Nhiều thí sinh nói nội dung chỉ được dạy... sơ qua
Rời điểm thi Trường THCS Bàn Cờ (TP.HCM), Nguyễn Chí Đạt, học sinh Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, thú nhận đã "đặt cược toàn bộ" vào Người lái đò sông Đà và Vợ chồng A Phủ, nhưng cuối cùng đề thi tốt nghiệp THPT lại "gọi tên" tác phẩm Vợ nhặt.
"Đề nghị luận văn học năm nay là màn trình diễn không mấy thành công của 'siêu trộm' Kaito Kid. Giờ em chẳng biết phải nhặt điểm ở đâu nữa", nam sinh cười nói.
Đứng cạnh bên Đạt, Lâm Vĩnh Hồng, học cùng trường, hồ hởi cho hay Vợ nhặt là tác phẩm mà em đã ôn rất kỹ, tuy nhiên phần nội dung mà đề yêu cầu nghị luận lại là đoạn trích về lý tưởng cách mạng, "khá lạ với nhiều học sinh".
"Yêu cầu này không phải phần trọng tâm trong chương trình học trên lớp nên em hơi bỡ ngỡ. Để làm với mức trung bình thì được, nhưng muốn phân tích sâu, liên hệ dẫn chứng hay nhận định là chuyện rất khó", nam sinh bộc bạch.
Thi tốt nghiệp THPT 2023- Thí sinh 'đứng hình' nhìn Tràng và Thị, Kaito Kid hết thời?
Tương tự, Nguyễn Bảo Thịnh, Trường THPT Tây Úc, bị "đứng hình mất 5 phút" sau khi đọc đề. "Giáo viên chưa dạy phần này nên em viết được mỗi một tờ, mong là được trên 5 điểm", Thịnh bộc bạch. Tương tự, Trần Gia Nghi, học cùng trường, cho biết: "Phần này giáo viên chỉ lướt qua nên em không nắm bắt rõ. Cũng may là em làm tốt nghị luận xã hội".
Ngược lại, Lê Nguyễn Khương Duy, học sinh Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, kể rằng Vợ nhặt là tác phẩm yêu thích của mình. "Nhân vật em ấn tượng nhất là Tràng nên em đã tìm tòi, đọc thêm nhiều tư liệu khác. Tuy lý tưởng cách mạng là phần thầy cô ít ôn nhưng bài làm hôm nay của em khá tốt, có dẫn chứng và liên hệ thực tế. Em hy vọng sẽ được trên điểm 7", nam sinh chia sẻ.
Giáo viên gợi ý giải đề thế nào?
Đánh giá về đề văn thi tốt nghiệp THPT, thạc sĩ Đặng Thị Kiều Oanh, giáo viên Trường Quốc tế Quy Nhơn và một trường THPT tại Quy Nhơn, nói ở phần đọc hiểu, câu 1, thể thơ của đoạn trích là tự do; câu 2, những từ ngữ miêu tả là tiếng sấm (gõ), bầu trời (thật thấp), gió (thổi), cát, lá, đá (bay); câu 3, thí sinh phải phân tích đồng thời giá trị biểu đạt, biểu cảm của phép so sánh "Mưa ròng ròng như triệu ngón tay".
Riêng câu 4, thí sinh cần nhận ra được mỗi người đều có khó khăn, thử thách riêng và cần có những hành động cụ thể khi đương đầu với nó, để từ đó có thể vượt qua được bằng khả năng của mình. "Câu hỏi này có thể sẽ đưa đến những cách trả lời chung chung, hời hợt nếu thí sinh không có tư duy độc lập", thạc sĩ Oanh lưu ý.
Đề thi văn xuất hiện trên mạng xã hội trong giờ thi, Bộ GD-ĐT nói gì
Với đề nghị luận xã hội, nữ giáo viên cho biết thí sinh cần giải thích cảm xúc và cân bằng cảm xúc là gì, sau đó bàn luận về ý nghĩa lẫn tầm quan trọng của việc cân bằng cảm xúc trong cuộc sống, mỗi ý kèm theo những dẫn chứng minh họa phù hợp.
Đến phần phản đề, thạc sĩ Kiều Oanh nói thí sinh có thể triển khai theo hướng nhiều người vẫn sống cảm tính, hoặc sống chỉ theo đuổi những điều thoáng qua, sau đó kết đoạn bằng việc rút ra bài học nhận thức và hành động.
Ở câu nghị luận văn học, thạc sĩ Oanh cho rằng đề thi vẫn sử dụng cấu trúc quen thuộc, cụ thể một câu lệnh có hai yêu cầu, gồm phân tích đoạn trích được đề cập trong đề và nhận xét cách nhìn cuộc sống của nhà văn Kim Lân được thể hiện trong đoạn trích.
Cụ thể, ở yêu cầu 2, thí sinh cần làm rõ việc tác giả đã phát hiện, trân trọng, ngợi ca vẻ đẹp con người, nhất là khát vọng sống và vẻ đẹp tình người trong nạn đói, sự đùm bọc, cưu mang, cùng nhau vượt qua thảm kịch để hướng đến tương lai.
Chi tiết, ở phần nội dung, thí sinh cần làm rõ 3 ý:
- Luận điểm 1: Mở đầu đoạn trích là bức tranh hiện thực đầy u ám, tăm tối của nạn đói khủng khiếp năm 1945 và sự hoang mang của con người trước hiện thực đen tối ấy.
- Luận điểm 2: Ở đoạn văn tiếp theo, người vợ nhặt mang đến thông tin mới mẻ về Việt Minh, điều này sẽ góp phần giác ngộ cách mạng cho Tràng. Đây cũng là chi tiết cho thấy người lao động đã có sự hiểu biết về cách mạng, về chính trị.
- Luận điểm 3: Đoạn trích khép lại bằng hình ảnh lá cờ đỏ và niềm tin của Tràng vào tương lai tươi sáng. Đây cũng chính là nét mới trong giá trị nhân đạo - nhà văn không chỉ đặt niềm tin vào sức vươn dậy của con người mà còn mở ra con đường tương lai tươi sáng cho họ.
"Nhìn chung, đề ngữ văn năm 2023 đã đảm bảo đúng các yêu cầu về nội dung, hình thức của một đề thi tốt nghiệp THPT. Độ khó vừa sức, các dạng câu hỏi không gây bất ngờ với thí sinh do cấu trúc cơ bản không thay đổi", thạc sĩ Kiều Oanh kết luận.
Bình luận (0)