Thi tốt nghiệp THPT 2022: Căng thẳng bàn cách chặn gian lận

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
02/07/2022 07:25 GMT+7

Việc phát hiện và khởi tố vụ án gian lận thi cử bằng thiết bị công nghệ cao trong kỳ thi năm ngoái khiến những người tổ chức chuẩn bị kỳ thi năm nay căng mình tìm cách ứng phó, ngăn chặn tình trạng này tái diễn.

Ngày 30.6 và 1.7 vừa qua, ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, đã kiểm tra công tác chuẩn bị kỳ thi này tại hàng loạt địa phương gồm: Hà Nội, Hà Nam, Hải Phòng…

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ (ngoài cùng bên phải) kiểm tra công tác chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT trong ngày 1.7

NGUYỄN MẠNH

Yêu cầu 100% TS ký cam kết không vi phạm

Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, A03 Bộ Công an đã phát hiện và khởi tố vụ án và các cá nhân, trong đó có thí sinh (TS) tại Hà Nam sử dụng thiết bị công nghệ cao để gian lận thi cử. Thủ đoạn của các đối tượng hết sức tinh vi, có sự tổ chức, chuẩn bị kỹ lưỡng, xây dựng thành quy trình sử dụng kết hợp nhiều loại thiết bị ghi âm ghi hình ngụy trang, quay chụp tài liệu, liên lạc giữa bên trong phòng thi với bên ngoài. Các đối tượng cầm đầu lên mạng tìm kiếm người có thể giải đề thi để gộp thành một nhóm, sau đó tập hợp những TS có nhu cầu gian lận.

Cũng chính vì phát giác gian lận nói trên và rà soát thị trường, phía Bộ Công an nhận thấy hiện nay công nghệ phát triển nhanh, khoảng cách thu phát có thể xa hơn, nên đã đề nghị Bộ GD-ĐT hướng dẫn vật dụng, tư trang của TS phải để cách phòng thi tối thiểu 25 m.

Liên quan đến nội dung này, ông Trần Xuân Dưỡng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam, cho hay: “Do gian lận quá tinh vi nên năm ngoái nếu không có A03 của Bộ Công an thì chúng tôi cũng không thể có biện pháp nghiệp vụ phát hiện được”. Cũng chính vì vậy, theo ông Dưỡng, năm nay việc phòng ngừa gian lận thi cử bằng thiết bị công nghệ cao được đặc biệt coi trọng. Ban chỉ đạo thi của tỉnh yêu cầu phải đẩy mạnh tuyên truyền không chỉ đối với TS mà còn cả cha mẹ các em.

Một lãnh đạo Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Hà Nam thông tin do năm ngoái có vấn đề này “gợn lên” ở địa phương nên năm nay ngành công an của tỉnh này đã phối hợp với ngành GD-ĐT tổ chức hội nghị tuyên truyền trực tiếp tới từng nhà trường, TS, cán bộ, giáo viên làm công tác thi năm nay. Ngoài phổ biến, hướng dẫn quy chế thi cho TS dự thi, Công an tỉnh Hà Nam còn chỉ đạo Phòng PA03 phối hợp với 24 trường THPT tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định về bảo vệ bí mật nhà nước liên quan đến công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, tất cả học sinh lớp 12 và phụ huynh học sinh đã ký cam kết.

Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hải Phòng Đỗ Văn Lợi thì bày tỏ lo lắng cán bộ coi thi rất khó nhận diện thiết bị gian lận công nghệ cao trong thời gian làm bài thi, nếu TS cố tình sử dụng thì phải xử lý ra sao? Ông Lợi dẫn ví dụ trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 của địa phương vừa diễn ra, có TS đeo kính, có điểm hơi to ở tai, cán bộ coi thi nghi ngờ đành báo cáo trưởng điểm thi lập biên bản và nhờ lực lượng công an xác minh thiết bị sau khi em này đã hoàn thành toàn bộ bài thi. Kết quả xác minh của cơ quan công an cho thấy, kính TS sử dụng trong phòng thi có khả năng thu phát và em này sau đó đã bị kỷ luật hủy toàn bộ bài thi, kỳ thi tuyển sinh lớp 10.

Thí sinh làm thủ tục thi tốt nghiệp THPT năm 2021

ngọc thắng

Sẽ xử lý hình sự lộ lọt đề thi

Ông Lê Mỹ Phong, Phó cục trưởng phụ trách Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT), cho biết quy định về thời gian bảo vệ độ tối mật của đề thi năm nay khác hẳn năm trước, với 2/3 thời gian làm bài đối với môn thi tự luận và toàn bộ thời gian làm bài với môn thi theo hình thức trắc nghiệm. Nếu cá nhân, tổ chức nào vi phạm làm lộ lọt đề thi trong thời gian này sẽ bị xử lý hình sự. “Trước khi phát đề thi cho TS, đề nghị các giám thị một lần nữa tuyên truyền, nhắc nhở TS kiểm tra xem có mang vật dụng, thiết bị gì không được phép vào phòng thi hay không, để tránh những vi phạm không đáng có. Bên cạnh đó, giám thị cũng phải có biện pháp giám sát chặt chẽ suốt quá trình làm bài của TS”…

Thiếu tướng Nguyễn Hồng Thủy, Phó cục trưởng Cục Kỹ thuật nghiệp vụ (Bộ Công an), chỉ ra do nhiều điểm thi của Hà Nội gần nhà dân bởi trường học nằm trong khu dân cư nên cần cố gắng rà soát, kiểm tra nhắc nhở hoặc yêu cầu các hộ dân ký cam kết.

Hà Nội chi khoảng 62 tỉ đồng cho kỳ thi

Hà Nội là địa phương có số lượng TS dự thi lớn nhất cả nước với 97.988 TS đăng ký dự thi (chiếm khoảng 1/10 số TS trên cả nước),181 điểm thi chính thức và 60 điểm thi dự phòng. Sở GD-ĐT Hà Nội cũng phải huy động tới 14.096 cán bộ, công chức, viên chức tham gia công tác coi thi; 695 người tham gia công tác chấm thi…

Do quy mô lớn nên kinh phí cho kỳ thi này tại Hà Nội lên tới khoảng 62 tỉ đồng. Trong đó, in sao đề thi là 2,4 tỉ đồng, coi thi 29 tỉ, chấm thi 10 tỉ...

Ông Chử Xuân Dũng, Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội, cho rằng tính chủ động, yêu cầu nắm chắc quy chế luôn được Ban chỉ đạo thi của TP đặt lên hàng đầu, rà soát tất cả các điều kiện để đảm bảo kỳ thi diễn ra an toàn; đặc biệt coi trọng công tác tuyên truyền giải thích để TS không mang các thiết bị gian lận vào phòng thi. Theo ông Dũng, nếu giám thị làm hết trách nhiệm trước và trong quá trình coi thi, sẽ khắc phục được tình trạng này, Hà Nội sẽ không còn là địa phương dẫn đầu về số lượng TS vi phạm quy chế do mang điện thoại và các trang thiết bị không được phép vào phòng thi như các năm trước nữa.

Ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, nhấn mạnh vì tính chất quan trọng của kỳ thi nên một sơ suất nhỏ có thể gây ra hậu quả rất lớn. Ông Độ đề nghị chuẩn bị kỹ về nhân sự, cơ sở vật chất, bố trí đủ về số lượng chính thức và dự phòng; chất lượng nhân sự phải được đặc biệt coi trọng, được tập huấn kỹ lưỡng…; đảm bảo an ninh, an toàn các khâu của kỳ thi; có biện pháp phát hiện, phòng ngừa các hình thức gian lận công nghệ cao; tăng cường thanh tra, kiểm tra để phòng ngừa vi phạm; phân loại học sinh F0, F1 để bố trí phòng thi phù hợp; không chủ quan với công tác phòng chống dịch bệnh…

Ông Độ cũng yêu cầu hạn chế tối đa giám thị và TS vi phạm quy chế do vô tình, do chưa được tập huấn, tuyên truyền đủ sâu rộng về quy chế thi; cương quyết xử lý các trường hợp cố tình vi phạm dù đã nhắc nhở kỹ. Bên cạnh đó, ông Độ yêu cầu từ nay đến sát ngày thi cần có danh sách và cập nhật hằng ngày số TS nhiễm Covid-19, nguyện vọng xin đặc cách tốt nghiệp hay vẫn xin dự thi, từ đó có phương án phù hợp, tránh bị động khi TS F0 đến trường thi.

Chia sẻ cách đạt kết quả tốt nhất trong kỳ thi

Tại Trường THPT B Phủ Lý (Hà Nam), học sinh lớp 12 vẫn đang trong những ngày cuối cùng ôn tập, “chạy đua nước rút” cho kỳ thi tốt nghiệp THPT. Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ chia sẻ khó khăn với học sinh trong khi vừa qua học sinh phải học trực tuyến kéo dài để phòng ngừa dịch bệnh; vừa phải nỗ lực để đảm bảo chất lượng. “Do vậy, tôi rất cảm động khi các em đều nói đã sẵn sàng cho kỳ thi này, các em khắc phục khó khăn của việc học trực tuyến bằng cách cố gắng tự học, coi việc học như một nhu cầu chứ không phải bị bắt buộc”, ông Độ nói. Ông Độ còn dặn dò học sinh về “bí quyết” làm bài thi để đạt kết quả tốt nhất, đó là: đọc kỹ đề, cẩn thận, chính xác khi làm bài; ngoài ra, không quên tốc độ làm bài phải phù hợp với thời gian quy định của từng môn thi.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.