Thi THPT quốc gia: Vẫn tiếp tục... buông chấm tự luận?

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
02/05/2019 09:34 GMT+7

3 giáo viên chấm thi tự luận ở Hòa Bình vừa bị khởi tố cùng với khoảng 11 - 16% bài môn ngữ văn trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 ở các tỉnh được chấm thẩm định đều giảm điểm so với kết quả ban đầu cho thấy những lo ngại về việc chấm chặt - lỏng với môn thi này là hoàn toàn có cơ sở.

Trong khi đó, để tránh những sai phạm “động trời” trong chấm thi THPT quốc gia 2018, kỳ thi năm 2019, Bộ GD-ĐT quyết định giao các trường ĐH chủ trì việc chấm thi trắc nghiệm. Tuy nhiên, riêng chấm thi ngữ văn - môn tự luận duy nhất thì vẫn giao cho các địa phương chủ trì như trước.

Hà Nội, TP.HCM “thua” xa Hậu Giang, Thái Nguyên…

Năm 2018, cả nước có 901.806 thí sinh (TS) dự thi môn ngữ văn, điểm trung bình môn này là 5,45. Có 32,3% TS điểm dưới trung bình, trong đó 783 TS bị điểm liệt (từ 0 đến dưới 1). Văn là môn duy nhất không có điểm 10.
10 địa phương có điểm trung bình môn văn cao nhất: Hậu Giang, Hà Nam, Hà Tĩnh, An Giang, Bạc Liêu, Thái Nguyên, Bình Thuận, Nam Định, Ninh Bình, Đồng Tháp. Tỉnh Hậu Giang dẫn đầu về điểm trung bình môn văn với 6,49. Trong hơn 6.000 TS dự thi của tỉnh này, có 89 TS đạt từ 9 trở lên, chỉ 3 TS bị điểm liệt.
Hà Nam, Hà Tĩnh, An Giang, Bạc Liêu... nằm trong tốp 10 địa phương có điểm trung bình văn cao nhất. Điểm số nhiều TS đạt được nhất là 6. Hà Nội, TP.HCM đều xếp vị trí thấp, lần lượt đứng thứ 33, 34 về điểm văn trên cả nước. Các địa phương ở tốp cuối gồm Lai Châu, Sơn La, Đăk Nông, Kon Tum, Đà Nẵng, Thừa Thiên-Huế và Quảng Ninh...
Một giáo viên dạy văn ở trường THPT có tiếng ở Hà Nội cho biết dù không tham gia chấm thi nhưng đọc hướng dẫn chấm và nhìn vào kết quả có thể thấy hiện tượng chấm thi “không đều tay” đã xảy ra ở một số địa phương. Hà Nội có 70 điểm 9 ở môn văn nhưng nếu tính ra hơn 100 trường THPT trên toàn thành phố thì nghĩa là trung bình mỗi trường chỉ đạt tỷ lệ 0,7 học sinh đạt điểm 9 ở môn thi này, kể cả các trường chuyên. “Kết quả như vậy không thể phản ánh đúng thực tế tình hình học của Hà Nội so với các địa phương khác”. Tình trạng này cũng tương tự ở TP.HCM, Đà Nẵng... “Vậy có thể đặt ra vấn đề những thành phố lớn, có chất lượng giáo dục cao như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng… chấm “chặt” hay các địa phương trên chấm “lỏng?”, giáo viên này nêu vấn đề.
Thi THPT quốc gia: Vẫn tiếp tục... buông chấm tự luận ?1
Phổ điểm môn ngữ văn kỳ thi THPT quốc gia 2018 có dáng mất cân đối so với các môn khác

Hình dáng phổ điểm bất bình thường

Phân tích phổ điểm môn ngữ văn năm 2018, Hệ thống giáo dục Hocmai nhận định: So với phổ điểm của các môn thi THPT quốc gia năm 2018, có thể thấy môn ngữ văn có dáng hình phổ điểm mất cân đối. Điều này được thể hiện cụ thể như sau: Hình dáng phổ điểm không được thể hiện theo chuẩn (quả chuông) và có xu hướng hơi lệch phải với đỉnh của phổ ở mức 6; phổ điểm xuất hiện quá nhiều hiệu ứng răng cưa, mức độ biến động liên tục nhưng không theo quy luật thông thường là thoải dần về hai phía từ đỉnh phổ và điều đó gây ra sự bất bình thường.
Ví dụ, theo nguyên tắc chung, số TS ở mức 7 điểm phải ít hơn số TS ở mức 6,75 nhưng ở đây kết quả lại ngược lại. Dáng hình đồ thị liên tục lên, xuống theo từng dải điểm khiến cho phổ không có sự tương xứng và không đạt chuẩn. Điều này cho thấy mức độ phân hóa TS của đề thi chưa cao, có thể gây khó khăn cho công tác tuyển sinh.

Chấm “lệch” gần 16%

Tại Lạng Sơn, kết quả chấm thẩm định môn văn của Hội đồng chấm thẩm định - Bộ GD-ĐT, cho biết: Sau khi tiến hành chấm thẩm định 51 bài thi môn ngữ văn, so với kết quả Hội đồng thi Sở GD-ĐT tỉnh Lạng Sơn công bố ngày 11.7, không bài thi nào có điểm tăng lên; 8 bài giảm điểm (chiếm 15,7%). Trong đó có 4 bài thi giảm 1,25 điểm, 3 bài giảm 1,5 điểm, 1 bài giảm 1,75 điểm (trong đó có 0,5 điểm do cán bộ chấm thi cộng nhầm cơ học).
Còn tại Sơn La, Hội đồng chấm thẩm định đã tiến hành chấm thẩm định 110 bài thi môn ngữ văn nghi vấn có dấu hiệu điểm cao bất thường. Kết quả cho thấy có 12 bài thi có điểm thấp hơn so với lần chấm đầu từ 1 điểm trở lên; trong đó có 1 bài điểm thấp hơn 4,5 điểm so với chấm lần đầu.
Từ những kết luận này, dư luận đặt câu hỏi: Tỷ lệ sai sót trong chấm thi chiếm tới 15,7% (8/51 bài thi) ở Lạng Sơn, hay hơn 10% ở Sơn La là một sai số lớn hay nhỏ trong việc chấm thi ở một kỳ thi đặc biệt quan trọng như kỳ thi THPT quốc gia?
Cần lưu ý rằng từ năm 2018, điểm thi tự luận được quy định làm tròn tới tận 2 chữ số thập phân chứ không phải 0,25 như trước kia, nghĩa là chỉ một sai số vô cùng nhỏ cũng khiến một học sinh từ đỗ thành trượt và ngược lại. Trong kỳ thi với cả hai mục đích, vừa xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ, một sai sót nhỏ cũng ảnh hưởng tới cả tương lai của một con người.
Tăng cường chấm kiểm tra
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT, cho biết: Phòng bảo quản đề thi, bài thi, chấm thi trắc nghiệm cũng như chấm thi tự luận phải đảm bảo có camera (không kết nối internet) an ninh giám sát ghi hình các hoạt động bên trong phòng 24 giờ/ngày.
Với chấm thi tự luận, năm nay có những điểm mới, bổ sung như sau: Phải chấm hai vòng độc lập và chấm kiểm tra ngay trong quá trình chấm thi nhằm mục đích phát hiện, xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh. Lãnh đạo ban chấm thi lựa chọn ngẫu nhiên một số bài đã chấm (có thể chọn cả túi) hoặc chọn ra những bài có nghi vấn được 3 cán bộ chấm thi cho điểm khác nhau nhiều trước khi thống nhất điểm; chọn các bài thi có điểm cao trong hội đồng thi để thực hiện chấm kiểm tra. Kết quả chấm kiểm tra chỉ ghi vào phiếu chấm cá nhân, không ghi điểm vào bài làm của TS.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.