Thi tốt nghiệp THPT 2025: Đề thi sẽ phân hóa rõ rệt hơn

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
26/12/2024 08:25 GMT+7

Đề thi phân hóa rõ hơn, chỉ đăng ký dự thi những môn tự chọn đã đăng ký học ở lớp 12, quy định chi tiết về miễn thi ngoại ngữ... là những điều thí sinh cần lưu ý trong kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025.

Sau khi Bộ GD-ĐT ban hành Quy chế thi tốt nghiệp THPT, GS-TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, đã trao đổi với PV Thanh Niên về những điểm mới, điều cần lưu ý khi chuẩn bị cho kỳ thi năm 2025.

HAI BỘ ĐỀ THI

Thưa ông, một trong những vấn đề thí sinh (TS) quan tâm nhất là cách ra đề thi tốt nghiệp THPT từ năm tới sẽ thay đổi theo hướng nào, TS cần lưu ý điều gì với cách ra đề này trong quá trình ôn tập?

GS-TS Huỳnh Văn Chương: Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 là năm đầu tiên tổ chức thi theo Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, với điểm khác biệt là thiên về đánh giá năng lực người học thay vì kiến thức và kỹ năng như những kỳ thi trước.

Do vậy, đề thi không chỉ kiểm tra kiến thức mà còn tập trung hướng đến nhiều hơn vào việc đánh giá năng lực vận dụng kiến thức vào thực tiễn. Theo đó sẽ có nhiều câu hỏi được xây dựng từ các tình huống thực tế trong đời sống, khoa học, xã hội, giúp TS thấy rõ mối liên hệ giữa kiến thức học được và thế giới xung quanh.

Thi tốt nghiệp THPT 2025: Đề thi sẽ phân hóa rõ rệt hơn- Ảnh 1.

GS-TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Bộ GD-ĐT

ẢNH: H.V

Kết quả thi tốt nghiệp THPT được sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau, trong đó vừa sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp THPT, đánh giá lại quá trình dạy, học và vừa để các cơ sở giáo dục ĐH, giáo dục nghề nghiệp có thể sử dụng để xét tuyển sinh theo tinh thần tự chủ, do đó đề thi sẽ được thiết kế để có sự phân hóa rõ ràng giữa các nhóm TS.

Cụ thể là thay đổi về định dạng cấu trúc để phù hợp tốt hơn cho việc đánh giá năng lực người học. Định dạng cấu trúc mới cũng góp phần làm tăng tính phân hóa của đề thi, đặc biệt là các định dạng mới dạng đúng/sai và trả lời ngắn.

Đề thi năm 2025 phân bố tỷ lệ câu hỏi các cấp độ tư duy: biết, hiểu, vận dụng là 4/3/3. Có thể thấy, với tỷ lệ biết và hiểu khoảng 70% sẽ nghiêng về mục đích tốt nghiệp, trong khi tỷ lệ hiểu và vận dụng khoảng 30% sẽ có tác dụng phân hóa tốt phục vụ mục đích tuyển sinh.

Một điểm mới đáng chú ý là môn ngữ văn có thể sẽ sử dụng ngữ liệu ngoài sách giáo khoa khi xây dựng đề thi. Điều này giúp đánh giá khả năng đọc hiểu và cảm thụ văn bản của học sinh trong các tình huống thực tế, tránh học tủ, học thuộc lòng máy móc. Ngữ liệu có thể bao gồm các đoạn văn, thơ, hoặc tình huống mang tính thời sự, đời sống xã hội.

Đề thi thay đổi theo chương trình mới như vậy thì với TS học theo chương trình cũ muốn tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm tới, Bộ GD-ĐT sẽ giải quyết thế nào để đảm bảo quyền lợi cho họ?

Trong Quy chế thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 đã có điều khoản cụ thể nêu rõ việc chuyển tiếp riêng về vấn đề này. Cụ thể, năm 2025, Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức xây dựng 2 bộ đề thi (1 bộ đề theo Chương trình GDPT 2006 và 1 bộ theo Chương trình GDPT 2018).

Các TS học theo Chương trình GDPT 2006 và trước đó, chưa tốt nghiệp sẽ được dự thi với đề được xây dựng theo Chương trình 2006 (tương tự đề thi năm 2024 và các năm trước đó).

TS học theo Chương trình 2006, đã tốt nghiệp THPT nhưng có mong muốn dự thi năm 2025 để lấy kết quả xét tuyển sinh ĐH, CĐ có thể chọn dự thi theo đề thi của Chương trình 2006 hoặc đề thi theo Chương trình 2018. Việc tổ chức cho các TS dự thi theo đề của Chương trình 2006 sẽ được giữ ổn định như năm 2024.

CHỈ ĐĂNG KÝ CÁC MÔN THI TỰ CHỌN ĐƯỢC HỌC Ở LỚP 12

Ông có lưu ý gì với TS về những điểm mới trong kỳ thi liên quan trực tiếp đến trách nhiệm, quyền lợi của các em?

Các quy định về trách nhiệm, quyền lợi TS cơ bản được giữ ổn định như quy định trước đây, nhất là các năm 2023, 2024. Với quy định mới, TS cũng cần lưu ý một số nội dung. Cụ thể, khi dự thi bài thi tự chọn TS phải có mặt tại điểm thi ngay từ đầu buổi và chỉ được ra khỏi điểm thi khi hết giờ bài thi tự chọn (kết thúc cả hai môn thi tự chọn). Trước đây TS chỉ thi môn thứ 2 trong bài thi tự chọn có thể đến trước giờ thi môn thứ 2 15 phút. Tuy nhiên từ năm 2025, TS phải đến ngay từ đầu buổi.

Thi tốt nghiệp THPT 2025: Đề thi sẽ phân hóa rõ rệt hơn- Ảnh 2.

Thí sinh sau khi kết thúc môn văn kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024

ẢNH: NHẬT THỊNH

TS học Chương trình GDPT 2018 chỉ được đăng ký các môn thi trong số các môn được học ở lớp 12. TS có chứng chỉ ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu vẫn được sử dụng để miễn thi nhưng không được quy đổi thành 10 điểm trong xét công nhận tốt nghiệp như trước đây. TS có đủ điều kiện miễn thi môn ngoại ngữ nhưng vẫn muốn tham gia thi môn này thì phải sử dụng kết quả thi để tính điểm tốt nghiệp THPT.

Ngoài ra, TS sẽ không được cộng điểm nghề như trước đây. TS là người nước ngoài học THPT tại VN được phép sử dụng chứng chỉ tiếng Việt để miễn thi môn ngữ văn trong xét công nhận tốt nghiệp...

TS được phép chọn 2 môn để dự thi bài thi tự chọn. Vậy công tác tổ chức, sắp xếp phòng thi sẽ phải thực hiện ra sao để tránh nhầm lẫn, rắc rối cho TS, thưa ông?

Do số lượng môn thi trong kỳ thi tăng so với trước đây và TS được phép chọn 2 môn để dự thi bài thi tự chọn, nên việc sắp xếp phòng thi sẽ phức tạp hơn, công tác coi thi sẽ có nhiều điểm mới.

Trong quá trình xây dựng quy chế thi, Bộ GD-ĐT đã tổ chức nhiều đợt thực nghiệm để tối ưu hóa từ quy trình như bóc đề, phát đề, thu bài cũng như thử nghiệm hệ thống sắp xếp phòng thi.

Những khó khăn phức tạp này sẽ chỉ ở cấp quản lý và trong ngành giáo dục, còn đối với TS thì mọi cách thức sẽ được triển khai bảo đảm thuận lợi, dễ dàng hơn so với những năm trước. Ví dụ từ năm 2024 trở về trước, TS có thể phải thay đổi phòng thi sau mỗi buổi thi, điều này gây khó khăn và vất vả cho TS trong việc theo dõi. Tuy nhiên từ năm 2025, TS sẽ chỉ dự thi tại một phòng thi cố định trong suốt các buổi thi.

Thi tốt nghiệp THPT 2025: Đề thi sẽ phân hóa rõ rệt hơn- Ảnh 3.

Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức xây dựng 2 bộ đề thi (1 bộ đề theo Chương trình GDPT 2006 và 1 bộ theo Chương trình GDPT 2018) cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025

ảnh: Nhật Thịnh

Một trong những điểm mới trong kỳ thi mà Bộ GD-ĐT nhấn mạnh là khâu vận chuyển đề thi. Ông có thể chia sẻ thêm về cách làm mới này?

Năm 2025, lần đầu tiên trong kỳ thi tốt nghiệp THPT có thêm phương thức vận chuyển đề thi từ địa điểm hội đồng ra đề tới điểm in sao đề của 63 tỉnh thành qua hệ thống đường truyền mã hóa và bảo mật của Ban Cơ yếu Chính phủ.

Đây là bước tiến quan trọng trong việc ứng dụng công nghệ vào các khâu trọng yếu của quy trình tổ chức kỳ thi. Phương thức vận chuyển đề thi mới này giúp chuyển đề gốc nhanh, kịp thời, giảm bớt thời gian và nhân sự vận chuyển đề như phương pháp truyền thống đang áp dụng. Đây cũng là bước chuẩn bị từ sớm, từ xa và quan trọng trong việc thực hiện phương án thi theo lộ trình chuyển đổi hình thức từ thi trên giấy sang máy tính đã công bố.

Tất cả TS đều có thể đăng ký thi trực tuyến

Từ năm 2025, tất cả TS đều có thể đăng ký dự thi theo hình thức trực tuyến (kể cả TS tự do, các năm trước đăng ký trực tiếp). Trong thời gian tới, Bộ GD-ĐT sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục tích hợp và liên thông hệ thống cơ sở dữ liệu để giảm thiểu các hồ sơ TS phải nộp, đặc biệt là hồ sơ minh chứng để hưởng chế độ ưu tiên chính sách.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.