Thi THPT, xét tuyển ĐH: Có chứng chỉ quốc tế, có nên đăng ký thi ngoại ngữ?

Hà Ánh
Hà Ánh
03/05/2021 09:23 GMT+7

Không chỉ được miễn thi tốt nghiệp, thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế còn nhiều ưu thế khác trong xét tuyển vào ĐH.

Nhưng với cách thức đa dạng trong xét tuyển chứng chỉ này, nếu không lưu ý thí sinh (TS) có thể đánh mất cơ hội được hưởng những lợi thế lớn trong xét tuyển.

Thí sinh nào nên dự thi môn ngoại ngữ ?

Theo hướng dẫn tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD-ĐT, TS có chứng chỉ ngoại ngữ có giá trị sử dụng đến ngày 6.7.2021 và đạt mức điểm tối thiểu theo quy định sẽ được miễn thi môn ngoại ngữ trong xét công nhận tốt nghiệp năm nay. Các TS được tính 10 điểm cho bài thi ngoại ngữ khi dùng để xét tốt nghiệp THPT, có thể sử dụng điểm này để xét tuyển vào một số trường ĐH.
Tuy nhiên, việc trường có chấp nhận điểm làm điểm xét tuyển hay không được quy định cụ thể trong đề án tuyển sinh của từng trường. Các trường cũng có những quy định khác nhau trong cách tính điểm cho những TS có chứng chỉ này. Trong trường hợp sử dụng điểm ngoại ngữ để xét tuyển vào các trường không chấp nhận điểm miễn thi tốt nghiệp, TS cần đăng ký dự thi môn ngoại ngữ trong kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Hiện các trường đang có những quy định khác nhau khi xét điểm thi môn tiếng Anh. PGS-TS Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cho biết: “TS cần xem kỹ đề án các trường, trong danh sách trường mình dự định ứng tuyển nếu có trường không đồng ý điểm quy đổi thì phải dự thi môn tiếng Anh. Nếu điểm quy đổi chưa cao, TS cũng nên dự thi để có khả năng đạt điểm cao hơn”.
Phần lớn các ngành và chương trình của Trường ĐH Bách khoa TP.HCM năm nay đều sử dụng tổ hợp có môn tiếng Anh. Điểm đáng chú ý trong đề án tuyển sinh năm nay là trường chấp nhận điểm quy đổi từ chứng chỉ quốc tế cho môn thi này trong xét tuyển. Cụ thể, TS có chứng chỉ IELTS từ 6.0 trở lên (hoặc các chứng chỉ tương đương khác) sẽ được tính 10 điểm môn tiếng Anh trong tổ hợp có chứa môn này.
Trong khi đó, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM không sử dụng điểm quy đổi từ chứng chỉ ngoại ngữ dùng miễn thi trong xét tốt nghiệp làm điểm khi xét tuyển các ngành của trường. Tuy nhiên, TS có chứng chỉ ngoại ngữ trong nước hoặc quốc tế sẽ được ưu tiên trong phương thức ưu tiên xét tuyển của trường. Thạc sĩ Lê Phan Quốc, Phó trưởng phòng Đào tạo, cho biết năm nay trường dành tối đa 20% chỉ tiêu từng ngành để xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển. Trong đó, trường xét tuyển thẳng học sinh của 82 trường THPT chuyên, năng khiếu trong toàn quốc có xếp loại học lực lớp 12 chuyên năm học 2020 - 2021 từ giỏi trở lên. Học sinh khi xét tuyển vào các ngành ngoại ngữ cần đạt một trong các điều kiện theo thứ tự ưu tiên, trong đó tiêu chí xếp thứ 3 là chứng chỉ ngoại ngữ B2 theo Khung tham chiếu trình độ ngoại ngữ chung châu Âu trở lên hoặc tương đương (tương đương IELTS 5.5).

Cùng một trường nhưng quy định khác nhau tùy phương thức xét tuyển

Không cộng trực tiếp điểm miễn thi ngoại ngữ trong xét tốt nghiệp, một số trường xem chứng chỉ ngoại ngữ như một tiêu chí trong xét tuyển thẳng.
Trường ĐH Y Dược TP.HCM sử dụng chứng chỉ tiếng Anh quốc tế trong phương thức xét tuyển kết hợp với điểm 3 môn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, dành cho 25% chỉ tiêu 4 ngành. Trong đó, các ngành y khoa, răng - hàm - mặt, dược học và điều dưỡng, xét TS đạt điểm IELTS 6.0 trở lên hoặc tương đương, riêng ngành điều dưỡng từ 5.0 trở lên. PGS-TS Nguyễn Ngọc Khôi, Trưởng phòng Đào tạo nhà trường, cho biết ở phương thức này chứng chỉ tiếng Anh là điều kiện cần. TS chỉ cần đạt IELTS 6.0 trở lên hoặc tương đương là đủ điều kiện tham gia xét, không phân biệt mức điểm đạt được của các chứng chỉ. Sau điều kiện cần này, những TS có tổng điểm 3 môn theo tổ hợp cao hơn sẽ được xét trúng tuyển từ cao xuống thấp cho đến khi đủ chỉ tiêu. Trong khi đó, ở phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT của trường không có tổ hợp chứa môn tiếng Anh, TS không cần đăng ký dự thi môn này nếu muốn tham gia xét tuyển vào trường.
Phương thức xét tuyển của Trường ĐH Luật TP.HCM với môn ngoại ngữ trong năm nay cũng khá đặc biệt. Cụ thể, trường ưu tiên xét tuyển thẳng, TS đạt từ IELTS 5.0 trở lên hoặc TOEFL iBT 61 điểm trở lên môn tiếng Anh (ngoài ra còn xét tiếng Pháp, tiếng Hàn). Đồng thời TS này cần đạt điểm trung bình 5 học kỳ (trừ học kỳ 2 lớp 12) 3 môn thuộc tổ hợp xét tuyển đạt tổng cộng 21 điểm trở lên.
Theo thạc sĩ Lê Văn Hiển, Phó trưởng phòng Đào tạo nhà trường, việc ràng buộc điểm học bạ này nhằm tuyển được TS có năng lực từ khá trở lên các môn theo tổ hợp xét tuyển, tránh tình trạng TS có chứng chỉ ngoại ngữ nhưng điểm các môn khác chỉ ở mức trung bình.
Nhưng cũng tại Trường ĐH Luật TP.HCM, TS xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT với tổ hợp có chứa môn ngoại ngữ bắt buộc phải đăng ký dự thi môn này để có kết quả xét tuyển. Theo thạc sĩ Hiển, 2 phương thức xét tuyển này độc lập nhau; TS có chứng chỉ ngoại ngữ có thể sử dụng phương thức ưu tiên xét tuyển thẳng, còn TS không có chứng chỉ ngoại ngữ có thể sử dụng phương thức xét điểm thi để công bằng với tất cả TS.
Trường ĐH Ngoại thương cơ sở TP.HCM cũng sử dụng chứng chỉ quốc tế cho phương thức xét tuyển sinh nhưng điểm quy đổi từ chứng chỉ này chỉ là một trong 3 điểm thành phần (bên cạnh điểm thi tốt nghiệp THPT của 2 môn khác theo tổ hợp xét tuyển). Trước đó, các TS diện này phải đạt điều kiện cần là điểm trung bình chung 5 học kỳ từ 7,5 trở lên và hạnh kiểm từng năm loại khá trở lên. Đặc biệt, trong bảng điểm quy đổi chứng chỉ quốc tế của trường này, để đạt 10 điểm môn tiếng Anh người học cần có chứng chỉ IELTS từ 8.0 trở lên. Cũng tại Trường ĐH Ngoại thương, ở phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT, TS vẫn phải dự thi môn ngoại ngữ để xét tuyển bằng các tổ hợp chứa môn này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.