Theo bài phân tích của chuyên gia Wendell Minnick, mối lo ngại của người Mỹ về viễn cảnh bị Trung Quốc chiếm lĩnh địa vị bá chủ ngành công nghiệp hàng không như từng bị Nhật chen lấn trong thị trường sản xuất xe hơi những năm 1970 xuất phát từ những yếu tố sau:
Thứ nhất là sự dịch chuyển quy trình sản xuất của các công ty Mỹ sang Trung Quốc.
Thứ hai là việc các công ty Mỹ chuyển giao một phần công nghệ cũng như truyền thụ bí quyết sản xuất nhằm đạt chất lượng sản phẩm tốt hơn cho Trung Quốc. Và cuối cùng là việc cho phép công ty Trung Quốc mua lại các công ty của Mỹ.
Chiếm đoạt và thâu tóm công nghệ quân sự
Trung tâm giận dữ và báo động của người Mỹ chính là Tập đoàn công nghiệp hàng không Trung Quốc (AVIC), là doanh nghiệp nhà nước cực lớn chuyên sản xuất máy bay quân sự và thương mại.
Trong năm 2012, tập đoàn này đã vận hành 10 đơn vị kinh doanh và khoảng 200 công ty con với số lượng lao động vào khoảng 450.000 người.
Khu vực quốc phòng của AVIC bao gồm 5 công ty công nghiệp hàng không chủ lực là Thành Đô, Thẩm Dương, Hồng Đô, Tây An và Xương Hà/Cáp Nhĩ Tân.
|
Hiện nay, các công ty phương Tây như Airbus, Boeing, Cessna, Embraer, General Electric và Sikorsky ít nhiều đều có giao dịch thương mại với AVIC, và thậm chí một số công ty đã và đang di chuyển quy trình sản xuất và công nghệ lưỡng dụng quân - dân sự sang Trung Quốc.
Mặt khác, trong những năm vừa qua, Tập đoàn AVIC đã nỗ lực mua lại các công ty phương Tây nhỏ hơn tham gia vào nhiều lĩnh vực sản xuất như Cirrus Industries, Continental Motors, Deltamarin Shipbuilding, Epic Aircraft và Nexteer Automotive.
Tuy nhiên, bất chấp nỗ lực cải thiện hình ảnh của mình như là một nhà sản xuất máy bay đáng tin cậy, và cố gắng xóa bỏ hình ảnh chuyên gia sao chép trái phép vũ khí khét tiếng của Nga, cũng như gần đây đã trình làng hai loại chiến đấu cơ tàng hình mới và chiến đấu cơ dành cho tàu sân bay J-15, các nhà phân tích quốc tế vẫn nhận xét cửa vào thị trường rộng lớn về máy bay thương mại và quân sự của AVIC là rất hẹp.
Không cường quốc nào mua vũ khí của Trung Quốc
"Bất cứ ai nghĩ rằng họ đang hoặc sẽ sớm trở thành đối thủ cạnh tranh lớn với Lockheed Martin và Boeing là đang tự huyễn hoặc mình. Không cường quốc nào muốn mua vũ khí của họ cả", Roger Cliff, thành viên cao cấp của Viện Nghiên cứu “Dự án 2049” (Mỹ) nhận định.
Ông cho biết các cường quốc châu u, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga và Mỹ sẽ không bao giờ mua vũ khí của Trung Quốc vì trình độ công nghệ của các nước này vượt xa Trung Quốc rất nhiều.
“Một số nước thành viên thuộc Liên Xô cũ có thể quan tâm, nhưng Moscow sẽ sử dụng ảnh hưởng của mình để ngăn chặn điều đó xảy ra", ông Cliff nói.
Ấn Độ cũng sẽ không mua vũ khí của Trung Quốc vì mâu thuẫn giữa hai nước về chủ quyền lãnh thổ cũng như do Trung Quốc hỗ trợ quân sự cho đối thủ Pakistan. Hơn nữa, trình độ khoa học kỹ thuật của Ấn Độ cũng khá cao, đủ để tiếp thu công nghệ tiên tiến của các cường quốc phương Tây khác.
|
Ngoài ra, ông Cliff còn cho biết thêm, bên cạnh việc bị “bít cửa” ở các thị trường lớn, Trung Quốc còn phải đối phó với sự cạnh tranh rất lớn ở những thị trường nhỏ hơn, vì các quốc gia trong nhóm này vẫn có những sự lựa chọn khác tốt so với việc mua hàng của Trung Quốc.
Ví dụ như Brazil, nếu họ muốn mua một chiến đấu cơ hiện đại với chi phí không tốn kém lắm, thì chắc chắn những sự lựa chọn như F-16 hoặc F/A-18 của Mỹ, Rafales của Pháp, MIG-31 của Nga, Gripens của Thụy Điển là hoàn toàn tốt hơn máy bay J-10 của Trung Quốc, ông nói.
Như vậy, chỉ còn lại những nước đang phát triển thuộc châu Phi hoặc một số quốc gia châu Á như Iran, Pakistan… là có thể sẽ mua vũ khí của Trung Quốc. Nhưng đó là vì các nước này không có khả năng tiếp cận với các nhà cung cấp vũ khí quốc tế hàng đầu vì lý do chính trị hoặc kinh tế, ông Cliff khẳng định.
Liên tục tăng trưởng do đâu?
Năm 2008, chính phủ Trung Quốc đã quyết định hợp nhất hai tập đoàn công nghiệp hàng không lớn nhất Trung Quốc lúc bấy giờ là AVIC 1 và AVIC 2 để trở thành Tập đoàn công nghiệp hàng không Trung Quốc ngày nay.
Sự hợp nhất nói trên nằm trong chính sách tích hợp quân sự - dân sự của Trung Quốc, nhằm phát triển chiến lược công nghệ lưỡng dụng quân - dân, nâng cao hiệu quả của ngành công nghiệp hàng không nói riêng và ngành công nghiệp quốc phòng nói chung.
Hiện nay, sự phân biệt giữa các ứng dụng dân sự và quân sự tại Trung Quốc là rất khó khăn, vì cấu trúc không rõ ràng của các công ty dân sự và quân sự, cũng như việc sở hữu tài sản chìm của các công ty này.
Một số tổ chức thương mại có sự liên kết với các viện nghiên cứu của quân đội Trung Quốc, hoặc có quan hệ và chịu sự kiểm soát của các tổ chức chính phủ như Ủy ban quản lý và giám sát tài sản của Nhà nước.
Ngành công nghiệp quốc phòng của Trung Quốc đã được hưởng lợi từ sự hội nhập với nền kinh tế dân sự mở rộng, bao gồm cả khoa học kỹ thuật và các lĩnh vực công nghệ, đặc biệt là lĩnh vực có quyền tiếp cận với công nghệ nước ngoài.
Michael Raska, chuyên viên cao cấp thuộc Viện nghiên cứu quốc tế Rajaratnam (Singapore) cho biết, AVIC đang ở một vị thế mạnh hơn thời điểm một hoặc hai năm trước.
Hiệu suất kinh doanh của AVIC đã được cải thiện kể từ năm 2005. Trong năm 2012, AVIC báo cáo doanh thu tăng 14% đến 47,7 tỷ USD và lợi nhuận tăng 5% đến 20,6 tỷ USD.
Trong năm 2011, AVIC đạt mức tăng trưởng hai con số trong cả doanh thu và lợi nhuận ròng. Doanh thu tăng 20% đến 39,6 tỉ USD và lợi nhuận ròng tăng hơn 15% đến 1,89 tỉ USD.
Tổng doanh thu của AVIC đã vượt qua một số công ty hàng không phương Tây, bao gồm cả BAE Systems, Lockheed Martin và Northrop Grumman, mặc dù còn thua kém EADS với 68,4 tỉ USD và Boeing với 68,7 tỉ USD, ông Raska cho biết.
Tuy vậy, doanh thu tăng cao liên tục của AVIC chỉ phản ánh đúng mức tăng trưởng ồ ạt do bùng nổ chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc, cũng như chiến lược huy động các nguồn lực tổng hợp cho nghiên cứu, chế tạo và mua sắm trang bị, vũ khí mới của nước này.
Nguyên Giang
>> Máy bay Trung Quốc liên tiếp gặp sự cố
>> Vũ khí Trung Quốc mạnh tới đâu?
>> Chiến đấu cơ Trung Quốc đâm xuống nhà dân
>> Chiến đấu cơ Trung Quốc đã cất, hạ cánh trên tàu sân bay
>> Chiến đấu cơ Trung Quốc rớt khi bay biểu diễn
Bình luận (0)