Có giải pháp nào có thể thay đổi cách thi tốt nghiệp THPT và các kỳ thi khác tại Việt Nam để giảm áp lực này được không?
Theo một nghiên cứu mới nhất của tổ chức World Economic Forum (Diễn đàn Kinh tế thế giới), 10 kỹ năng cần thiết của người lao động vào năm 2025 là: Tư duy phân tích và đổi mới; Học tập chủ động và có chiến lược; Giải quyết vấn đề phức tạp; Tư duy phản biện và phân tích; Sáng tạo, nguyên bản, và khởi xướng sáng kiến; Lãnh đạo và ảnh hưởng xã hội; Sử dụng, theo dõi, và kiểm soát công nghệ; Thiết kế và lập trình công nghệ; Bền bỉ, chịu áp lực, và linh hoạt; Lập luận, giải quyết vấn đề và lên ý tưởng.
Để đảm bảo độ cạnh tranh về nguồn nhân lực của Việt Nam trong tương lai, giáo dục đương đại cần tích hợp đào tạo các nhóm kỹ năng trên trong chương trình giảng dạy và thi cử.
Chương trình giảng dạy quốc gia và hệ thống thi cử là hai thành phần quan trọng và liên quan chặt chẽ với nhau. Việc cải tiến song song cả hai hệ thống trên là cần thiết cho sự phát triển giáo dục cũng như nâng cao chất lượng nhân lực Việt Nam trong tương lai.
Nghiên cứu về hệ thống giáo dục tiên tiến của Mỹ cho thấy họ xác định những kiến thức nền cơ bản cho học sinh đến hết cấp 3, bao gồm kỹ năng ngôn ngữ, toán học, kỹ năng đọc, và khoa học; và đưa vào các kỳ thi chuẩn quốc gia như SAT (Scholastic Aptitude Test) và ACT (American College Test). Việc tập trung đo lường khả năng của học sinh thông qua 4 nhóm kỹ năng chính sẽ giúp ích rất nhiều cho việc chuẩn hóa chương trình học và cập nhật kiến thức giảng dạy; thay vì phân mảnh thành nhiều môn như Việt Nam.
Để thích nghi với sự tiến hóa của tri thức, chương trình giáo dục Mỹ có những cấu phần giáo dục bắt buộc (Common Core) trong giáo dục toán và ngôn ngữ cho học sinh ở từng cấp lớp. Ngoài ra, giáo trình cho các môn học khác được thiết kế mở dựa trên kiến thức của giáo viên. Điều này khuyến khích sự sáng tạo của người dạy trong việc thiết kế giáo án, tìm tòi những phương pháp truyền tải kiến thức mới đến học sinh.
Giáo dục Việt Nam có thể nghiên cứu việc xây dựng nền tảng các kiến thức cơ bản và bắt buộc cho từng môn học, và đo lường hiệu quả việc học theo từng cấp lớp. Ngoài ra, chương trình có những cấu phần mở với sự khuyến nghị từ Bộ GD-ĐT.
Chương trình học càng tinh gọn thì việc chuẩn hóa hệ thống thi cử càng dễ dàng. Ngoài ra, cấu phần mở giúp tích hợp việc đào tạo các kỹ năng cần thiết cho người lao động tương lai.
Nhiều hệ lụy khi thi tốt nghiệp THPT như cuộc chiến "sinh tử"
Hệ thống thi cử, kiểm tra được xây dựng để đánh giá, đo lường về việc tiếp thu kiến thức của người học. Ở nhiều nước châu Á, kỳ thi tốt nghiệp THPT và thi đầu vào ĐH là cuộc chiến "sinh tử". Điều này dẫn đến nhiều hệ lụy như gây sức ép cho học sinh, phải học gạo để thi, vấn nạn học thêm dạy thêm, hoặc nhiều người cố tình gian lận thi cử.
Vai trò của giáo dục là chuẩn bị những kiến thức cần thiết cho học sinh để bước vào đời. Tuy nhiên, với việc thi rớt kỳ thi tốt nghiệp THPT ảnh hưởng lớn tới thí sinh, việc chờ đợi thêm một năm nữa để thi lại làm chậm việc học, ảnh hưởng tới ý chí học sinh và tài chính gia đình.
Nghiên cứu về hệ thống giáo dục của Mỹ, những kỳ thi cuối cấp quan trọng được tổ chức thông qua những bài thi tiêu chuẩn quốc gia, và học sinh được tạo điều kiện có thể tham gia thi tại nhiều thời điểm khác nhau quanh năm, chứ không tổ chức thi tập trung cùng một thời điểm như ở Việt Nam. Học sinh nếu thi rớt có thể tham gia thi lại trong thời gian sớm nhất.
Vì không phải áp lực chờ đợi một năm để thi lại, học sinh được gỡ bớt áp lực thi cử, có thể ôn luyện để sớm thi lại, cũng không để xảy ra tình trạng áp lực dẫn đến gian lận thi cử.
Vào CĐ, ĐH bằng các kỳ thi tiêu chuẩn
Ở Mỹ, tất cả học sinh đều được khuyến khích và tạo điều kiện để hoàn thành và tốt nghiệp chương trình THPT. Đây là điều kiện cơ bản để học sinh có thể bước vào đời và tham gia lực lượng lao động. Sau khi hoàn thành chương trình học lớp 12, học sinh sẽ tham gia các kỳ thi tiêu chuẩn như SAT hoặc ACT. Điểm số của một trong hai kỳ thi tiêu chuẩn này sẽ là cơ sở xét tuyển vào ĐH hoặc CĐ, bên cạnh các yếu tố khác như điểm trung bình năm học, bài tự luận giới thiệu bản thân, những hoạt động ngoại khóa, tình nguyện...
Để giảm sức ép lên học sinh nói riêng, xã hội nói chung, có thể giao về địa phương tổ chức thi, tự quyết định thời gian, chấm thi và xét tốt nghiệp THPT, còn Bộ GD-ĐT giám sát, thanh tra, kiểm tra.
Để vào các trường nghề, CĐ và ĐH, học sinh cần tham gia kỳ thi tiêu chuẩn trên toàn quốc, và điểm thi tổng kết sẽ là cơ sở để các em đăng ký ứng tuyển vào nhiều cơ sở dạy học.
Kỳ thi tiêu chuẩn được tổ chức và quản lý bởi Bộ GD-ĐT, và cách thức chọn đề thi được tổ chức ngẫu nhiên thông qua hệ thống máy tính và ngân hàng câu hỏi. Có thể tổ chức định kỳ tại một thời điểm nhất định trong năm, nhưng học sinh vẫn có thể lựa chọn thi ở một thời điểm khác hoặc tham gia thi lại trong một thời điểm sớm nhất, với sự hỗ trợ bởi hệ thống máy tính, kết nối internet, và ngân hàng câu hỏi với hàng ngàn câu hỏi được chia theo từng bộ môn. Để đảm bảo công bằng cho học sinh và không có gian lận, cần hình thành các Trung tâm khảo thí được giám sát chặt chẽ.
3 điều cần thiết để cải tiến hệ thống thi cử
- Cần "điện tử hóa" hệ thống thi cử. Thay vì cách thức kiểm tra trên giấy như hiện tại, chúng ta có thể tổ chức thi trực tuyến, sẽ linh động về mặt thời gian và địa điểm thi nhiều hơn. Học sinh cũng có thể tham gia thi ở những thời điểm khác nhau trong năm.
- Các bài thi trắc nghiệm dễ chấm và ít sai sót hơn những bài thi tự luận, dễ bị ảnh hưởng bởi sự chủ quan của giáo viên chấm thi. Ngoại trừ một số môn như ngữ văn cần đánh giá kỹ năng đọc hiểu, phân tích, và cách học sinh hành văn, những môn học khác đều có thể ứng dụng hình thức trắc nghiệm.
- Việc xây dựng ngân hàng đề thi là rất quan trọng. Với số lượng câu hỏi đa dạng, được phát triển và kiểm tra chéo bởi đội ngũ giáo viên từ nhiều địa phương, điều này giúp loại bỏ tình trạng học tủ của học sinh. Ngoài ra, kiến thức kiểm tra cần tập trung vào nền tảng kiến thức cơ bản của học sinh, tránh tình trạng đánh đố, đặt ra những câu hỏi quá phức tạp không cần thiết.
Bình luận (0)