Thái Lan, nước tự nhận là thủ phủ ô tô của Đông Nam Á, đang dần trở thành chiến trường cạnh tranh giữa các hãng xe của Nhật Bản và kẻ thách thức Trung Quốc theo tờ Nikkei Asia ngày 13.1.
Thái Lan từ lâu được xem là sân sau của Toyota và các tập đoàn lớn khác của Nhật Bản. Tính từ tháng 1-10.2022, các hãng ô tô Nhật chiếm hầu hết thị trường Thái Lan, trong đó Toyota chiếm 34% tổng số xe bán ra, tiếp đến là Isuzu với 25%, Honda với 10%, Mitsubishi 6%.
Công nhân tại dây chuyền lắp ráp ô tô của Toyota tại tỉnh Chachoengsao, Thái Lan |
Reuters |
Toyota và các công ty thuộc tập đoàn này tuyển đến 275.000 lao động tại Thái Lan. Theo một số ước tính, Toyota chiếm 4% GDP của Thái Lan. Nhật Bản cũng là nước đứng đầu về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Thái Lan, tính đến tháng 3.2022 chiếm 32%.
Tuy nhiên, sự xuất hiện của các công ty Trung Quốc đang khiến cho người Nhật gặp phải những đối thủ thực thụ đầu tiên tại Thái Lan. Vài tháng trước, hãng sản xuất xe điện BYD của Trung Quốc mua gần 100 hecta đất tại Rayong ở bờ biển phía đông của vịnh Thái Lan để xây nhà máy và sẽ sản xuất xe điện từ năm 2024. Nhà phân phối của BYD là hãng phát triển bất động sản WHA của Thái, cho biết đây là giao dịch lớn nhất của công ty trong 25 năm.
Thỏa thuận này cũng có thể đã giúp Trung Quốc thành nhà đầu tư lớn nhất tại Thái Lan trong năm 2022, lần đầu soán ngôi Nhật Bản từ năm 1994.
Dù xe điện chiếm chưa đầy 1% lượng ô tô mới bán ra tại Thái Lan, nhưng trong mảng này, Trung Quốc đang chiếm ưu thế. Theo Nikkei Asia, hãng Great Wall Motor (Trung Quốc), mua nhà máy của GM tại Rayong vào năm 2020, chiếm 45% số ô tô điện bán ra tại Thái Lan từ tháng 1-10.2022, tiếp đó là SAIC Motor cũng của Trung Quốc chiếm 24%.
Năm 2020, Thái Lan công bố kế hoạch tăng lượng ô tô điện lên 30% tổng số ô tô được sản xuất vào năm 2030. Thủ tướng Prayuth Chan-ocha cũng mong muốn nền kinh tế Thái Lan được hiện đại hóa trước kỳ tổng tuyển cử dự kiến vào tháng 5.
Các hãng ô tô Trung Quốc đang cố gắng thâm nhập Thái Lan nhằm né tránh những rào cản thương mại của Mỹ. Mặt khác, Thái Lan còn là nơi cung cấp chuỗi cung ứng khá phát triển, từ các bộ phận kim loại, ghế ngồi, nội thất, nhựa, giúp thu hút đầu tư từ nước ngoài.
Một mẫu xe điện của BYD tại triển lãm ô tô tại Bangkok vào tháng 3.2022 |
Reuters |
Ông Hajime Yamamoto, nhà phân tích ngành ô tô tại Bangkok của Viện nghiên cứu Nomura, dự báo: “Cuộc cạnh tranh giữa người Nhật và người Trung Quốc có thể sẽ trở nên căng thẳng hơn khi các hãng ô tô Trung Quốc chuyển sản xuất sang Thái Lan để né tránh sự phân ly kinh tế Mỹ-Trung”.
Đối với các công ty đang nằm trong chuỗi cung ứng ô tô của Nhật, những diễn biến mới mang lại cả cơ hội và thách thức. Ông Naoto Inuzuka, CEO của Denso Asia International, tỏ ra lo ngại về việc các công ty Nhật mất cơ sở kinh doanh đã thiết lập tại Thái Lan từ lâu. Tuy nhiên, “chúng tôi cũng đang tìm kiếm những cơ hội để cung cấp cho các hãng ô tô mới đến như BYD, Great Wall, SAIC và Foxconn”. Denso là hãng sản xuất bộ phận xe hơi.
Các nhà đầu tư khác của Nhật cũng đang đặt cược lớn vào Thái Lan. Honda Motor hồi tháng 11.2022 công bố kế hoạch sản xuất đại trà xe SUV điện tại Thái Lan vào năm 2023 nhưng cũng đang thận trọng vì cần nhìn thấy nhu cầu của thị trường. “Thật vô nghĩa khi chế tạo thứ mà không ai muốn. Chúng tôi tin rằng thị trường ô tô điện vẫn còn mới tại Thái Lan”, một quan chức của Honda nói.
Theo chuyên gia Yamamoto, các hãng ô tô Nhật vẫn chưa mặn mà trong việc đi quá nhanh trong lĩnh vực xe điện. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng việc đi sớm để chiếm lĩnh thị trường là điều cần thiết.
Cựu chủ tịch Phòng thương mại chung của nước nước ngoài tại Thái Lan Stanley Kang nhận định: “Điều quan trọng là phải đi đầu. Ngày nay, chỉ có Apple, Huawei và Samsung, không hãng nào khác có thể bán (điện thoại). Đó là lý do tôi nói ai thâm nhập thị trường sớm hơn có thể tạo hình ảnh thương hiệu và chiếm thị phần lớn hơn”.
Bình luận (0)