Thi tốt nghiệp THPT 2023: Những điều suy ngẫm từ đề môn văn

30/06/2023 11:05 GMT+7

Nhiều nhận định, đánh giá đề thi văn kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 với đủ cung bậc, khen, chê, ý kiến trái chiều. Từ những điều suy ngẫm về đề văn cho thấy những mong chờ trong đổi mới dạy học, thi cử.

Trước những góp ý về đề thi môn văn kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023, ngành giáo dục cần tiếp thu sâu sắc, thẳng thắn, cởi mở để từ đó cải thiện cấu trúc đề thi văn, tiếp tục đổi mới dạy - học - kiểm tra môn văn trong nhà trường vừa đáp ứng yêu cầu của xã hội vừa thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023: Những điều suy ngẫm từ đề thi môn văn  - Ảnh 1.

Thí sinh trao đổi sau giờ thi môn văn kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023

ĐÀO NGỌC THẠCH

 Cấu trúc đề thi "thân quen" vì mục đích... an toàn

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 và những năm gần đây theo mục đích "2 trong 1", xét công nhận tốt nghiệp THPT và là cơ sở để các trường đại học tuyển sinh. Lẽ tất nhiên, đề thi bám sát mục đích đó ở tất cả môn thi (bài thi). Thế nên nguyên tắc học gì thi đó áp dụng khi ra đề thi văn thì không có gì lạ.

Cần có cuộc khảo sát đầy đủ nhưng qua thực tiễn công tác tôi thấy, học sinh tự giác và học tốt môn văn, tỷ lệ không vượt quá 25%. Có trường chất lượng cao về các môn tự nhiên thì môn văn… học chỉ là ghi nhớ, kiểm tra là trả bài theo nội dung được định hướng sát sao. Các trường khó về chất lượng thì học sinh thi văn được 4, 5, 6 điểm là thắng lớn lắm rồi!

Trong bối cảnh đó, đề thi văn cho hơn một triệu thí sinh thì an toàn ra đề phải là ưu tiên của mọi ưu tiên. An toàn cho nhà quản lý, cho thầy cô, và cho học sinh 12. Thôi thì gom lại "dăm, bảy" tác phẩm, góp thêm hành trang cho thí sinh vào đời. Trên hành trình đó, khi có nhu cầu, các em tiếp tục tìm hiểu, đọc, học thêm. Muốn an toàn thì cấu trúc đề thi phải "thân quen", chứ ra "là lạ" thí sinh "cắn bút" rồi sao?

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023: Những điều suy ngẫm từ đề thi môn văn  - Ảnh 2.

Thí sinh chuẩn bị vào phòng thi môn văn kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023

NHẬT THỊNH

Chưa thúc đẩy đổi mới phương pháp dạy học

Đề văn thi tốt nghiệp THPT năm nay như thừa nhận thực tế rằng đổi mới phương pháp dạy học các môn khác nói chung, nói riêng với môn văn, triển khai nhiều năm nay nhưng kết quả còn khiêm tốn. Thay đổi chỉ mới dừng ở kế hoạch, mấy tiết thao giảng chứ đại trà thì chưa nhiều. Chương trình, sách giáo khoa, quản trị trường học, năng lực và động lực của đội ngũ giáo viên… chưa là một thể thống nhất, chưa tạo hợp lực theo hướng ưu tiên phát triển năng lực và phẩm chất.

Như thế, muốn có đột phá trong đề văn thi tốt nghiệp THPT thì… hãy đợi đấy! Bộ GD-ĐT, các vụ chức năng cần có lộ trình, với quyết tâm cao, dài kiên trì, chắc giải pháp, rất chính trực, sáng mục tiêu thì mới có thể thay đổi triệt để dạy - học văn hiện nay.

Dạy văn theo mẫu, dạy "tủ" là căn bệnh trầm kha từ nhiều năm nay. Học vì điểm số, thành tích, đối phó với kiểm tra, thi cử làm lệch lạc động cơ của học sinh, phụ huynh và cả thầy cô. Hệ lụy là dạy - học văn mà còn ít giáo viên, học sinh có thói quen đọc sách. "Vốn" của thầy cô ít ỏi và cũ kỹ, kiến thức của trò là những mảnh ghép. Thực trạng này rất cần thay đổi.

Để không còn những yêu cầu trong đề thi văn "quá xa" với tuổi 18

Hằng năm, trước kỳ thi tốt nghiệp THPT, Bộ GD-ĐT có ban hành đề tham khảo, các nhà trường theo đó dạy - học - ôn luyện học sinh 12 sát với yêu cầu của kỳ thi. Từ năm sau, nên công bố đề tham khảo vào đầu năm học. Được vậy, thầy trò lớp 12 có đích cụ thể, đủ thời gian giảng dạy, học hành, bám sát, vận dụng các yêu cầu của Bộ GD-ĐT.

Tổ ra đề thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD-ĐT cần bổ sung nhân sự tham gia, có đại diện các vùng, miền; có giáo viên lâu năm, dày dạn kinh nghiệm, am hiểu sâu sắc chuyên môn; có giáo viên trẻ, chắc tay nghề, nhạy đổi mới. Để có sự hài hòa giữa các thế hệ giáo viên, đòi hỏi "tổng đạo diễn" dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Có như thế mới không có những yêu cầu trong đề thi văn "quá xa" với tuổi 18 như đề thi văn năm nay.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023: Những điều suy ngẫm từ đề thi môn văn  - Ảnh 3.

Đề thi môn văn kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023

TN

Cần đổi mới thi theo hướng đẩy mạnh đánh giá quá trình, trao quyền tự chủ

Năm nào, gần ngày thi, thí sinh cũng đua nhau đoán để xem tác phẩm nào được gọi tên. Sau khi thi văn thì thí sinh lại đua nhau than "tủ đè", nơi than khó, nơi đánh giá dễ, nơi "trật tủ" nhưng lội ngược dòng…

Kỳ thi "2 trong 1" đã hoàn thành sứ mạng, lúc này đây, việc cần kíp là đổi mới thi theo hướng đẩy mạnh đánh giá quá trình tại cơ sở giáo dục phổ thông và trao quyền tự chủ tuyển sinh về cho các cơ sở giáo dục đại học.

Năm học 2023-2024 sẽ khép lại chương trình phổ thông hiện hành, từ năm học 2024-2025 lứa học sinh đầu tiên theo chương trình Giáo dục phổ thông 2018  sẽ hoàn tất lớp 12. Thời gian không còn nhiều, nhìn từ dạy học - đánh giá môn văn và nói chung ở các môn học khác để thấy rằng thay đổi là mệnh lệnh của giáo dục hiện nay.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.