Thi tốt nghiệp THPT: Học sinh sôi nổi 'đoán đề', 'bắt trend' TikTok

25/06/2024 06:05 GMT+7

Học sinh cuối cấp đang có nhiều cách giải trí trên mạng xã hội để giải tỏa căng thẳng khi chỉ còn 1 ngày nữa là chính thức bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024, cũng là kỳ thi cuối cùng của chương trình giáo dục phổ thông 2006.

"MANG NGAY ĐỀ THI ĐẾN ĐÂY"

Đó là trào lưu đang được đông đảo thí sinh (TS) hưởng ứng trên mạng xã hội TikTok với hàng triệu lượt xem. Trào lưu bắt nguồn từ tài khoản A.G.D.S được cho là một giáo viên (GV) dạy sử, khi người dùng này đăng tải video dài 17 giây với những cử chỉ và lời nói đanh thép: "Mang ngay đề chính thức đến đây, anh em 2k6 (sinh năm 2006) và TS tự do của chúng tôi đã sẵn sàng hết rồi, ngày mai tổ chức thi luôn đi, anh em đâu xung phong...".

Sự tự tin một cách khoa trương ấy nhanh chóng tạo nên "làn sóng" tương tác. Nhiều TS đã hưởng ứng lại bằng cách quay lại cảnh mình đang học tại nhà hoặc trên lớp với nhạc nền được lấy từ video của tài khoản D.S để bày tỏ tinh thần ủng hộ, hoặc để tỏ rõ sự bất lực, thu hút từ hàng trăm nghìn đến hàng triệu lượt xem.

Trên Facebook, một trào lưu được TS hào hứng "bắt trend" là "dò số báo danh lấy vía". Cụ thể, các bạn sẽ dùng số báo danh của mình để tra cứu điểm thi tốt nghiệp THPT của năm trước. TS nào may mắn nhận được điểm cao từ tiền bối của mình sẽ đăng ảnh lên để "nhả vía" cho các bạn khác. "Xin vía đậu 5/11 nguyện vọng của anh chị khóa trước", "Thành tâm xin vía văn, tiếng Anh" là các dòng trạng thái liên tục được chia sẻ.

Thi tốt nghiệp THPT: Học sinh sôi nổi 'đoán đề', 'bắt trend' TikTok- Ảnh 1.

Trào lưu đoán đề trên mạng xã hội cứ đến hẹn lại lên trước ngày thi tốt nghiệp THPT

CHỤP MÀN HÌNH

"MỔ XẺ" CA KHÚC CỦA  Đen Vâu

Một "truyền thống" thường niên ở mỗi mùa thi tốt nghiệp THPT là "đoán đề" ngữ văn, tức đoán tác phẩm sẽ xuất hiện trong câu hỏi nghị luận văn học. Hằng năm, không ít cá nhân, tổ chức được TS "chọn mặt gửi vàng" vì nhiều lần đoán trúng tác phẩm qua các sản phẩm âm nhạc, bài viết, như rapper Đen Vâu, ca sĩ Phương Mỹ Chi, trang Kaito Kid. Động thái của họ, vì thế, cũng liên tục được chú ý vào những ngày gần thi.

Mới đây nhất, Đen Vâu hôm 20.6 đăng hình một chiếc thuyền có ly nước bên trên để quảng bá cho ca khúc mới sẽ phát hành vào ngày 25.6, khiến không ít TS vào "mổ xẻ" ở phần bình luận. Theo đó, Đất nước (Nguyễn Khoa Điềm) và Chiếc thuyền ngoài xa (Nguyễn Minh Châu) là 2 tác phẩm được TS "gọi tên" vì có liên quan đến nước và thuyền. "Chiếc thuyền ngoài xa sẽ đưa 2k6 cập bến an toàn", một tài khoản hy vọng.

GIẢI TỎA ÂU LO

Chia sẻ về hoạt động "đoán đề", Huỳnh Phạm Nghi Văn, học sinh (HS) Trường THPT Nguyễn Thị Minh khai (TP.HCM), cho biết em và bạn bè dồn "khá nhiều tâm tư". "Đầu tiên tụi em thu hẹp phạm vi quanh các tác phẩm văn học cách mạng vì năm sau kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước. Sau đó tụi em đoán Đất nước do có bạn coi Tarot, đến khi Đen Vâu đăng hình tụi em lại nghiêng về Người lái đò sông Đà của Nguyễn Tuân hơn. Giờ tụi em đang đợi Kaito Kid xem cuối cùng ra sao để ôn kỹ lần nữa", nữ sinh chia sẻ.

Thi tốt nghiệp THPT: Học sinh sôi nổi 'đoán đề', 'bắt trend' TikTok- Ảnh 2.

Trào lưu "Mang đề thi ra đây" đang được đông đảo thí sinh hưởng ứng trên mạng xã hội TikTok với hàng triệu lượt xem

CHỤP MÀN HÌNH

Từng đoạt giải ba HS giỏi môn ngữ văn cấp thành phố, Văn nhìn nhận em và các bạn chỉ xem "đoán đề" là một cách giải trí để đỡ căng thẳng chứ không quá đặt nặng hay "cược" tất cả vào nó. "Tụi em chỉ đoán để học kỹ hơn, còn những bài khác vẫn học qua hết, chứ không dám bỏ. Những ngày này, em học trong tâm thế khá thoải mái do đã trúng tuyển sớm vào một số trường ĐH tại VN và Úc", Văn kể và cho biết thêm không chỉ đoán đề, các bạn còn đoán sẽ ra đoạn nào trong tác phẩm.

Nguyễn Hoàng Xuân Sơn, HS một trường THPT ở Q.5, TP.HCM, thì cho rằng các trào lưu trên Facebook và TikTok có thể xem là một "liều thuốc không có tác dụng phụ" để giảm lo âu, nôn nao trong những ngày cận thi. "Những nội dung ấy thật sự hài hước, giúp tụi em thoải mái hơn khi trao đổi với nhau chứ không chỉ xoay quanh mỗi đề thi, cách giải. Tuy nhiên, em nghĩ mình cũng cần tiết chế chứ đừng dành quá nhiều thời gian lướt mạng xã hội vào thời điểm này", nam sinh cho hay.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng: “Thi tốt nghiệp THPT 2024 phải tuyệt đối an toàn”

Thí sinh có nên "đoán đề", "bắt trend" ?

Cô N.H.H, GV ngữ văn Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (TP.HCM), nhìn nhận dù chỉ là hoạt động cá nhân của số ít người dùng, việc "đoán đề" luôn tạo ra dư luận và bàn tán, từ đó có thể ảnh hưởng tiêu cực đến TS. Hệ quả nghiêm trọng nhất là khiến TS hoang mang hoặc học tủ và thậm chí có nguy cơ bị "tủ đè", tác động không nhỏ đến tâm lý và kết quả làm bài thi của TS, theo nữ GV.

Theo cô H., càng gần ngày thi, TS càng nên giữ sức khỏe, tâm lý ổn định. Việc ôn tập cũng nên theo hướng có trọng tâm, vững kiến thức, nhất là cách viết đoạn văn nghị luận xã hội và phương pháp làm bài nghị luận văn học. "TS cũng nên hạn chế lướt mạng xã hội, đừng để những thông tin đồn đoán về đề văn ảnh hưởng đến tinh thần, xao nhãng mục tiêu của bản thân", cô H. khuyên.

Thạc sĩ Bùi Văn Công, GV luyện thi trực tuyến tại TP.HCM, nhận định các trào lưu nêu trên đa phần tạo niềm vui, giúp HS giải trí. Tuy nhiên, các bạn cũng cần lường trước rủi ro, nhất là ở việc đoán đề hay những video chỉ cách "khoanh lụi khoa học", "trúng 100%" trên TikTok. "TS đừng quá đắm chìm hay thậm chí là tin tưởng vào nó mà chỉ nên dừng ở việc tham khảo cho vui", thầy Công nhấn mạnh.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.