gửi bà ngoại chăm sóc từ lúc chúng biết đi. “Con biết đi là xa cha mẹ biền biệt. Một năm tôi được về thăm con vài ngày tết, ngày chúng bé, thấy cha mẹ không dám lại gần, vì lạ quá. Giá như có cha, mẹ ở bên những lúc thi cử thế này, đằng này có một thân một mình. Tôi gọi điện cứ nhắc con hoài là phải ăn uống cẩn thận, làm bài thi cho tốt nha con”, người mẹ rưng rưng.
Niềm động viên, an ủi cô Trà nhất trong những ngày mua ve chai ở đất khách, đó là cả hai con trai đều ngoan, tự lập, học giỏi và có ý chí, nhất là Tuyền. “Nó ở trong phòng học hoài, như người ta đẻ rồi ở cữ vậy. Cứ ôm cái bàn học, máy vi tính, sách vở suốt từ sáng tới tối muộn. Mấy ngày tôi về lo đám tang bà nội nó, giục ra ăn cơm mãi mới thấy nó. Tuyền ngoan, học giỏi toán lắm, con mong thi đậu Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, tôi cũng mong lắm, để cha mẹ con cái được đoàn tụ ở Sài Gòn này”, cô Trà nói, đôi mắt hướng về sau cánh cổng trường, ngỡ rằng con trai mình đang trong nơi ấy.
Mẹ bán vé số, đợi con làm bài thi
Tay cầm một xấp vé số mời chào các phụ huynh ngoài cổng Trường THPT Lê Minh Xuân (H.Bình Chánh, TP.HCM), cô Nguyễn Hồng Loan, (ảnh , 55 tuổi, trú xã Vĩnh Lộc B) âu lo không biết con trai mình có làm được bài không. “Sáng tôi hỏi con, để mẹ đưa con đi nhé, con nói để tự con đi cũng được. Nhưng tôi cứ sốt ruột, nên thay vì mang vé số ra khu khác bán, tôi ra đây bán luôn, để đợi con”, cô Loan thật thà kể.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.