Thị trấn... quả phụ

27/03/2013 10:15 GMT+7

(TNO) Vrindavan chỉ là một thị trấn nhỏ ở miền bắc Ấn Độ, nhưng nó quy tụ đến hơn 6.000 quả phụ đến từ nhiều vùng khác nhau của đất nước này.

(TNO) Vrindavan chỉ là một thị trấn nhỏ ở miền bắc Ấn Độ, nhưng nó quy tụ đến hơn 6.000 quả phụ đến từ nhiều vùng khác nhau của đất nước này.

Ẩn sâu trong thị trấn Vrindavan, cách thủ đô New Delhi 135 km, có một đền thờ đạo Hinđu thờ thần Krishna và Radha (người yêu của thần Krishna, nhưng lại là người phàm), theo BBC.

Tình cảm vượt giới giữa Krishna và Radha được các tín đồ Hinđu giáo xem là nguyên tắc thiêng liêng của tình yêu, sự lãng mạn và vẻ đẹp tâm hồn.

Tại Ấn Độ, nhiều phụ nữ đặt chồng mình dưới góc nhìn của Krishna, đàn ông nhìn vợ mình như Radha - người xứng đáng được thương yêu.

Nhưng Vrindavan không phải là "thị trấn tình yêu", mà được mệnh danh là "thị trấn quả phụ".

Bị phân biệt đối xử sau khi chồng chết

Theo hủ tục ngày xưa ở Ấn Độ, phụ nữ thường bị thiêu sống cùng người chồng vừa qua đời.

Ngày nay, mặc dù hủ tục này đã không còn nữa, nhưng vẫn còn nhiều phụ nữ bị đối xử tồi tệ sau khi chồng của họ qua đời.


Đền thờ tại "thị trấn quả phụ" Vrindavan

Và Vrindavan là nơi mà có đến hơn 6.000 quả phụ, từ trẻ đến già, ở khắp Ấn Độ, hội tụ về, cùng sống với nhau.

Một số quả phụ bị dân làng xua đuổi, số khác bị gia đình nhà chồng hất hủi do sợ họ thừa kế hoặc “cướp” gia sản ông chồng để lại và đem đến điều xui xẻo...

Bi kịch hơn, một số quả phụ cao tuổi, bị chính những đứa con ruột, con dâu xua đuổi ra khỏi nhà sau khi người chồng về nơi chín suối.

Những mảnh đời quả phụ

Đa số các quả phụ ở thị trấn Vrindavan rũ bỏ thế giới bên ngoài đến đây để cầu nguyện cho đến khi chết, và đời sống của họ gặp rất nhiều khó khăn.

Đây là một "phần khuất" của xã hội Ấn Độ mà chính phủ nước này không muốn thế giới bên ngoài biết đến, theo BBC.


Các quả phụ ngồi lại với nhau, chia sẻ câu chuyện cuộc đời tại thị trấn Vrindavan

Chính quyền địa phương đã xây dựng một khu vực cho các quả phụ sinh sống. Có điều, họ phải trả tiền, nhưng lại không có lấy một công việc. Nhiều quả phụ buộc phải đi xin ăn để kiếm tiền.

Một tổ chức phi chính phủ có tên Maitri đã giúp cung cấp thức ăn và lều tạm cho một số quả phụ sinh sống tại thị trấn Vrindavan.

Quả phụ Saif Ali Das năm nay 60 tuổi, nhưng trông như một bà lão 90 tuổi, đã sống tại thị trấn Vrindavan hơn một thập niên.

Cách đây 12 năm chồng bà Das do say rượu, té ngã, lăn ra chết. Sau đó đứa con gái của bà qua đời tại bệnh viện và người con trai thì bị mưu sát.

Dân làng nghĩ rằng bà Das mang đến điều xui xẻo đã đuổi bà đi, và bà đi bộ hơn 1.600 km đến thị trấn Vrindavan.


Một quả phụ tại thị trấn Vrindavan

Quả phụ Sondi năm nay 80 tuổi đã sống mấy chục năm ở thị trấn Vrindavan, cũng có hoàn cảnh éo le không kém bà Das.

Sau khi người chồng qua đời, bà Sondi lúc trẻ đã phải tự tay nuôi dưỡng bốn đứa con khôn lớn.

Và chính đứa con dâu đã đuổi bà Sondi ra khỏi nhà, nói với bà rằng người chồng là trụ cột chính của gia đình, cha chồng đã chết và “mẹ không còn chồng nữa thì phải biết tự lo cho bản thân mình”.

Ngoài ra, cũng có nhiều quả phụ trẻ tuổi có những hoàn cảnh bi đát không kém gì hai trường hợp nêu trên.

Quả phụ Vrindavan vùng dậy

Hôm 25.3, hàng trăm quả phụ ở Vrindavan lần đầu tiên phá bỏ những điều cấm kỵ để xuất hiện trong một lễ hội Hinđu.

Những người này vượt qua mặc cảm "đem lại điều xui xẻo", cùng những tín đồ Hinđu khác, hóa trang đầy màu sắc để tham gia lễ hội.


Các quả phụ ở thị trấn Vrindavan lần đầu tiên tham gia một lễ hội đầy màu sắc của đạo Hindu

Ông Bindeshwar Pathak, nhà sáng lập ra tổ chức từ thiện Sulabh chuyên giúp đỡ các quả phụ, cho biết: “Sự xấu hổ và kỳ thị đối với những quả phụ vẫn còn tồn tại rất nặng nề trong xã hội Ấn Độ. Họ không được phép tham dự các lễ hội, đi đám cưới, thậm chí có người phải cạo đầu và mặc đồ trắng cho đến chết”.

“Nhưng nay mọi thứ đã khác, chúng tôi muốn giải phóng các quả phụ, giúp họ hòa nhập với cộng đồng, tham gia vào lễ hội này và nhiều lễ hội khác trong tương lai”, ông Pathak chia sẻ.

Phúc Duy
Ảnh: AFP

>> Du khách Thụy Sĩ bị cưỡng hiếp tập thể ở Ấn Độ
>> Ấn Độ “giam lỏng” Đại sứ Ý
>> Dùng cảnh sát "bù nhìn” để "siết" luật giao thông
>> Ấn Độ tranh cãi quanh chuyện đội mũ bảo hiểm
>> Mặc quần jean sẽ bị tạt axít?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.