Thi tốt nghiệp THPT: Sang năm sẽ không còn suy đoán, 'trúng tủ' đề văn?

28/06/2024 05:52 GMT+7

Đề thi môn ngữ văn và toán trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, năm cuối cùng thi theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006, được đánh giá cơ bản quen thuộc, dễ suy đoán ở môn văn nhưng cũng có những câu hỏi khó hơn, 'lạ' hơn ở môn toán.

THÍ SINH CẢ NƯỚC VUI MỪNG VÌ ĐOÁN TRÚNG ĐỀ VĂN

Ghi nhận tại các điểm thi trên cả nước sau giờ thi môn ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 diễn ra sáng qua 27.6, hầu hết thí sinh (TS) đã rời khỏi phòng thi với nụ cười rạng rỡ vì đoán trúng bài Đất Nước. Thậm chí, có TS tại TP.HCM còn nhảy cẫng lên khi gặp phụ huynh và liên tục kêu to: "Con "trúng tủ" rồi, "trúng tủ" rồi mẹ ơi!".

A 1- trang 18-180.jpg

Thí sinh sau giờ thi môn văn kỳ thi tốt nghiệp THPT cuối cùng theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2006

NHẬT THỊNH

Như Thanh Niên đã đưa tin, nhiều TS thi tốt nghiệp THPT 2024 giải mã hình ảnh "đoán đề" của tài khoản Kaito Kid trên mạng xã hội Facebook trước ngày thi. Điều tương tự cũng diễn ra với ảnh quảng bá ca khúc mới của rapper Đen Vâu. Vài ngày trước đó, mạng xã hội nửa đêm cũng đồn đoán vô căn cứ "lộ đề" thi tốt nghiệp THPT 2024. Tất cả đều hướng về tác phẩm Đất Nước.

DO SỐ LƯỢNG TÁC PHẨM, PHẠM VI RA ĐỀ CÓ GIỚI HẠN

Thực tế này khiến một lần nữa, ngay sau khi kết thúc giờ thi môn văn, Bộ GD-ĐT phải lên tiếng giải thích về đề thi ra vào tác phẩm "trúng tủ" với TS, trùng với đồn đoán của mạng xã hội trước khi kỳ thi diễn ra.

Khẳng định "đề thi môn ngữ văn đã được bảo mật tuyệt đối", Bộ GD-ĐT lý giải: "Số lượng tác phẩm văn học trong chương trình hiện hành và phạm vi ra đề là có giới hạn. Do đó, việc suy đoán đúng tên tác phẩm, tác giả được sử dụng trong đề thi là ngẫu nhiên và có thể xảy ra. Tuy nhiên, đề thi sử dụng toàn bộ tác phẩm hay một phần tác phẩm hoặc một phần cụ thể nào của tác phẩm cũng như yêu cầu (lệnh hỏi) đối với TS là hoàn toàn khác biệt so với suy đoán trước đó".

Thí sinh U50 thi tốt nghiệp THPT 2024 ở TP.HCM: ‘Tôi đi thi vì bản thân và làm gương cho hai con’

Nhiều giáo viên (GV) cũng cho rằng chỉ khi thi theo Chương trình GDPT 2018 với nhiều sách giáo khoa khác nhau và đề thi sẽ không ra vào một tác phẩm trong cuốn sách giáo khoa nào, thì tình trạng suy đoán đề ngữ văn mới có thể giảm bớt hoặc chấm dứt.

Cô Trịnh Thị Thu Tuyết, nguyên GV ngữ văn Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội), chia sẻ: "Bắt đầu từ sang năm, khi giáo dục hoàn chỉnh một chặng đường đổi mới theo cách học và thi của Chương trình GDPT 2018, khi các ngữ liệu trong đề thi hoàn toàn là những văn bản bên ngoài sách giáo khoa, hy vọng đề thi ngữ văn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 sẽ đem lại nhiều hứng thú, thách thức và cơ hội cho các TS yêu văn chương, ham hiểu biết, khám phá, có tư duy độc lập, không thích đi theo lối mòn".

Cô Phạm Hà Thanh, GV ngữ văn của Trường THPT Lê Quý Đôn - Hà Đông (Hà Nội), tỏ ra thận trọng khi cho rằng khác biệt lớn nhất và cũng là khó khăn lớn nhất trong đề thi môn ngữ văn từ năm 2025 là không sử dụng bất cứ ngữ liệu nào trong sách giáo khoa, nhưng mong rằng việc thay đổi không quá đột ngột, gây "sốc" cho TS vì các em vẫn có tới 9/12 năm học theo chương trình cũ.

Cùng với đó, theo cô Thanh, việc dạy học, kiểm tra đánh giá ở trường THPT buộc phải cho học sinh chuẩn bị, làm quen với điều này. Để chuẩn bị cho kỳ thi năm tới, thay vì bám vào tác phẩm trong sách giáo khoa thì GV phải dạy theo thể loại, phân tích kỹ đặc điểm của từng thể loại để khi học sinh tiếp cận một ngữ liệu mới hoàn toàn cũng có thể biết ngữ liệu ấy thuộc thể loại gì và từ đó có thể tự hiểu, tự nêu lên suy nghĩ của chính mình; không học thuộc và không lệ thuộc văn mẫu…

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn hỏi thăm các thí sinh tại điểm thi Trường THPT B Duy Tiên (Hà Nam)

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn hỏi thăm các thí sinh tại điểm thi Trường THPT B Duy Tiên (Hà Nam)

TUẤN MINH

BỘ TRƯỞNG BỘ GD-ĐT: "ĐỀ THI PHÙ HỢP VỚI NỘI DUNG TINH GIẢN"

Sáng qua 27.6, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đã cùng đoàn công tác của Bộ GD-ĐT đi kiểm tra thi ở 2 điểm thi thuộc Hội đồng thi Sở GD-ĐT Hà Nam, gồm điểm thi Trường THPT B Duy Tiên, và Trường THPT chuyên Biên Hòa.

Trong thời gian TS đợi để được gọi vào phòng thi, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã tranh thủ hỏi thăm các TS. Một TS ở phòng thi 402 cho biết sau khi tốt nghiệp THPT, em sẽ đi du học. Một TS khác cho biết mình có nguyện vọng vào Trường ĐH Thương mại.

Trao đổi với Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam Lê Thị Thủy, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhận định, với nhiều hướng lập nghiệp như hiện nay, kỳ thi tốt nghiệp sẽ không phải là kỳ thi quá áp lực.

Trao đổi với giới báo chí đi theo đoàn kiểm tra, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, năm nay, ngoài yếu tố là năm cuối cùng TS học theo chương trình GDPT cũ, còn một yếu tố đặc biệt nữa, đó là các em chịu nhiều tác động của dịch bệnh Covid-19. Các em vào

lớp 10 năm 2021 là năm vẫn còn dịch bệnh, nên Bộ GD-ĐT đã phải điều chỉnh chương trình học. Vì thế, ngành GD-ĐT đã chỉ đạo các sở GD-ĐT, đồng thời đề nghị lãnh đạo các tỉnh, thành cũng rất lưu ý để chỉ đạo các sở trong việc tích cực hỗ trợ TS về phần chuyên môn.

Trong quá trình chuẩn bị đề thi, Bộ GD-ĐT cũng rất lưu ý đến việc ra đề sao cho phù hợp với những nội dung đã được tinh giản, phù hợp với quá trình dạy và học trong bối cảnh ứng phó với dịch bệnh. Tuy nhiên, yếu tố cao nhất mà đề thi cần phải đáp ứng là làm sao để học sinh phát huy tốt nhất năng lực, kỹ năng kiến thức đã học được, để thể hiện qua bài thi của các em.

Khi được hỏi về những thông tin lộ đề trước kỳ thi, Bộ trưởng khẳng định đó là những thông tin thất thiệt lan truyền trên mạng xã hội. "Chúng tôi cũng đã lưu ý với người dân, với phụ huynh, với TS là cần cảnh giác với những thông tin thất thiệt trên mạng, để tránh sự tác động đến đời sống tinh thần cũng như tâm lý của TS trong quá trình đi thi", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.

Xem nhanh 20h: Bộ GD-ĐT phản hồi thông tin 'trúng tủ' đề văn

Môn toán: Đề thi có câu "cực khó" và "khá lạ"

Với môn toán, kỳ thi năm 2024 là kỳ thi cuối cùng mà 100% câu hỏi đều theo dạng thức trắc nghiệm khách quan 4 lựa chọn. Nhiều TS và GV nhận xét đề thi môn toán năm nay có độ khó cao hơn so với đề thi năm ngoái và điểm 9 - 10 sẽ ít hơn, trong đó "điểm 10 sẽ rất ít".

Cô Nguyễn Thị Hồng, Tổ trưởng tổ toán - tin, Trường THCS-THPT M.V.Lô-mô-nô-xốp (Hà Nội), nhận định đề thi năm nay mặc dù ổn định về mặt cấu trúc so với năm trước, nhưng mức độ khó tăng lên. Các câu từ 39 - 50 đều ở mức độ vận dụng và vận dụng cao, nhiều câu "khá lạ" với TS, yêu cầu các em phải sử dụng linh hoạt kiến thức ở nhiều mảng chuyên đề để xử lý.

Tổ giáo viên toán của Hệ thống Giáo dục Học Mãi cũng cho rằng đề thi vẫn có sự phân hóa ở nhóm các câu hỏi cuối để phục vụ cho mục tiêu xét tuyển ĐH.

Tuyết Mai

9 thí sinh vi phạm bị đình chỉ trong ngày thi đầu tiên

Ngày thi đầu tiên kết thúc với tổng số 9 TS vi phạm quy chế tới mức bị đình chỉ thi (giảm 6 TS so với năm trước). Trong đó, buổi thi môn văn có 7 TS, môn toán có 2 TS bị đình chỉ thi, 1 trường hợp nhận mức kỷ luật khiển trách.

Bộ GD-ĐT đánh giá ngày thi đầu tiên diễn ra an toàn, trật tự, nghiêm túc, đúng quy chế.

Sáng nay 28.6, TS tiếp tục dự thi bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên (vật lý, hóa học, sinh học) và khoa học xã hội (lịch sử, địa lý, giáo dục công dân), mỗi môn 50 phút. Theo quy định, TS được chọn một trong 2 bài thi tổ hợp nói trên. Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, năm nay chỉ 37% TS chọn bài thi khoa học tự nhiên, còn lại 63% chọn bài thi khoa học xã hội.

Chiều cùng ngày, TS thi môn cuối cùng của kỳ thi là môn ngoại ngữ với thời gian làm bài 60 phút.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.