Bao quanh thị trấn Kiên Lương là hệ thống núi đá vôi chằng chịt. Để khai thác nguồn đá vôi này, đã có 5 nhà máy xi măng được cấp phép “bủa vây” đe dọa trực tiếp đến thị trấn có trên 3 vạn dân này.
|
Ông Lâm Hoàng Sa, Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, cho biết sau khi Báo Thanh Niên phản ánh tình trạng ô nhiễm do khói, bụi xi măng tại thị trấn Kiên Lương, ngay trong sáng 8.9, UBND tỉnh đã chỉ đạo Giám đốc Sở TN-MT phối hợp cùng các ngành chức năng tiến hành làm việc với các doanh nghiệp (DN) để kịp thời khắc phục.
|
|
Ô nhiễm kéo dài nhiều năm
Ông Sa nhìn nhận, tình trạng ô nhiễm do các nhà máy xi măng gây ra đã tồn tại nhiều năm nay. Mặc dù hằng năm công tác kiểm tra được triển khai định kỳ nhưng thực tế cho thấy ô nhiễm vẫn là vấn đề gây bức xúc. Nguyên nhân chủ yếu là do hạn chế về mặt công nghệ của các nhà máy. “Hiện tại chỉ có Nhà máy Holcim liên doanh với Thụy Sĩ là công nghệ tương đối đảm bảo, còn lại các nhà máy khác đều là công nghệ cũ, lưới bao che... không đạt chuẩn nên khó tránh khỏi tình trạng gây ô nhiễm, nhất là bụi xi măng phát tán ra ngoài ảnh hưởng đến người dân”, ông Sa nói.
Để xử lý các DN gây ô nhiễm, ông Sa cho rằng cần phải thực hiện theo các bước quy định của pháp luật từ thấp đến cao, trên cơ sở tôn trọng DN. “Tuy nhiên tới đây, tỉnh chỉ đạo kiểm tra thường xuyên hơn, kể cả khâu giám sát việc thực hiện theo cam kết của các DN. Nếu DN vi phạm đến mức ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân thì sẽ buộc phải đóng cửa nhà máy theo quy định pháp luật”, ông Sa khẳng định. Riêng với những DN mà quyền kiểm tra, xử lý thuộc cấp T.Ư thì Giám đốc Sở TN-MT phải tham mưu cho UBND tỉnh có ý kiến chính thức đề nghị với Bộ TN-MT phối hợp giải quyết.
“Đổi môi trường lấy xi măng”
Trở lại vấn đề các nhà máy xi măng đang “bủa vây” thị trấn Kiên Lương, nhiều người dân ở đây bày tỏ bức xúc khi có ý kiến cho rằng “Nhà máy xi măng Hà Tiên 2 (nay là Nhà máy xi măng Kiên Lương) được xây dựng... trước khi có dân về ở khu vực này. Thậm chí, tiếp xúc với PV Thanh Niên, một hộ dân tại khu phố Tám Thước còn bất lực: “Mình về ở sau người ta thì mình chịu, ô nhiễm, bệnh tật thì mình chịu thôi”. Cán bộ địa phương cho biết một lãnh đạo cấp huyện cũng đã từng nói “nhà máy có trước, người dân ở sau”, một người dân bức xúc: “Nếu như thế thì từ đầu đừng cho người dân đến ở. Nay đã quy hoạch thành phố xá thì lại nói chịu ô nhiễm là do người dân tới sau nhà máy sao được”.
|
|
Cần nhớ, bao thị trấn Kiên Lương không chỉ có Nhà máy xi măng Kiên Lương mà còn có 4 nhà máy khác được xây dựng sau này. Vấn đề “đổi môi trường lấy xi măng” đã được đặt ra cách nay rất lâu. Trở lại năm 1995, khi phần lớn núi MoSo (còn gọi là núi Bãi Voi) nằm cặp thị trấn Kiên Lương được cấp phép khai thác cho Công ty liên doanh xi măng Sao Mai (tiền thân của Công ty xi măng Holcim ngày nay) khi ngọn núi này vừa được xếp hạng, công nhận di tích lịch sử cách mạng và thắng cảnh cấp quốc gia, thì đã có nhiều lo ngại di tích sẽ bị ảnh hưởng do khai thác đá làm xi măng.
Thế nhưng tháng 9.2007, Bộ TN-MT tiếp tục có quyết định cho phép Công ty liên doanh xi măng Holcim VN thăm dò bổ sung đá vôi làm nguyên liệu xi măng từ 0 m đến âm 100 m tại khu vực núi Bãi Voi và núi Cây Xoài. Một lãnh đạo Sở KH-CN tỉnh Kiên Giang giải thích sở dĩ có việc khai thác tầng âm 100 m vì phía Công ty Holcim đã đồng ý lùi cự ly khai thác cách xa di tích MoSo thêm 50 m để giảm thiểu tác động tiêu cực, mà điển hình là bụi đá và sự rung chấn do hoạt động nổ mìn khai thác đá vôi tạo ra.
Nỗi lo bệnh tật bao trùm
Năm 2013, kỹ sư Nguyễn Khiêm (Trường ĐH Cần Thơ) cũng đã có nghiên cứu về hậu quả của nạn ô nhiễm môi trường xảy ra tại vùng dân cư gần các nhà máy xi măng ở đây. Theo ông Khiêm, ô nhiễm của khai thác và sản xuất xi măng là không thể nào tránh khỏi. Bụi trong không khí của quá trình khai thác, sản xuất xi măng là một trong những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân và môi trường địa phương. Ô nhiễm bụi xảy ra ở hầu hết các quá trình như: khai thác, vận chuyển hay nghiền đá. Hiện tại, quá trình xả clinker (một trong những nguyên liệu chính để sản xuất xi măng) của Nhà máy xi măng Vicem (Kiên Lương) có ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến sức khỏe người dân. Các hệ thống băng tải thường được bao bọc và phủ kín, do đó, sự phát tán bụi trong không khí được giảm đi rất nhiều. Tuy nhiên, ở những điểm đầu và điểm cuối của băng tải không được cài đặt hệ thống hút bụi hoặc những túi nhựa bao bọc dẫn đến tình trạng ô nhiễm bụi nghiêm trọng tại địa phương.
|
Khi mở rộng điều tra tại khu vực gần một nhà máy ở xã Bình An, kỹ sư Khiêm phát hiện số liệu thống kê của Trạm y tế xã rất đáng báo động. Trong số 4.621 lượt bệnh nhân đến khám trong 6 tháng đầu năm 2013 có 24% viêm hô hấp, trên 20% viêm phế quản, 18% viêm phổi và 38% những trường hợp khác.
Địa phương không thể đá trách nhiệm lên trung ương! Trao đổi với PV Thanh Niên chiều 8.9, một lãnh đạo Bộ TN-MT cho biết sau khi Báo Thanh Niên phản ánh về tình trạng ô nhiễm môi trường tại Kiên Lương, Bộ TN-MT sẽ tiến hành kiểm tra và có hướng xử lý. Trong khi đó, PGS-TS Nguyễn Đình Hòe, Tổng thư ký Hội Bảo vệ thiên nhiên môi trường VN (VACNE), cho rằng trách nhiệm quản lý môi trường thuộc về địa phương. “Bất cứ nhà máy nào vi phạm, gây ô nhiễm môi trường đều phải xử lý, kể cả nhà máy thuộc cấp quản lý của T.Ư, đặt tại địa phương mà ô nhiễm thì không thể bỏ qua. T.Ư chỉ quản lý về đầu tư, thẩm tra, đánh giá tác động môi trường (ĐTM) khi đầu tư xây dựng, nếu đạt thì cho phép triển khai. Nhưng sau khi nhà máy hoạt động thì địa phương phải giám sát. Đây là khâu hậu ĐTM, trách nhiệm thuộc về địa phương...”, ông Hòe nói. Ông Hòe lưu ý, tại một nơi có mật độ nhà máy xi măng dày như ở H.Kiên Lương thì cũng cần phải xem lại ĐTM vì nhiều khi khâu này chỉ làm cho đủ thủ tục, gây hậu quả rất lớn mà người dân phải gánh chịu. “Tôi từng đến tham quan nhiều nhà máy xi măng ở H.Kiên Lương và thấy rõ tình trạng ô nhiễm môi trường ở đây. Khói bụi bay ra ảnh hưởng đến dân cư thì địa phương phải kiểm tra từng nhà máy để xử lý chứ không thể đá trách nhiệm lên T.Ư được”, ông Hòe khẳng định. Cũng theo ông Hòe, nhà máy thuộc quyền quản lý của địa phương thì chủ tịch tỉnh có quyền thu hồi giấy phép đầu tư. Nếu nhà máy thuộc T.Ư quản lý thì địa phương có trách nhiệm báo cáo Chính phủ, bộ ngành liên quan để có phương án xử lý, cơ quan nào cấp phép thì nơi đó có quyền đóng cửa. Ông Hòe cũng khẳng định, chỉ xem xét ở mặt cảm quan đã thấy việc người dân quét gom được 0,5 kg clinker trong diện tích chưa đến 10 m2 qua một đêm đã thấy mức độ ô nhiễm kinh khủng. Ở mức độ này, thậm chí có thể đóng cửa nhà máy chứ không thể chỉ là nhắc nhở hay xử phạt. Lê Quân |
Tôi có ý kiến
Phải cấp tốc bảo vệ sức khỏe người dân Đó là ý kiến nhiều bạn đọc sau khi đọc bài Thị trấn hít thở... xi măng đăng trên Thanh Niên ngày 8.9. Ở lâu chắc chết hết! Bụi mù mịt, thở không nổi, quét nhà diện tích 10 m2 mà đã hốt được hơn 0,5 kg bụi xi măng thì hỏi sao không bệnh? Ở đây càng lâu thì người dân xung quanh chắc chết hết. Ở nước ngoài, mấy vụ ô nhiễm môi trường kiểu này, nếu người dân khởi kiện ra tòa án và thắng kiện thì các doanh nghiệp sẽ phải bồi thường rất lớn. Ngọc Huyền “Nể phục” chính quyền địa phương! Cách đây 10 năm tôi có dịp đi qua vùng này đã thấy ô nhiễm rồi, bụi như sương mù suốt ngày đêm. Tôi thật nể phục sức chịu đựng và sức khỏe của cư dân ở đây, và càng “nể phục” chính quyền địa phương để người dân sống trong môi trường ô nhiễm hằng ngày như vậy mà vẫn bình chân như vại. Tại sao không có biện pháp bảo vệ sức khỏe cho dân? Nguyễn Việt Thanh
Chỉ tội dân Thu lợi trên sức khỏe, tính mạng con người là một tội ác, phá hoại môi trường là tự hủy diệt mình. Trong khi chưa cần máy móc, mà chỉ bằng cảm quan ai ai cũng thấy vậy nhưng cơ quan quản lý môi trường lại nói “chưa đến mức xử phạt!”. Chỉ có dân mang bệnh tật hoặc bỏ mạng thật tội nghiệp! Chu Kim Long Ban CTBĐ (tổng hợp)
Nguyễn Cảnh Quý
Cả một thị trấn sống hàng năm trời trong tình trạng như vậy thì thật không thể hiểu nổi trách nhiệm chính quyền địa phương ở đâu? Nguyễn Thái Hùng An Phong (thực hiện) |
Tiến Trình - Đình Tuyển
>> Thị trấn hít thở... xi măng
>> Dân bao vây nhà máy xi măng gây ô nhiễm
>> Khổ vì nhà máy xi măng
Bình luận (0)